Không thu thuế đối với hàng tái nhập nếu thời điểm làm thủ tục nộp đủ hồ sơ

Theo Nụ Bùi/haiquanonline.com.vn

Theo quy định, cơ quan Hải quan không thu thuế đối với hàng hóa tái nhập nếu tại thời điểm làm thủ tục tái nhập, người khai hải quan nộp đủ bộ hồ sơ không thu thuế theo quy định.

Hải quan Bình Phước kiểm tra hàng hóa XNK. Ảnh: N.H
Hải quan Bình Phước kiểm tra hàng hóa XNK. Ảnh: N.H

Trong quá trình xử lý thủ tục hải quan và chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu phải tái nhập của doanh nghiệp, Cục Hải quan Bình Phước phát sinh vướng mắc. Để hướng dẫn đơn vị thực hiện, đối với hàng hóa xuất kinh doanh phải tái nhập để tái chế nhưng không thực hiện tái xuất, theo Tổng cục Hải quan, điểm b khoản 1 Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 đã quy định hoàn thuế đối với trường hợp, người nộp thuế đã nộp thuế xuất khẩu nhưng hàng hóa xuất khẩu phải tái nhập được hoàn thuế xuất khẩu và không phải nộp thuế nhập khẩu.

Nghị định số 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 18/2021/NĐ-CP cũng đã quy định các trường hợp không thu thuế đối với hàng hóa không phải nộp thuế xuất nhập khẩu.

Tại Điều 47 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định: Các hình thức tái nhập hàng hóa đã xuất khẩu nhưng bị trả lại (sau đây gọi tắt là tái nhập hàng trả lại) gồm: Tái nhập hàng trả lại để sửa chữa, tải chế (gọi chung là tái chế) sau đó tái xuất; tái nhập hàng trả lại để tiêu thụ nội địa; tái nhập hàng trả lại để tiêu hủy tại Việt Nam (không áp dụng đối với hàng gia công cho thương nhân nước ngoài); tái nhập hàng trả lại để tải xuất cho đối tác nước ngoài khác.

Tại Điều 47 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP cũng quy định rõ, cơ quan Hải quan không thu thuế đối với hàng hóa tái nhập quy định tại khoản 1 điều này, nếu tại thời điểm làm thủ tục tái nhập người khai hải quan nộp đủ bộ hồ sơ không thu thuế theo quy định.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, căn cứ các quy định nêu trên, việc xử lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu theo loại hình B11 (xuất kinh doanh) phải tái nhập sẽ được được thực hiện như sau.

Cụ thể, trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa có nguồn gốc mua trong nước theo loại hình B11 và đã kê khai nộp thuế xuất khẩu, khi tái nhập theo loại hình A31 (nhập khẩu hàng hóa đã xuất khẩu), nếu cơ quan Hải quan có cơ sở xác định hàng tái nhập là hàng xuất khẩu trước đây và hàng hóa chưa qua sử dụng, gia công, chế biến ở nước ngoài thì được hoàn thuế xuất khẩu và không phải nộp thuế nhập khẩu. Trường hợp cơ quan Hải quan không có cơ sở xác định hàng tái nhập là hàng xuất khẩu trước đây thì phải nộp thuế nhập khẩu khi tái nhập, đồng thời không được hoàn thuế xuất khẩu đã nộp.

Trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu (đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế khi nhập khẩu) và không thực hiện thủ tục không thu thuế xuất khẩu, hoàn thuế nhập khẩu thì sử dụng tờ khai xuất khẩu mã loại hình B11, kê khai nộp thuế xuất khẩu theo quy định. Khi tái nhập để sửa chữa sau đó tái xuất hoặc để tiêu thụ nội địa theo loại hình A31, nếu cơ quan Hải quan có cơ sở xác định hàng tái nhập là hàng xuất khẩu trước đây và hàng hóa chưa qua sử dụng, gia công, chế biến ở nước ngoài thì được hoàn thuế xuất khẩu và không phải nộp thuế nhập khẩu.

Trường hợp cơ quan Hải quan không có cơ sở xác định hàng tải nhập là hàng xuất khẩu trước đây thì phải nộp thuế nhập khẩu khi tái nhập, đồng thời không được hoàn thuế xuất khẩu đã nộp. Doanh nghiệp không phải khai thay đổi mục đích sử dụng trong trường hợp hàng tái nhập để tái chế nhưng không tái xuất.

Đối với mã loại hình G13 (tạm nhập miễn thuế), các tờ khai nhập khẩu chưa phát sinh, Tổng cục Hải quan đề nghị Cục Hải quan Bình Phước thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 432/TCHQ-QLRR ngày 5/8/2021 của Tổng cục Hải quan.

Đối với trường hợp hàng hóa xuất khẩu sau đó tái nhập nhưng không có xác nhận của cơ quan Hải quan trên tờ khai tái nhập về việc hàng hóa chưa qua sử dụng, gia công, chế biến ở nước ngoài thì cơ quan Hải quan không đủ cơ sở để không thu thuế nhập khẩu, hoàn thuế xuất khẩu khi tái nhập theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, để xác định phế liệu, phế phẩm của doanh nghiệp chế xuất được bán vào nội địa đề nghị Cục Hải quan Bình Phước nghiên cứu quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và khoản 3 Điều 1 Nghị định số 38/2015/NĐ CP của Chính phủ để thực hiện.