Cơ hội có, thách thức cũng nhiều
Quy mô của các Ngân hàng Việt còn bé nhỏ ngay cả so vớicác nước trong khu vực, nếu muốn vươn xa hơn,không có cách nào khác là phải tăng vốn.
Mở cửa, nhưng…
Hội nhập sâu rộng là từ khóa được nhắc đến rất nhiều trong vài năm trở lại đây. Cũng như các lĩnh vực khác, hệ thống NH cũng sẽ phải hội nhập một cách đầy đủ khi đi vào thị trường quốc tế.
Có nhiều đánh giá cả về định lượng lẫn định tính tác động đối với hệ thống tài chính NH Việt Nam khi hội nhập. Dòng vốn từ nhiều nước, nhất là các nước thành viên TPP có trình độ phát triển cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản… có thể giúp các NH Việt Nam bổ sung nguồn lực vốn nâng cao sức cạnh tranh, học hỏi kinh nghiệm, nhất là mang lại những lợi ích lan tỏa đáng kể về công nghệ, kỹ năng quản lý, quản trị NH.
Được đánh giá là một trong lĩnh vực tái cơ cấu tích cực nhất trong 3 trụ cột của nền kinh tế, là tiền đề quan trọng của hệ thống NH trước ngưỡng cửa hội nhập. TS. Võ Trí Thành đánh giá, thời gian qua NH Việt Nam đã rất tích cực cải thiện sức cạnh tranh, năng lực tài chính. Các sản phẩm dịch vụ NH ngày càng đa dạng, chất lượng, hệ thống công nghệ thông tin được chú trọng đầu tư hơn, giảm thiểu rủi ro trong thanh toán, hoạt động…
Tuy nhiên, câu chuyện gia nhập cộng đồng chung ASEAN (AEC) hay TPP thì chừng đó vẫn chưa đủ để giúp các NH Việt Nam hòa nhập mà không để bị hòa tan.
Một trong những thách thức khi tham gia AEC cũng như TPP là yêu cầu cao hơn về mức độ mở cửa và tự do hóa các giao dịch vốn. Theo cam kết AEC, năm 2015 Việt Nam phải thực hiện lộ trình mở cửa thị trường vốn đến 70%. Với độ mở rộng hơn, trong khi lĩnh vực tài chính rất phức tạp với các công cụ tài chính ngày càng sáng tạo, tinh vi.
Do đó, nếu không giám sát tốt thì khá rủi ro đối với sự an toàn của hệ thống. TS. Cấn Văn Lực liệt kê ra một số sản phẩm mới nổi trên thế giới: cho vay trực tiếp nhau qua online, kinh doanh quyền lựa chọn, huy động vốn từ cộng đồng… “Nếu các NH cũng như khách hàng Việt không được trang bị kiến thức tốt về tài chính thì rủi ro là hiện hữu”, vị này nói.
Nói riêng về TPP, TS. Thành nhấn mạnh, độ mở cửa tài chính Hiệp định này cao hơn cả WTO, AEC, thách thức nhất đó là TPP cho phép NH của 12 nước trong TPP được cung cấp dịch vụ tài chính NH xuyên biên giới. Nghĩa là NH ở một nước bất kỳ nào trong 12 nước trên có thể cung cấp dịch vụ về thẻ, chuyển tiền… cho khách hàng Việt Nam mà không cần có chi nhánh NH tại Việt Nam. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ về quản lý, giám sát đối với cơ quan quản lý để ngăn ngừa hoạt động kinh doanh bất hợp pháp như rửa tiền…
Thách thức lớn nhất đối với các NH Việt Nam hiện nay được nhắc đến nhiều chính là vấn đề nền tảng quản trị. Việc tạo dựng một nền tảng về quản trị nhất là quản trị rủi ro đáp ứng những thông lệ, chuẩn mực quốc tế… có ý nghĩa rất quan trọng đối với các NH. Thời điểm này, tuy quản trị rủi ro của hệ thống NH được cải thiện nhiều nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với các nước trên thế giới.
TS. Cấn Văn Lực lấy ví dụ, các NH trên thế giới đã áp dụng Basel 3 từ năm 2013 lộ trình đến năm 2019, thì thời điểm này mới có 10 NH Việt Nam thực hiện thí điểm Basel 2 lộ trình đến năm 2017. Do đó, các NH Việt Nam còn phải học hỏi rất nhiều kinh nghiệm quản trị rủi ro tài chính NH từ các nước trên thế giới. TS. Võ Trí Thành khuyến cáo, nếu NHTM không gấp rút nâng cao năng lực với kế hoạch cụ thể, cộng với việc phát huy năng lực giám sát của NHNN, nguy cơ NH Việt bị tụt lại cũng có thể xảy ra…
Làm gì để hòa nhập mà không hòa tan
Tham gia các hiệp định thương mại là một sân chơi lớn đối với các NH Việt Nam. Do đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các NH Việt Nam cần một thời gian để tăng cường vốn nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh; đầu tư công nghệ hiện đại, nâng cao trình độ quản trị điều hành theo chuẩn mực quốc tế và thông lệ của các NH hiện đại trên thế giới.
Ngoài ra, nếu có tiềm lực tài chính lớn, NH cũng có điều kiện vượt qua những bất ổn của môi trường kinh doanh khi mà Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng. Một khi mạnh về vốn, các NH Việt tăng tính độc lập của mình chứ không phải dựa vào các nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác, quy mô của các NH Việt còn bé nhỏ ngay cả so với các nước trong khu vực, nếu muốn vươn xa hơn, không có cách nào khác phải tăng vốn.
Trước hết, Việt Nam cần phải có một, hai NH có quy mô vốn lớn, tiềm lực tài chính mạnh mới tiên phong xâm nhập vào các thị trường lớn trên thế giới mà không bị lép vế. Và trên sân chơi quốc tế tính tuân thủ vô cùng quan trọng. Có những NH bị Chính phủ phạt hàng tỷ USD vì quản lý lỏng lẻo, tạo cơ hội cho những đối tượng rửa tiền phi pháp.
Còn theo quan điểm của TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, để vượt qua thách thức trên thì không có cách nào khác hệ thống NH phải thực hiện quyết liệt tái cơ cấu. Khi chấp nhận một cuộc chơi mới, các NH Việt Nam cần xác định đúng thực lực để còn đưa ra đường hướng chiến lược phù hợp. Nếu NH Việt không đưa ra sản phẩm phù hợp, cạnh tranh hơn thì sẽ tự thua ngay trên sân nhà.
Để có sự chuẩn bị kịp thời, đầy đủ hơn khi chính thức nhập cuộc hội nhập, theo nhiều ý kiến đòi hỏi hệ thống NH phải có những nỗ lực lớn, quyết liệt hơn nữa thông qua những hành động chính sách.
Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng để hội nhập tích cực, các NHTM phải được cải tổ về cách quản trị, điều hành, quản lý rủi ro cho phù hợp với các công ước và thông lệ quốc tế. NHNN xác định cải cách NH là một tất yếu khách quan và nhu cầu nội tại của hệ thống, vì vậy cần được tiến hành thường xuyên, liên tục để chủ động đối phó với những khó khăn, biến các thách thức thành cơ hội. Thời gian tới, ngành NH sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ thể chế; nâng cao năng lực xây dựng và hoạch định chính sách; tham gia giám sát và quản lý hệ thống NH; tăng cường minh bạch hóa thông tin; xử lý nợ xấu, tiến tới áp dụng các chuẩn mực quốc tế cao...