Bài học kinh nghiệm đầu tư chứng khoán từ dịch SARS
CTS khuyến nghị, trong ngắn hạn (như trong dịch SARS thời gian tạo đáy khoảng 3 - 4 tháng) thị trường chứng khoán sẽ ảnh hưởng tiêu cực từ dịch do COVID-19.
Theo các nhà phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (mã: CTS), việc xem xét diễn biến thị trường chứng khoán khi xảy ra dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) năm 2003 có thể mang lại những bài học giá trị nhất định cho nhà đầu tư do chủng mới virus Corona (COVID-19) được cho là có trình tự bộ gen giống từ 75 đến 80% trình tự bộ gen của virus SARS.
CTS điểm lại các mốc diễn biến chính xảy ra dịch, đưa ra so sánh các mốc thời gian diễn ra dịch SARS và dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Dịch SARS bùng phát bắt đầu ở tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc tháng 11/2002. Sau đó lây lan sang Hong Kong (Trung Quốc) và các nước khác ngoài Trung Quốc. Cuối tháng 4/2003, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Việt Nam xóa khỏi khu vực nhiễm vì không có trường hợp mới nào được báo cáo trong 20 ngày. Cuối tháng 5/2003, lần lượt Hong Kong, Singapore xóa khỏi khu vực nhiễm. Đến tháng 5/2004, kết thúc dịch do không còn người nhiễm trong 3 tuần.
Dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát dịch tại tỉnh Vũ Hán của Trung Quốc tháng 12/2019, sang tháng 1/2020, lây lan sang nhiều quốc gia như: Thái Lan, Nhật Bản, Việt Nam...
Nhìn lại diễn biến các thị trường chứng khoán Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Mỹ và Việt Nam trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch SARS, có thể thấy tính từ thời điểm dịch bùng phát thị trường “tìm đáy” trong khoảng từ 3 - 4 tháng. Các thị trường chứng khoán tạo đáy vào tháng 4/2003, trùng với thời điểm Việt Nam là nước đầu tiên công bố khống chế dịch thành công. Tỷ lệ giảm điểm bình quân của thị trường chứng khoán Mỹ, Nhật Bản và Hong Kong vào khoảng 16%.
CTS khuyến nghị, trong ngắn hạn (như trong dịch SARS thời gian tạo đáy khoảng 3 - 4 tháng) thị trường chứng khoán sẽ ảnh hưởng tiêu cực từ dịch do COVID-19. Ngưỡng hỗ trợ theo phân tích kỹ thuật mạnh gần nhất quanh mức 900 điểm.
Tín hiệu bắt đáy là khi có quốc gia đầu tiên công bố khống chế dịch thành công (Việt Nam là nước đầu tiên công bố khống chế dịch SARS thành công), thị trường phục hồi và đi lên.
Nhìn lại những biến động các nhóm cổ phiếu của Hong Kong (Trung Quốc) khi đại dịch SARS xảy ra, nhóm ngành tài chính có xu hướng giảm nhẹ 2,04% trong khi dịch xảy ra và tăng 39% khi thị trường hồi phục. Trong khi đó, nhóm ngành bất động sản chịu tác động nặng nề khi giảm 17,4% trong khi dịch xảy ra và phục hồi mạnh 61% khi dịch kết thúc. Mặc dù đà tăng, giảm bao gồm ảnh hưởng bởi các nhân tố khác, nhưng đây là một số kinh nghiệm tốt có thể rút ra.
Các nhà phân tích từ CTS khuyến nghị nhà đầu tư ưa thích nắm giữ cổ phiếu có thể xem xét cơ cấu cổ phiếu sang nhóm ngành tài chính. Nhà đầu tư ưa thích bắt đáy thì xem xét tham gia thị trường bắt đáy nhóm cổ phiếu có xu hướng bật mạnh trở lại khi có nước công bố khống chế dịch thành công (xem xét nhóm cổ phiếu bất động sản nghỉ dưỡng, hàng không).
Đánh giá tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, ông Trần Xuân Bách, phụ trách mảng phân tích thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC nhìn nhận, những lo ngại của giới đầu tư về dịch do virus Corona gây ra đã phản ánh vào giá cổ phiếu. Chính vì vậy tác động của dịch này tới thị trường sẽ không kéo dài.
Ông Bách nhìn nhận rằng, sau sự kiện thị trường biến động tiêu cực có phần thái quá của nhà đầu tư vô hình trung lại đang tạo ra những cơ hội trong ngắn hạn ở những nhóm cổ phiếu Bluechip (cổ phiếu cho thu nhập ổn định, độ rủi ro thấp dù cổ tức không cao), ở những nhóm ngành vẫn được kỳ vọng có sự tăng trưởng trong năm 2020.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng bộ phận Kinh tế, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) nhận định, trên thực tế, khi đánh giá kỹ càng và thận trọng thì sẽ nhận ra các dịch bệnh gây ra do các loại virus đã xảy ra trước đây như dịch SARD năm 2003 và dịch cúm H1N1 năm 2009. Tuy nhiên, tác động đến kinh tế vĩ mô, thị trường chứng khoán thế giới nói chung và các quốc gia xuất hiện dịch bệnh nói riêng chỉ ở mức độ trong ngắn hạn.
Ngay sau khi dịch bệnh được kiềm chế thì nền kinh tế vĩ mô của các quốc gia này cũng như thị trường chứng khoán đã có sự phục hồi đáng kể, do đó ông Tuấn cho rằng không nên quá quan ngại yếu tố này.
Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, Trung Quốc là vùng tâm dịch dự kiến sẽ thiệt hại 160 tỷ USD, nhưng so với GDP của Trung Quốc hiện nay khoảng 13.000 tỷ USD thì con số này không phải là vấn đề quá nghiêm trọng. Việt Nam hiện là quốc gia không phải trong vùng tâm dịch, cùng với hành động quyết liệt để phòng chống dịch của Chính phủ thì tác động của dịch đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam có lẽ là tương đối hạn chế.
“Thực tế cũng cho thấy, những phiên giao dịch đầu năm Canh Tý, thị trường chứng khoán đã phản ứng tương đối thái quá và sau những phản ứng đó thì các nhà đầu tư đã có tâm lý bình tĩnh trở lại” ông Tuấn nói.