Có giữ được tỷ giá tăng không quá 2% trong năm nay không?

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng tỷ giá 1% ngay đầu năm đã dẫn tới những nghi ngờ về khả năng kiểm soát tỷ giá tăng không quá 2% trong năm nay. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, mục tiêu này là khả thi. Dù sao, không thể phủ nhận áp lực NHNN sẽ phải đối mặt khi mắc kẹt quá sớm trong những cam kết.

NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá 1% ngay đầu năm. Nguồn: internet
NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá 1% ngay đầu năm. Nguồn: internet

Ngay khi Thống đốc NHNN đưa ra mục tiêu kiểm soát tỷ giá trong năm nay tăng không quá 2% tại hội nghị toàn ngành vào cuối năm 2014, thị trường đã dấy lên nhiều nhận định về tính khả thi của tuyên bố này. Một số chuyên gia tài chính cho rằng, NHNN có thể thực hiện được mục tiêu của mình dựa vào những yếu tố hỗ trợ tỷ giá trong năm 2014. Đó là, cán cân thanh toán của Việt Nam được dự đoán thặng dư khoảng 11 - 12 tỷ USD trong đó bao gồm những yếu tố tích cực như dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), và gián tiếp (FII), thặng dư thương mại hơn 2,5 tỷ USD, kiều hối dự đoán khoảng trên dưới 10 tỷ USD. Theo dự báo gần nhất thì cán cân thanh toán của Việt Nam trong năm 2015 có thể vào khoảng 8 - 9 tỷ USD, do đó nhìn chung về mặt cung - cầu USD trong năm tới không có gì phải lo ngại.

Ngoài ra, lạm phát trong năm tới được dự báo ở mức tương đối thấp, lãi suất thực tế (lãi suất danh nghĩa trừ đi tỷ lệ lạm phát) vẫn dương, nên tiền đồng tương đối ổn định. (Thành công của NHNN trong việc ổn định tỷ giá mà không gây ra mấy biến động vĩ mô lớn trong năm 2014 cũng là nhờ lạm phát giảm xuống mức thấp. Từ đó, chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và Mỹ có thể đã thu hẹp đến mức không đáng kể, từ đó làm giảm đáng kể áp lực phá giá VND trong năm nay để cải thiện sức cạnh tranh của xuất khẩu của Việt Nam). Thêm vào đó, một trong những vấn đề lớn hiện nay là, đồng dollar Mỹ đang mạnh lên so với đồng tiền nhiều nước, đặc biệt so với đồng euro, nên nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng bán tài sản ở một số thị trường mới nổi và những nước có nền kinh tế phát triển hơn những nước ít phát triển.

Sau khi NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá 1%, một số chuyên gia kinh tế vẫn tin NHNN vẫn có thể thực hiện được mục tiêu kiểm soát tỷ giá tăng không quá 2% trong năm nay. Các chuyên gia của Ngân hàng HSBC cho rằng, sẽ không có một cú tăng đột biến về tỷ giá USD/VND trong những tháng sắp tới. Điều này được bảo đảm bởi những yếu tố cơ bản vẫn còn hỗ trợ: vốn FDI tăng mạnh, dự trữ ngoại hối tốt hơn dù đã có thể được NHNN sử dụng một phần để bán ra thị trường, lạm phát thấp, lãi suất vẫn bảo đảm thực dương, chính sách ngoại hối của NHNN cũng trở nên linh hoạt hơn... Khối phân tích của HSBC dự báo: với bối cảnh USD tiếp tục mạnh hơn trong năm nay, tiền đồng sẽ tiếp tục được giảm giá thêm 1%, đưa tỷ giá VND/USD lên khoảng 21.750 vào cuối năm. Cùng chung nhận định này, Ngân hàng ANZ cho rằng, tiền đồng sẽ giảm giá mạnh hơn nữa và sẽ ở mức đạt 22.050 VND/USD vào tháng 12.2015.

Tuy nhiên, có một luồng quan điểm khác cho rằng khả năng giữ được biên độ tỷ giá 1% từ nay đến cuối năm là rất khó khăn đối với NHNN. Bởi lẽ, với mục tiêu lạm phát năm 2015 được đặt ở mức cao hơn, khoảng 4 - 5%, rõ ràng dư địa để NHNN kiểm soát tỷ giá không còn được rộng rãi như năm vừa qua, khi VND sẽ lại bị chịu thêm áp lực phá giá, nếu không muốn tiếp tục làm suy giảm sức cạnh tranh của xuất khẩu. Hơn nữa, giá USD thế giới năm 2015 khó đi xuống do kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi rất tốt. Do đó, tỷ giá USD khó có khả năng giảm. Trong khi đó, dư địa điều chỉnh còn lại của NHNN rất ít ỏi.

Dù sao, NHNN cần tránh để bị mắc kẹt vào những cam kết quá sớm của chính mình trong khi bức tranh kinh tế trong và ngoài nước thay đổi hàng ngày, hàng giờ mà không ai có thể dự đoán, biết trước được, một chuyên gia tài chính – ngân hàng khuyến cáo. Nếu bị kẹt vào trong tình trạng thực tế không như những gì đã tuyên bố thì NHNN hoặc sẽ phải trả một cái giá quá đắt để bình ổn tỷ giá như cam kết, hoặc sẽ đánh mất lòng tin chính sách của công chúng – cái giá cũng không hề rẻ hơn. Vị chuyên gia này cho rằng, NHNN cần uyển chuyển hơn về lập trường chính sách tỷ giá của mình, cân nhắc và đặt nó trong bối cảnh chung có sự hiện diện của các biến vĩ mô khác như lạm phát, lãi suất, và tăng trưởng GDP.