Tham gia các FTA:

Cơ hội cho Việt Nam cơ cấu lại thị trường xuất - nhập khẩu

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Theo Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh, việc Việt Nam quyết tâm theo đuổi các FTA, đặc biệt là Hiệp định TPP nhằm cơ cấu lại xuất - nhập khẩu lành mạnh hơn, tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường.

Việt Nam quyết tâm theo đuổi các FTA. Nguồn: internet
Việt Nam quyết tâm theo đuổi các FTA. Nguồn: internet

Nhiều thông tin về cơ hội cũng như thách thức của Việt Nam khi gia nhập sân chơi hội nhập đã được đưa ra tại buổi tọa đàm về các Hiệp định thương mại tự do (FTA) do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 20/3.

"Không hội nhập sâu, sẽ hết cơ hội"

Theo Bộ Công Thương, tính đến hết năm 2014, Việt Nam đã tham gia 8 FTA, trong đó có 6 FTA khu vực ASEAN và các đối tác; 2 FTA song phương với Nhật Bản và Chile. Hiện, Việt Nam đang đàm phán 7 FTA, trong đó, đáng chú ý là một số FTA mới với mức độ tự do hoá cao hơn, như: Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam – EU…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định, việc tham gia các FTA có tác động tích cực đến kim ngạch xuất khẩu, giúp giảm dần việc nhập siêu. Đơn cử, trước khi có FTA ASEAN - Hàn Quốc, xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc chỉ tăng bình quân 6%/năm, nhưng sau khi hiệp định được ký kết, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tăng lên mức 38%/năm.

Hoặc với ngành dệt may, chỉ sau 5 năm gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), thị phần dệt may của Việt Nam tại Mỹ tăng từ 5% lên 37%.

Với các FTA thế hệ mới, như Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam có cơ hội trở thành một thành tố của chuỗi giá trị toàn cầu; mở rộng thị trường xuất khẩu; tái cơ cấu xuất - nhập khẩu.

Đặc biệt, các FTA mới hiện nay còn có tác động rất quan trọng là giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thúc đẩy đầu tư trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương cũng như trách nhiệm của quan chức Nhà nước.

Về phía góc độ doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chia sẻ, các FTA là cơ hội để thực hiện tiến trình tái cơ cấu sản xuất kinh doanh do vậy nếu không mở cửa và hội nhập sâu sẽ hết cơ hội để mở rộng thị trường.
"Riêng ngành dệt may có 6.000-7.000 doanh nghiệp, cuộc chiến có thắng có bại nhưng đó là quy luật thị trường và là quá trình sàng lọc, sắp xếp lại cơ cấu kinh tế qua đó có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu một cách vững chắc hơn," ông Lê Tiến Trường nói.

Tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường

Bên cạnh những cơ hội đem lại nói trên, theo Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh, “tham gia các FTA  giúp chúng ta cơ hội cơ cấu lại xuất nhập khẩu lành mạnh hơn, tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường".

Dù không chỉ rõ Việt Nam đang phụ thuộc vào thị trường nào, ông cho biết, 70% giá trị nhập khẩu của Việt Nam là từ Đông Á và 50% xuất khẩu là vào thị trường này. Riêng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đang chiếm 26% tổng giá trị xuất khẩu, trong khi nhập khẩu từ thị trường này cao hơn, chiếm 29% tổng giá trị nhập khẩu.

Là trưởng đoàn đàm phán nhiều hiệp định thương mại quan trọng, ông Khánh bổ sung thêm trong lần xuất hiện hiếm hoi trên báo chí: “Vì thế, nếu có biến động sẽ tác động lớn đến ta, nên ta cần cân bằng lại thị trường”.

PGS, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đồng tình: “Việc ký nhiều hiệp định thương mại tạo ra nhiều cơ hội giúp chúng ta xử lý được rủi ro khi thương mại bị lệch quá nhiều về một, hai đối tác”.

Ông Thiên nói thêm, các hiệp định thương mại sẽ giúp Việt Nam xoay chuyển cấu trúc thương mại theo hướng hiệu quả hơn.

Không có sự chồng lấn giữa các hiệp định FTA

Giải thích lo ngại vì sao Việt Nam tham gia quá nhiều các hiệp định thương mại trong thời gian ngắn như vậy, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói: “Đây là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước và chúng ta thực hiện xuyên suốt trong nhiều năm”.

Tại cuộc tọa đàm, một số câu hỏi bày tỏ sự băn khoăn rằng, các FTA có bị chồng lấn nhau và có sự xung đột lợi ích?

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, Chính phủ đã rút kinh nghiệm trong quá trình đàm phán FTA trước đây nên chỉ đạo xây dựng chiến lược đàm phán FTA mới rất sớm.

Theo đó, đưa ra các nguyên tắc chủ đạo về lựa chọn đối tác; đạt bằng đuợc lợi ích gì và chấp nhận thách thức nào, thách thức tới đâu và lộ trình như thế nào? Khi tham gia FTA thì FTA phải tạo ra lực đẩy cùng chiều với nỗ lực cải cách trong nước, như: cơ cấu lại nền kinh tế, cải cách môi trường kinh doanh, doanh nghiệp nhà nước…  

Sau khi có nguyên tắc cơ bản, Việt Nam có sự nhất quán trong quá trình đàm phán. “Không lo ngại các hiệp định có sự chồng lấn”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh đồng thời cho rằng, xung đột lợi ích luôn luôn xảy ra vì cơ hội ngành này có thể là thách thức của ngành khác và ngược lại. Điều này thường xuyên xuyên xảy ra trong nền kinh tế dù Việt Nam có tham gia FTA hay không. Tuy nhiên, tổng hòa lại, lợi ích tĩnh vẫn lớn.

Ông Lê Tiến Trường đưa quan điểm, có chồng lấn nhưng chồng lấn đem lại lợi ích: Các FTA có điểm chống lấn là đều yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cải cách hành chính. Như vậy, “gốc” chồng lấn lại mang tính tích cực. Thậm chí, nếu tận dụng tốt thì các hiệp định còn cộng hưởng lợi ích cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp Việt không thụ động

Đối với sự chuẩn bị của các doanh nghiệp, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh tin tưởng các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chuẩn bị tương đối tốt, đặc biệt trong xuất khẩu. Ví dụ, sau khi có hiệp định, xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng khoảng 38%/năm. Đối với thị trường Nhật Bản, sau khi ký FTA thì Việt Nam – Nhật Bản đã cân bằng xuất - nhập khẩu, thậm chí nước ta còn xuất siêu ở một số thời điểm.

Tuy nhiên, hai lĩnh vực tương đối khó là sản xuất nông nghiệp và mua sắm công sẽ gặp khó. Nguyên nhân do sản xuất nông nghiệp không dễ chuyển dịch cơ cấu. Thậm chí, khi kinh tế phát triển, chi phí nhân công cao thì sức cạnh tranh ngành nông nghiệp càng yếu đi.

Đối với mua sắm công, đàm phán cố gắng mở cửa lĩnh vực này theo lộ trình và có bước “đệm” để doanh nghiệp thích nghi dần. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng mong muốn các viện nghiên cứu cung cấp cho doanh nghiệp công cụ, phương pháp phân tích thông tin để tận dụng cơ hội. 

Mặc dù vậy, một số ý kiến tại buổi tọa đàm cho rằng, khi hội nhập, tham gia vào các “sân chơi” lớn như Hiệp định TPP, FTA Việt Nam - EU,  doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa,  với năng lực cạnh tranh còn thấp rất dễ bị tổn thương.

Tuy nhiên, xét về tổng thể thì việc hội nhập là cách tốt nhất để doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đơn cử như với ngành dệt may, khi Việt Nam tham gia các Hiệp định tự do thế hệ mới, việc gia tăng quy tắc xuất xứ hàng hóa sẽ giúp doanh nghiệp điều chỉnh lại hoạt động của mình, để tận dụng được các cơ hội về giảm thuế nhập khẩu.

Ông Lê Tiến Trường nói, “với ngành dệt may, chỉ khi đáp ứng được nguyên tắc xuất xứ từ sợi thì mới được hưởng lợi ích từ hiệp định. Bây giờ muốn được hưởng lợi ích từ hiệp định TPP thì phải mua nguyên liệu từ các nước trong khối TPP hoặc là phải tự làm.

Vậy thì những doanh nghiệp  tranh thủ tận dụng nhanh cơ hội trong cả đàm phán và hợp tác với đối tác để dịch chuyển thêm các bước sản xuất vào Việt Nam, để hưởng lợi ích từ hiệp định. Nói chung với các doanh nghiệp khác mà có yêu cầu quy tắc xuất xứ tỷ lệ cao ở Việt Nam thì đều cần phải tiếp cận theo hướng này".