Cơ hội nào cho hàng Việt khi Mỹ áp thuế hàng Trung Quốc?
Dù bị áp thuế nhưng Trung Quốc sẽ không bỏ trống thị trường Mỹ, và sẽ luôn đi đầu trong cạnh tranh về giá.
Đó là nhận định của TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Bà Trang cũng cảnh báo nguy cơ Chính phủ Mỹ áp thuế tự vệ thay vì đề xuất từ khối sản xuất.
Cơ hội và thách thức được bàn nhiều khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra. Bà nói gì về điều này?
Người ta đã nói nhiều đến việc hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế cao tại Mỹ là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với thị trường Mỹ. Đặc biệt là những mặt hàng Việt Nam có năng lực cạnh tranh nhất định. Cơ hội thị trường có thể đến đối với cả các sản phẩm hiện đang sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo tôi thì cơ hội và thách thức trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đối với Việt Nam đều là suy đoán. Đến nay, chưa có bất kỳ một căn cứ cụ thể nào nói rằng, cơ hội và thách thức ấy là có thực.
Tuy nhiên, tôi có hai lưu ý. Thứ nhất, Trung Quốc không bỏ trống thị trường Mỹ, dù bị áp thuế nhưng vẫn tiếp cận được thị trường Mỹ. Công cụ thuế không phải là công cụ chặn hàng hóa cho phép vào thị trường, nó chỉ làm cho hàng hóa Trung Quốc khó cạnh tranh hơn tại thị trường Mỹ.
Thứ hai, Trung Quốc luôn đi đầu trong cạnh tranh về giá. Cho nên việc Mỹ áp thuế 10 hay 20%, ở chừng mực nào đó, Trung Quốc vẫn có thể khắc phục. Số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, xuất khẩu hàng hóa của nước này sang Mỹ trong nửa đầu năm 2018 vẫn tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Nhưng nước ta có nên kỳ vọng vào sự đột phá về tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế, chẳng hạn như dệt may, thép vào thị trường Mỹ?
Việc Mỹ áp thuế 200 tỷ USD với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc giúp một số doanh nghiệp ngành dệt may nước ta có thêm cơ hội xuất khẩu hàng may mặc vào Mỹ. Mỹ là quốc gia có ngành công nghiệp dệt phát triển mạnh, trong khi sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Mỹ của Việt Nam chủ yếu là hàng may mặc. Do đó, về nguyên tắc, nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá đối với hàng may mặc có thể thấp hơn các sản phẩm khác.
Vấn đề ở chỗ khó lường hết hành động của Chính phủ Mỹ. Do đó, doanh nghiệp làm ăn với thị trường này cần lưu ý, trong chuỗi hành động mà Mỹ thực hiện có việc áp dụng thuế tự vệ đối với một số mặt hàng, như từng áp lên máy giặt.
Thuế tự vệ của Mỹ hơn 10 năm qua xuất phát từ Chính phủ Mỹ chứ không phải từ yêu cầu của doanh nghiệp sản xuất. Mỹ không sản xuất hàng may mặc, nhưng Chính phủ nước này đã tự khởi xướng các vụ kiện về mặt hàng này vì cho rằng được bán phá giá.
Riêng với ngành thép, những biến động không hẳn do Mỹ áp thuế 10% hay 25%. Mỹ áp thuế thép nhập khẩu từ 5 năm nay, liên quan đến khủng hoảng thừa thép trên thị trường thế giới, mà chủ yếu là ở Trung Quốc. Vì thế, Mỹ đã tiến hành một loạt biện pháp chống bán phá giá đối với thép sản xuất tại Trung Quốc.
Đến nay, Việt Nam đã có 4 vụ kiện chống bán phá giá đối với các loại thép nhập khẩu, trong đó có những sản phẩm chủ yếu đến từ Trung Quốc. Biện pháp tăng thuế nhập khẩu thép mà Mỹ sử dụng mới đây gần như để dọa những nhà xuất khẩu thép lớn nhất ở Trung Quốc phải nhượng bộ cho Mỹ, Canada, Mexico, EU.
Ở góc độ nào đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể là cơ hội để Việt Nam thoát khỏi sự phụ thuộc một số nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc?
VCCI đã có một nghiên cứu về "sự phụ thuộc" của kinh tế Việt Nam với Trung Quốc. Trong đó, chúng tôi có một số đề xuất với Chính phủ về cách "thoát Trung" với mục tiêu để kinh tế Việt Nam đa dạng hóa đối tác, không phụ thuộc quá lớn vào một đối tác nào.
Một trong những đề xuất của VCCI là đa dạng hóa thị trường, thông qua việc đàm phán, ký các FTA, qua đó đẩy mạnh quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các thị trường khác. Tin tốt là Chính phủ đã lắng nghe, nên tới đây, khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, cho phép doanh nghiệp tiếp cận thị trường châu Mỹ, như Mỹ, Mexico, Canada, Peru.
Cạnh đó, hy vọng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết sớm sẽ mở cửa cho hàng hóa Việt Nam vào 28 nước thành viên EU. Đấy là cơ hội không thể bỏ qua. Bởi vì, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi, các FTA là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển.
Cảm ơn bà!