Cơ hội để Việt Nam hiện đại hóa pháp luật về lao động

PV.

“Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là bước tiến giúp Việt Nam đạt được những tiến bộ trong cải cách lao động”, TS Chang-Hee Lee, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam nhấn mạnh.

Việt Nam là nước thứ 7 trong số 11 nước phê chuẩn Hiệp định CPTPP sẽ có hiệu lực vào ngày 30/12/2018. Canada, Úc, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore trước đó đã phê chuẩn hiệp định này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng, với một thị trường rộng lớn gồm 500 triệu người CPTPP sẽ giúp tăng GDP của Việt Nam thêm 1,32% đến năm 2035.

Những cơ chế thực hiện dự kiến trong các Hiệp định FTA gồm: Các hoạt động hợp tác, kêu gọi sự tham gia của đại diện doanh nghiệp và đại diện các tổ chức của người lao động cũng như các tổ chức quốc tế như ILO, để củng cố các thể chế thị trường lao động, tạo nền tảng cải thiện đối thoại xã hội và tuân thủ Tuyên bố năm 1998.

Cùng với Hiệp định thương mại tự do (FTA) EU-Việt Nam, CPTTP đặt ra những yêu cầu cụ thể về quyền lao động và điều kiện làm việc nhằm đảm bảo tự do thương mại sẽ đóng góp cho sự phát triển bền vững, đồng thời giúp cho người lao động và doanh nghiệp cùng được hưởng lợi ích về kinh tế một cách công bằng. 

Các FTA thế hệ mới yêu cả các nước tham gia phải thông qua và duy trì các quyền được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của ILO về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động trong pháp luật, thể chế và thông lệ của họ. Các quyền này được quy định trong 8 công ước cơ bản của ILO với các nền tảng sau: Tự do liên kết và công nhận hiệu quả quyền thương lượng tập thể (được quy định trong Công ước ILO số 87 và 98); Loại bỏ tất cả các hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc (Công ước ILO số 29 và 105); Xoá bỏ lao động trẻ em (Công ước ILO số 138 và 182 ); Xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp (Công ước ILO số 100 và 111).

Như vậy, khi CPTTP có hiệu lực, người lao động sẽ được phép thành lập hay gia nhập các tổ chức do họ tự lựa chọn ở cấp cơ sở. Những tổ chức đó có thể thuộc hoặc không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Trong một công bố của ILO, các hiệp định thương mại có điều khoản về lao động sẽ giúp tăng trung bình giá trị thương mại thêm 28%, trong khi những hiệp định không có điều khoản về lao động chỉ giúp tăng trung bình 26%. “Đây thực sự là một cơ hội để Việt Nam hiện đại hóa pháp luật về lao động, hệ thống quan hệ lao động và nhu cầu thực hiện công cuộc cải cách đó trước hết xuất phát từ bối cảnh trong nước”, TS Chang-Hee Lee nhấn mạnh.