Cổ đông có vui không khi nhận cổ tức khủng bằng… cổ phiếu?
Đối với các doanh nghiệp chỉ trả cổ tức bằng cổ phiếu mà không kèm việc trả đồng tiền mặt nào, việc trả cổ tức bản chất là việc tăng vốn từ “người nhà mình”, gắn luôn cổ đông vào việc góp thêm vốn cho doanh nghiệp.
Ngày 30/5 tới, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) sẽ chốt danh sách cổ đông để phát hành cổ phiếu trả cổ tức và cổ phiếu thưởng với tổng tỷ lệ 75%.
Trong đó, Công ty dự kiến phát hành phát hành 110 triệu cổ phiếu trả cổ tức niên độ tài chính 2015-2016, tương ứng tỷ lệ 55% (đồng thời phát hành 40 triệu cổ phiếu thưởng).
Ước tính, sau các đợt phát hành, vốn điều lệ của HSG sẽ tăng lên 3.473 tỷ đồng. Ngoài cổ phiếu bằng cổ tức, HSG cũng sẽ dự kiến trả cổ tức 10% bằng tiền mặt cho năm trước.
Mùa Đại hội đồng cổ đông năm nay, nhiều doanh nghiệp cũng chọn cách trả cổ tức cao, nhưng chủ yếu bằng cổ phiếu, dù không quên chiều lòng cổ đông bằng một khoản nhỏ cổ tức tiền mặt.
Chẳng hạn, CTCP Địa ốc Sài Gòn (SGR), trải qua một năm kinh doanh thành công, SGR vẫn quyết định mức cổ tức tiền mặt tương đương năm trước là 10% và giữ phần lớn lợi nhuận cho mục tiêu tăng vốn.
Cụ thể, SCR chia cổ tức 110%, trong đó 10% bằng tiền mặt và trả bằng cổ phiếu tỷ lệ 1:1, tương đương phát hành 19,8 triệu cổ phiếu trả cổ tức. Ngoài ra, SGR cũng dự định phát hành 5,4 triệu cổ phiếu ra công chúng để tăng vốn điều lệ.
Nếu hoàn tất các đợt trả cổ phiếu thưởng và phát hành ra công chúng, SGR tăng vốn từ 198 tỷ đồng lên 450 tỷ đồng. Mức cổ tức 2017 được SGR dự kiến là từ 25-30%.
Trả lời chất vấn cổ đông, lãnh đạo SGR cho rằng, đây là mức cổ tức đáng mơ ước với nhiều doanh nghiệp, cổ đông hoàn toàn có thể thu lợi với giá cổ phiếu Công ty trên sàn. Mức phân chia lợi nhuận còn phải có kế hoạch dự trù để triển khai các dự án sắp tới.
Một trường hợp khác, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) được Đại hội đồng cổ đông 2017 thông qua tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền và cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu ở mức 44,6% cho năm 2016, bao gồm cổ tức tiền mặt 5% và cổ phiếu thưởng là 39,6%.
Kế hoạch của VIB được xem là dễ hiểu trong bối cảnh các ngân hàng đang “chạy đua” thực hiện theo chuẩn Basel II, dẫn tới áp lực nâng vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính ngày càng tăng. Không ít ngân hàng chọn cách lấy tiền lợi nhuận đáng lẽ sẽ chia của cổ đông để tăng vốn điều lệ thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, hay nhiều ngân hàng còn không trả cổ tức, kể cả tiền mặt hay cổ phiếu.
Một số doanh nghiệp khác ghi nhận việc trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ cao từ đầu 2017 có thể kể đến như CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), CTCP Xây lắp Điện I (PC1)…
HPG đã hoàn tất phát hành 412,38 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2016 với tỷ lệ 50% trong tháng 4. Nguồn vốn phát hành lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính được kiểm toán năm 2016.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng đã và sẽ thực hiện trả cổ tức khủng bằng… cổ phiếu. Tuy nhiên, trả cổ tức bằng cổ phiếu không phải là thông tin hấp dẫn gì với hầu hết nhà đầu tư, nếu không đi kèm theo đó là niềm tin doanh nghiệp sẽ lãi tốt trong năm kinh doanh tới.
Đối với các doanh nghiệp chỉ trả cổ tức bằng cổ phiếu mà không kèm việc trả đồng tiền mặt nào, việc trả cổ tức bản chất là việc tăng vốn từ “người nhà mình”, gắn luôn cổ đông vào việc góp thêm vốn cho doanh nghiệp.