Đình chỉ hoạt động của công ty chứng khoán trong trường hợp nào?


Theo các chuyên gia chứng khoán, công ty chứng khoán có vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển, tính an toàn và khả năng hội nhập của thị trường chứng khoán Việt Nam. Do vậy, việc đình chỉ hoạt động của công ty chứng khoán là vấn đề thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các cộng đồng đầu tư trong và ngoài nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hiện đang lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 210/2012/TT-BTC ngày 30/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập và hoạt động của công ty chứng khoán. Tại Dự thảo Thông tư này, một trong những vấn đề hiện được thị trường quan tâm là việc đình chỉ hoạt động của công ty chứng khoán.

Theo Dự thảo Thông tư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định đình chỉ một, một số hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán trong các trường hợp quy định tại Điều 94 Luật chứng khoán như sau: Hồ sơ đề nghị cấp, bổ sung Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán có thông tin sai sự thật; Không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt theo quy định tại Điều 92 Luật Chứng khoán; Hoạt động sai mục đích hoặc không đúng với nội dung quy định trong Giấy phép; Không đáp ứng được điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật Chứng khoán hoặc điều kiện vốn chủ sở hữu không thấp hơn vốn điều lệ tối thiểu sau thời hạn khắc phục quy định tại khoản 2 Điều 85 của Luật Chứng khoán.

Sau khi nhận được Giấy đề nghị đình chỉ hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán, Phương án xử lý tài khoản của khách hàng, Quyết định của Đại  hội đồng cổ đông về việc đình chỉ hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán, trong thời hạn 7 ngày, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định đình chỉ hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán.

Trường hợp công ty chứng khoán không đáp ứng điều kiện kinh doanh chứng khoán, trong thời hạn 15 ngày, công ty chứng khoán phải có phương án xử  lý tài khoản khách hàng gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trong thời hạn 10 ngày, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định đình chỉ một, một số hoặc  toàn bộ nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán của công ty chứng khoán.

Trường hợp công ty chứng khoán không khắc phục được tình trạng kiểm  soát đặc biệt, trong thời hạn 15 ngày, công ty chứng khoán phải có phương án xử  lý tài khoản khách hàng gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trong thời hạn 10  ngày, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động  kinh doanh chứng khoán của công ty chứng khoán.

Trường hợp công ty chứng khoán vi phạm các quy định của pháp luật, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận được quyết định/thông báo của Tòa án, Viện Kiểm sát về việc vi phạm pháp luật của công ty chứng khoán hoặc người đại diện theo pháp luật của công ty chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước  ra quyết định đình chỉ hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán.

Sau 06 tháng kể từ ngày quyết định đình chỉ có hiệu lực, Ủy ban Chứng  khoán Nhà nước ra quyết định rút nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán bị đình chỉ  trong trường hợp công ty chứng khoán không khắc phục được tình trạng bị đình chỉ quy định tại điểm b hoặc điểm d khoản 1 Điều này.

Trong thời gian bị đình chỉ hoạt động, công ty chứng khoán phải thực hiện các biện pháp khắc phục hoặc hạn chế hoạt động sau đây: Không được ký mới, gia hạn các hợp đồng có liên quan đến các nghiệp vụ kinh doanh bị đình chỉ hoạt động; phải thực hiện tất toán, chuyển tài khoản  theo yêu cầu của khách hàng (nếu có); Có phương án khắc phục và báo cáo tình hình thực hiện phương án theo  yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Trường hợp bị đình chỉ nghiệp vụ tự doanh, công ty chứng khoán chỉ được bán, không được tăng thêm các khoản đầu tư kinh doanh, trừ trường hợp buộc mua, vay để sửa lỗi giao dịch, giao dịch lô lẻ hoặc thực hiện các quyền có  liên quan đến chứng khoán đang nắm giữ theo quy định của pháp luật.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có trách nhiệm công bố thông tin về việc đình chỉ hoạt động kinh doanh chứng khoán của công ty chứng khoán và việc rút nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán (nếu có), bao gồm những nội dung sau: Số Quyết định đình chỉ và thời hạn đình chỉ hoạt động kinh doanh chứng  khoán của công ty chứng khoán; Số Giấy phép điều chỉnh về việc rút nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán của công ty chứng khoán.

Theo các chuyên gia chứng khoán, từ năm 2012, vấn đề tái cơ cấu công ty chứng khoán đã được triển khai trong tổng hòa chính sách tái cấu trúc thị trường chứng khoán của Chính phủ. Sau gần 8 năm triển khai Đề án tái cơ cấu công ty chứng khoán, đến nay, hệ thống các công ty chứng khoán tại Việt Nam đã có nhiều thay đổi cả về số lượng và chất lượng. 

Theo đó, số lượng và quy mô của các công ty chứng khoán thay đổi theo hướng giảm dần về số lượng và gia tăng về chất lượng. Nếu năm 2010 trên thị trường có 105 công ty, thì đến nay còn 83 công ty có giấy phép hoạt động, trong đó 74 công ty chứng khoán là thành viên của các Sở Giao dịch Chứng khoán.

Số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, tính tới cuối quý III/2019, tổng tài sản của các công ty chứng khoán là 146.075 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn điều lệ của các công ty chứng khoán đạt 61.847 tỷ đồng, tổng vốn chủ sở hữu đạt 77.738 tỷ đồng, lần lượt gấp 4,99 lần và 3,85 lần so với năm 2007. Nhìn chung quy mô hiện tại của các công ty chứng khoán còn khá khiêm tốn so với quy mô của thị trường. Theo thống kê sơ bộ, chỉ có hơn 10% số công ty chứng khoán có mức vốn điều lệ lớn hơn 500 tỷ đồng.

Trong cơ cấu các sản phẩm tài chính, các công ty chứng khoán tập trung chủ yếu vào các sản phẩm như: cho vay ký quỹ, ứng trước tiền bán chứng khoán... Có thể thấy, việc thiếu đa dạng trong cơ cấu sản phẩm, nghiệp vụ kinh doanh dẫn đến những thách thức lớn trong việc cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán với nhau như: chấp nhận đánh đổi chất lượng, tính an toàn, kiểm soát rủi ro, thậm chí giảm giá dịch vụ để giữ thị phần.

Theo đánh giá của các chuyên gia, với quy mô và năng lực tài chính hạn chế hiện nay, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cản trợ sự phát triển, tính an toàn và khả năng hội nhập của các công ty chứng khoán và thị trường chứng khoán Việt Nam.