Hoàn thành khối lượng công việc lớn, gấp trong lĩnh vực tài chính - ngân sách

Trần Huyền

Trong bối cảnh tính hình kinh tế - xã hội có nhiều diễn biến phức tạp, Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trong điều hành tài chính - ngân sách nhà nước, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn trong thời gian ngắn.

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Chiều 9/7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 6, 6 tháng đầu năm, kế hoạch triển khai chương trình công tác tháng 7, quý III và 6 tháng cuối năm 2025. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Hoàn thành khối lượng công việc lớn, gấp

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, từ đầu năm đến nay, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường, tạo áp lực lớn cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô nói chung và ngân sách nhà nước nói riêng, nhưng trên cơ sở bám sát nhiệm vụ được Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tình hình thực tiễn, Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ giao, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trong điều hành tài chính - ngân sách nhà nước.

Bộ Tài chính đã tích cực, chủ động, khẩn trương triển khai thực hiện với khối lượng công việc rất lớn, nhiều công việc yêu cầu thực hiện trong thời gian rất ngắn. Tại Kỳ họp thứ 9, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 11 dự án Luật, Nghị quyết. Đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào chương trình lập pháp năm 2025 đối với dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Luật Quản lý thuế (thay thế) và dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025); đồng thời đang xây dựng đề xuất để báo cáo Chính phủ bổ sung vào chương trình lập pháp năm 2025 đối với 08 dự án Luật.

Lũy kế đến hết tháng 6/2025, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 45 nghị định, 01 nghị quyết và 02 quyết định; ban hành theo thẩm quyền 61 thông tư; trong đó trong tháng 6/2025 đã trình Chính phủ ban hành 15 nghị định, 01 nghị quyết và ban hành theo thẩm quyền 25 thông tư trong lĩnh vực tài chính.

Công tác thu, chi ngân sách cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đạt 1.332,3 nghìn tỷ đồng, bằng 67,7% dự toán, tăng 28,3% so cùng kỳ năm 2024. Trong đó, thu nội địa đạt 1.158,4,3 nghìn tỷ đồng, bằng 69,4% dự toán, tăng 33,3% so cùng kỳ; thu từ dầu thô đạt 25 nghìn tỷ đồng, bằng 46,3% dự toán, giảm 16,7% so cùng kỳ; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 149 nghìn tỷ đồng, bằng 63,3% dự toán, tăng 6,5% so cùng kỳ.

Chi ngân sách nhà nước 6 tháng đạt 1.102,1 nghìn tỷ đồng, bằng 43,2% dự toán, tăng 38,5% so cùng kỳ. Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 30/6/2025, Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành 201,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 9,8 năm, lãi suất bình quân 2,92%/năm.

Đảm bảo hoạt động thông suốt, không bị gián đoạn

Báo cáo tại Hội nghị, bà Trần Thị Huệ - Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước cho biết, ngay sau khi Bộ Tài chính ban hành Quyết định điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và địa bàn quản lý công tác, Kho bạc Nhà nước khu vực đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự. Các khu vực đã phối hợp với các đơn vị liên quan đảm bảo hoạt động thu, chi ngân sách được thông suốt. Sau một tuần, toàn bộ hệ thống Kho bạc đã chuyển đổi hoàn tất và hoạt động thông suốt.

Về phục vụ chính quyền địa phương hai cấp, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, các đơn vị kho bạc đã rà soát và ban hành thông tư cùng văn bản hướng dẫn liên quan đến các cấp chính quyền địa phương, chủ yếu hướng dẫn hạch toán ngân sách. Hệ thống đã phối hợp với các địa phương để xử lý các tồn đọng trước và sau khi sắp xếp, hướng dẫn chuyển đổi, đối chiếu số liệu và phục vụ hoạt động giao dịch sau sắp xếp.

Dịch vụ công của Kho bạc hoạt động thông suốt, không bị gián đoạn. Từ ngày 1/7, các hoạt động thu ngân sách được thực hiện liên tục, dịch vụ công luôn mở để tiếp nhận hồ sơ. Đến nay, hoạt động giao dịch của các cấp chính quyền địa phương cơ bản không có vướng mắc lớn, các vấn đề phát sinh đều được xử lý kịp thời.

Trong lĩnh vực thuế, ông Mai Xuân Thành - Cục trưởng Cục Thuế cho hay, thực hiện nhiệm vụ chống thất thu ngân sách nhà nước, trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành Thuế đã rà soát và đưa thêm 254.111 hộ kinh doanh vào quản lý, tăng 11%, chiếm 12,3% trong tổng số hơn 2 triệu hộ hoạt động đã qua rà soát. Tổng thu ngân sách từ khu vực hộ kinh doanh trong 6 tháng đầu năm đạt 17.100 tỷ đồng, tăng 31%.

Về thực hiện Nghị quyết 68, đến nay, có 13.699 hộ kinh doanh chuyển sang kê khai thuế theo đúng quy định. Có 1.474 hộ kinh doanh đã chuyển đổi thành doanh nghiệp, trong đó riêng tháng 6 có 910 hộ, chiếm gần 2/3 số hộ chuyển đổi. Xu hướng dịch chuyển này được kỳ vọng tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới.

Theo Cục trưởng Cục Thuế, việc triển khai hóa đơn điện tử đối với hộ kinh doanh đang là một bước tiến quan trọng. Về hóa đơn điện tử khởi tạo từng máy tính tiền, tính đến ngày 30/6 đã có 47.078 hộ kinh doanh đăng ký và sử dụng, đạt 125,3% so với chỉ tiêu đề ra. Dự báo tại thời điểm tháng 3/2025, số hộ sử dụng hóa đơn điện tử sẽ đạt khoảng hơn 37.000 hộ, nhưng thực tế triển khai đã vượt hơn 43.000 hộ, "kết quả thực tế vẫn khả quan hơn dự kiến". Công tác thu thuế đối với thương mại điện tử cũng được triển khai hiệu quả, đến nay đã thu được 98 nghìn tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, Cục trưởng Mai Xuân Thành khẳng định, Cục Thuế quyết tâm thực hiện vượt chỉ tiêu cắt giảm thủ tục hành chính. Dự kiến, Cục Thuế sẽ cắt giảm trên 44% thủ tục hành chính, giảm 40% thời gian giải quyết và giảm 45% chi phí tuân thủ. 

Thông tin về lĩnh vực pháp chế, ông Hoàng Thái Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho hay, dự kiến, tại kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới, có 11 luật do Bộ Tài chính soạn thảo sẽ trình Quốc hội. Trong 11 luật này, có 8 luật cần được soạn thảo theo quy trình rút gọn để kịp thời gian trình Quốc hội. Do đó, các đơn vị cần báo cáo tiến độ, cách thức triển khai, Vụ Pháp chế hỗ trợ hoàn thiện nội dung, đảm bảo tiến độ.

Về chỉ đạo của Ban chỉ đạo hoàn thiện thể chế pháp luật, các đơn vị được yêu cầu rà soát, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong lĩnh vực tài chính, đầu tư. Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết đã cùng các đơn vị hoàn thành cơ bản nội dung rà soát và sẽ gửi Bộ Tư pháp tổng hợp. Ngoài 11 luật đã nêu, Vụ Pháp chế đang rà soát thêm 31 luật khác do Bộ Tài chính chủ trì nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn theo nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị.