Hướng dẫn kinh phí đối với hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa?

PV.

Lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN) cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là một trong những nội dung thu hút được sự quan tâm của các đối tượng liên quan. Bộ Tài chính hiện đang dự thảo thông tư hướng dẫn đến các nội dung này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV, Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí NSNN cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV.

Để bảo đảm nguồn lực thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV, theo Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, kinh phí bảo đảm cho hoạt động này do NSNN đảm bảo, được bố trí trong dự toán chi thường xuyên NSNN hàng năm trên cơ sở kế hoạch triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV của bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về NSNN. Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh được huy động, sử dụng kinh phí tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, nguyên tắc thực hiện hỗ trợ pháp lý cho DNNVV phải đáp ứng các nguyên tắc, đó là: Việc hỗ trợ pháp lý cho DNNVV có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực; bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả; không chồng chéo, trùng lặp; Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV được thực hiện trên cơ sở phối hợp giữa cơ quan nhà nước với tổ chức đại diện của DNNVV; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho DNNVV và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ pháp lý cho DNNVV được ưu tiên thực hiện thông qua tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý. Căn cứ nguồn lực, chương trình hỗ trợ, cơ quan, tổ chức hỗ trợ pháp lý cho DNNVV quyết định hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên như sau: DNNVV do phụ nữ làm chủ, DN sử dụng nhiều lao động nữ hơn nộp hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ trước; DNNVV sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật; DNNVV nộp hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện hỗ trợ trước được hỗ trợ trước. Nhà nước khuyến khích và có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, DN, cá nhân tham gia thực hiện hỗ trợ pháp lý cho DNNVV; huy động các nguồn lực xã hội đóng góp cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV.

Nội dung chi hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV gồm: chi xây dựng, duy trì, cập nhật các dữ liệu, cơ sở dữ liệu để hỗ trợ pháp lý cho DNNVV; chi xây dựng, biên soạn tài liệu cung cấp thông tin pháp luật trong nước, thông tin pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế, cảnh báo rủi ro pháp lý và chính sách của ngành, lĩnh vực, địa phương liên quan đến lĩnh vực hoạt động của DNNVV.

Thực hiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Tài chính không ngừng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV. Trong đó, ngày 31/12/2019, Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 2795/QĐ-BTC ban hành Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho DNNVV năm 2020 của Bộ Tài chính.  Ngày 7/8/2020, Bộ Tài chính tiếp tục có Quyết định số 1173/QĐ-BTC về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ngày Pháp luật tài chính năm 2020, trong đó tiếp tục đẩy mạnh triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV. Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đang dự thảo thông tư hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí NSNN cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV.

Theo dự thảo, đối tượng áp dụng của Thông tư bao gồm: Bộ, cơ quan ngang bộ; chính quyền địa phương cấp tỉnh; DNNVV; Tổ chức đại diện cho DN; Cơ quan, tổ chức và cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho DNNVV; Cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hỗ trợ pháp lý cho DNNVV.

Kinh phí bảo đảm cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV do NSNN đảm bảo theo phân cấp NSNN, được bố trí trong dự toán chi thường xuyên NSNN trên cơ sở kế hoạch triển khai hoạt động hỗ trợ DNNVV hàng năm của bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về NSNN. Ngoài ra, còn có nguồn kinh phí tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và nguồn đóng góp của DN.

Về nội dung chi, ngoài nội dung chi đã có chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu thực hiện theo chế độ hiện hành, dự thảo còn quy định một số nội dung chi đặc thù cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV. Cụ thể các nội dung chi gồm: chi xây dựng, duy trì, cập nhật các dữ liệu, cơ sở dữ liệu để hỗ trợ pháp lý cho DNNVV; chi xây dựng, biên soạn tài liệu cung cấp thông tin pháp luật trong nước, thông tin pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế, cảnh báo rủi ro pháp lý và chính sách của ngành, lĩnh vực, địa phương liên quan đến lĩnh vực hoạt động của DNNVV.

Đối với việc lập dự toán, chấp hành dự toán, theo dự thảo của Bộ Tài chính, vào thời điểm lập dự toán NSNN hàng năm, các cơ quan, đơn vị lập dự toán kinh phí từ NSNN thực hiện hoạt động hỗ trợ DNNVV và tổng hợp chung trong dự toán chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị; gửi cơ quan chủ quản cấp trên trực tiếp tổng hợp, gửi đơn vị dự toán cấp I để gửi cơ quan tài chính cùng cấp tổng hợp trình các cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về NSNN...