Cơ hội đầu tư vẫn sáng trong dịch bệnh
Trái ngược lại với tâm lý lo lắng bệnh dịch của phần lớn nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, vẫn còn những công ty có cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ.
Chẳng hạn chuỗi bán lẻ y tế Phamacity mới đây đã tiếp tục gọi được thêm 30 triệu USD vốn huy động mới. Số vốn này sẽ được chuỗi đầu tư thêm vào mạng lưới cửa hàng, gia tăng thêm sản phẩm để phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Theo dự báo của công ty chứng khoán BSC, cổ phiếu ngành y tế dược phẩm là số ít ngành có cơ hội tăng trưởng mạnh trong năm nay. Trong đó, các cổ phiếu của các công ty có nhóm sản phẩm kháng sinh nhiều như DHG, DHT và IMP. Các cổ phiếu khác hưởng lợi nhờ nhóm sản phẩm sát trùng là DBD và OPC. Các doanh nghiệp bán hàng qua kênh OTC (tức bán thuốc không kê toa) có tỷ trọng sản phẩm liên quan tới các nhóm trên sẽ có cơ hội khi nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng đột biến.
Một nhóm ngành khác bất ngờ bứt lên trong thời khó khăn do bệnh dịch như các hãng giao đồ ăn nhanh. Điều này xuất phát từ tâm lý e ngại đi ra ngoài đường, nhu cầu đặt các món ăn, thức uống giao tận nhà gia đình của người dân tăng nhanh. Đơn cử như GoFood thành viên giao hàng nhanh của GoViet vừa tiết lộ lượng khách hàng những ngày qua tăng đột biến lên đến 40%. Theo thống kê chỉ từ 17/1 đến 2/2/2020, đã có gần 900.000 yêu cầu đặt hàng thông qua hệ thống GoFood, đồng thời mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng cho các nhà hàng đối tác, tương ứng với tốc độ gia tăng 120% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện thị trường giao nhận thức ăn trực tuyến còn có Grab Food, Now… Dịch bệnh corona vì vậy có thể giúp cho thị trường này cán mốc doanh thu 38 triệu USD trong năm nay (theo dự báo của Euromonitor). Bên cạnh đó, thị trường thương mại điện tử cũng có thể cất cánh khi người dân lựa chọn kênh mua sắm trực tuyến thay vì trực tiếp ghé thăm các cửa hàng, trung tâm thương mại.
Một lĩnh vực truyền thống khác dự kiến sẽ tìm kiếm được cơ hội trong khó khăn là bất động sản khu công nghiệp. Lý do là hàng loạt các nhà máy tại Trung Quốc đã phải đóng cửa ngay từ đầu năm, gây đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu và khiến cho nhiều tập đoàn đa quốc gia không kịp trở tay. Đi cùng với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và nhất là mới đây hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - EU đã được thông qua, các tập đoàn quốc tế càng có lý do dịch chuyển các nhà máy của họ ra khỏi Trung Quốc để phân tán rủi ro. Chỉ tính riêng tháng 1/2020, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đổ vào trong nước lên đến 5,3 tỷ USD, tức tăng 179,5% so với cùng kỳ năm trước, số liệu của Tổng cục Thống kê. Đó là lý do vì sao nhiều doanh nghiệp trong nước đang bắt đầu khai phá thêm mảng khu công nghiệp.
Một nhà phát triển bất động sản khác là Đất Xanh cũng thông qua nghị quyết của hội đồng quản trị về việc phát triển thêm mảng bất động sản công nghiệp, trong khi khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC) tiếp tục triển khai dự án khu công nghiệp NTU3. Năm 2019, NTC ghi nhận lợi nhuận ròng lên đến 235 tỷ đồng, vượt 81% kế hoạch năm, đồng thời đưa thu nhập trên mỗi cổ phiếu lên mức rất cao là 14.700 đồng.
Theo công ty chứng khoán SSI, ngành điện, nước sẽ vẫn tích cực trong năm nay. Theo đó, trong quý 1 năm 2020, các nhà máy nhiệt điện khí sẽ có cơ hội từ giá dầu thô sụt giảm cũng như giá khí thấp hơn. Còn nhu cầu ngành nước tăng trưởng ổn định ở mức 7% theo năm trong khi giá bán lẻ nước sạch bình quân tăng 3% - 5% theo năm. Các công ty kinh doanh nước sạch đáng chú ý hiện niêm yết trên thị trường là nước Thủ Dầu Một, Cấp nước Bến Thành (BTW).