Cơ hội nào cho các doanh nghiệp Việt Nam phục hồi và phát triển?

Minh Tân

Ngày 15/9, tại TP. Hồ Chí Minh, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức hội thảo “Diễn biến kinh tế 2022 – 2023 và những khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt Nam”. Hội thảo nhằm giúp doanh nghiệp có thể hình dung bức tranh chung của kinh tế Việt Nam và chuẩn bị tâm thế để có thể trụ vững và vượt qua suy thoái để phát triển.

Chuyên gia quản trị doanh nghiệp Đỗ Hòa chia sẻ tại hội thảo. Ảnh Minh Tân
Chuyên gia quản trị doanh nghiệp Đỗ Hòa chia sẻ tại hội thảo. Ảnh Minh Tân

Chia sẻ về tình hình kinh tế Việt Nam 2022 - 2023 và sự tác động đến doanh nghiệp Việt Nam, TS. Lê Đăng Doanh cho biết, sức mua của các thị trường truyền thống đang giảm sút. Do vậy, doanh nghiệp cần phối hợp với các cơ quan nghiên cứu để xác định thị trường nào có sức mua, mặt hàng nào là cần thiết, có cơ hội phải tận dụng ngay bởi các nước khác cũng đang tranh thủ.

Theo dự đoán, Ấn Độ sẽ nhanh chóng trở thành cường quốc kinh tế trên thế giới. Doanh nghiệp Việt Nam nên sớm có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn, công ty Ấn Độ. Việt Nam đang cố gắng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 7%/năm, còn Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo có thể đạt 7,5%. 

Hiện nay, Ấn Độ chính thức ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với các loại gạo xuất khẩu. Ấn Độ hiện chiếm hơn 40% gạo xuất khẩu toàn cầu và cạnh tranh với Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Myanmar trên thị trường quốc tế.

TS. Lê Đăng Doanh đang trình bày tại hội thảo. Ảnh: Minh Tân
TS. Lê Đăng Doanh đang trình bày tại hội thảo. Ảnh: Minh Tân

Khả năng cao giá lúa gạo toàn cầu sẽ tăng, nhưng các bên vẫn chờ xem tác động của nó lớn đến mức nào. Đây cũng là cơ hội hiện hữu, để các doanh nghiệp Việt Nam xem xét nhu cầu gạo ở thị trường Ấn Độ tiêu thụ ở mức giá nào để xây dựng giá xuất khẩu. 

Về kiềm chế lạm phát, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) đã tăng lãi suất đồng USD gây nên sự tăng giá loại tiền này và đồng USD trên thế giới chảy mạnh về nước Mỹ. Từ đó, Việt Nam cần có sự điều chỉnh thích ứng bởi hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ và Liên minh châu Âu được bán bằng đồng USD.

"Dự báo chiến tranh Nga và Ukraine có thể diễn biến phức tạp vào cuối năm nay. Các mặt hàng xuất khẩu sang Nga cần phải xem xét kỹ lưỡng. Hiện nay, Trung Quốc đang thanh toán hàng hóa xuất khẩu sang Nga bằng đồng rúp và nhân dân tệ". TS. Lê Đăng Doanh chia sẻ thêm.

Hiện Việt Nam thực hiện chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ kinh tế để tránh phụ thuộc vào một đối tác nhưng chưa khai thác triệt để cơ hội mở ra từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA).

Do đó, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong phát triển doanh nghiệp dân tộc thay vì quá ưu đãi đầu tư nước ngoài như đã diễn ra ở một số địa phương. Đó là, nâng cao hiệu quả đối với ngành nông nghiệp, cần chuyển sang nông nghiệp quy mô lớn, áp dụng cơ giới hóa (công nghệ tưới tiêu hiện đại của Israel, bón phân, phun thuốc bằng máy bay không người lái,...), làm nhà lưới, nhà kính các mặt hàng như hoa tươi, trái cây cao cấp để xuất khẩu sang các thị trường có nhu cầu cao.

Trước những khó khăn, chuyên gia quản trị doanh nghiệp Đỗ Hòa chia sẻ, thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,... Thị trường truyền thống nhưng hiện nay kinh tế Mỹ đang nguy cơ suy giảm, lạm phát cao, sức mua yếu và họ đang chuyển các cơ sở sản xuất ở Trung Quốc về lại trong nước.. Do vậy, doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh bài bản kịp thời theo xu hướng thị trường; trong đó, doanh nghiệp nên có phương án khai thác thị trường khu vực thay thế những thị trường xa và bất ổn do giá nhiên liệu cao.

Bên cạnh đó, chiến tranh đang xảy ra khiến giá dầu tăng, tác động mạnh đến giá vận chuyển. Sau đại dịch COVID-19, tình trạng thất nghiệp cao khiến sức mua giảm, lạm phát tăng do đứt gãy chuỗi cung ứng,...

Để chuẩn bị cho giai đoạn tới, ông Đỗ Hòa chỉ rõ, doanh nghiệp cần điều chỉnh mô hình kinh doanh như giảm giá thành sản phẩm, thực hiện marketing tốt hơn, nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức và quản lý kinh doanh hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin.

Người tiêu dùng không muốn và không thể chi trả cao hơn cho hàng hóa. Họ không muốn tăng giá hàng hóa và có xu hướng tìm đến những sản phẩm nội địa thay cho hàng nhập khẩu. Do đó, nhiều nhà bán lẻ chịu áp lực phải tìm kiếm nguồn cung ứng sản phẩm giá rẻ nhằm đảm bảo mức giá bán ra thị trường.