Thu hút đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp:

Cơ hội từ việc thay đổi chính sách

Duy Cường

(Taichinh) - Nông nghiệp là một trong những trụ cột quan trọng của kinh tế, có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển, song, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi, nhất là đầu tư nước ngoài.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong khi đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế nói chung vẫn được duy trì ở mức khá thì đầu tư vào nông nghiệp lại giảm mạnh. Chính sách thúc đẩy, khuyến khích đầu tư được kỳ vọng sẽ tăng sức hấp dẫn đối với nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào khu vực nông nghiệp trong thời gian tới.

Tiềm năng chưa được khai thác hiệu quả

Trong khi các ngành kinh tế khác còn đang chịu ảnh hưởng lớn của suy thoái kinh tế, ngành nông nghiệp đã vượt qua nhiều khó khăn, đạt kết quả khá toàn diện và tăng trưởng ngành đạt tốc độ khá cao.Nhiều sản phẩm của nông nghiệp vẫn vươn lên đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu.

Năm 2014, ngành nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng 3,3%, đánh dấu sự hồi phục và tăng trưởng trở lại sau 2 năm 2012 - 2013 chỉ tăng trưởng 2,6%. Lần đầu tiên tổng kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp cả nước đạt hơn 30 tỷ USD, tiếp tục là lĩnh vực tạo ra giá trị thặng dư cao với 9,5 tỷ USD.

Trong đó, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh như: Cà phê tăng 32,2%; hạt điều tăng 21,1%; hồ tiêu tăng 34,1%; rau quả tăng 34,9%; thủy sản tăng 18%; lâm sản và đồ gỗ tăng 12,7%; gạo tăng 5,3%.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn chưa thực sự phát triển bền vững, tiềm năng lớn nhưng chưa được khai thác triệt để, đầu tư vào nông nghiệp chưa xứng tầm.Trong khi nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng trưởng đều suốt hơn 20 năm qua, thì tỷ trọng vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp lại giảm dần.

Theo Cục Ðầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), năm 2014, cả nước có 516 dự án FDI trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp có hiệu lực, với tổng vốn đăng ký hơn 3,6 tỷ USD, chiếm 3% tổng số dự án và gần 1,5% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm mạnh so với 15 năm trước đây (chiếm 15%). Bình quân mỗi năm, nông nghiệp chỉ thu hút được khoảng 20 dự án FDI với giá trị khoảng 130 triệu USD.

Không chỉ ngày càng giảm, cơ cấu vốn FDI trong nông nghiệp cũng có nhiều bất ổn. Các dự án FDI vào nông nghiệp chỉ tập trung chủ yếu vào các dự án thu hồi vốn nhanh như chế biến nông sản thực phẩm; chế biến lâm sản, chăn nuôi và chế biến thức ăn gia súc. Các nhà đầu tư chủ yếu đến từ châu Á có nền công nghệ chưa thực sự phát triển cao như Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia…

So với các dự án FDI vào các lĩnh vực khác và so với tổng vốn FDI, FDI vào lĩnh vực nông nghiệp nhỏ về quy mô dự án và tỷ trọng vốn đầu tư. Trong những năm gần đây, nguồn vốn được rót cho nông nghiệp không những ít mà phân bố cũng không đều, tập trung nhiều vào một số ngành chăn nuôi, chế biến thức ăn, trồng rừng, chế biến lâm sản. Vốn đầu tư cho các ngành chế biến nông sản, thủy sản rất ít.

Còn nhiều rào cản

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, nguyên nhân khiến nguồn vốn FDI vào nông nghiệp còn hạn chế, ngoài việc đầu tư vào nông nghiệp không có lợi nhuận nhanh như các ngành hàng khác, trong khi gặp nhiều rủi ro về thiên tai chưa kể những rủi ro về thị trường, thì còn có những nguyên nhân chủ quan như ngành nông nghiệp vẫn thiếu một chiến lược, định hướng dài hạn thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn một cách rõ ràng nhằm xác định vị trí của nguồn vốn đối với nhu cầu đầu tư phát triển của ngành; những dự án cụ thể cần ưu tiên đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng mạnh về nông nghiệp; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong nông nghiệp chưa rõ ràng và minh bạch...

Kết cấu hạ tầng tại các vùng đầu tư nông nghiệp còn yếu kém, không thuận tiện, giao thông vận tải khó khăn... việc tùy tiện thay đổi quy hoạch, chính sách ở nhiều địa phương cũng là những trở ngại lớn làm cho nhà đầu tư không mặn mà với lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh đó, số lượng người lao động có tay nghề, được đào tạo bài bản về lĩnh vực nông nghiệp hiện nay còn rất thấp. Ở tầm “vĩ mô” thì có quá nhiều đầu mối liên quan giữa Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương... trong khâu phối hợp xét duyệt thủ tục cấp phép đầu tư, hoạt động sản xuất - kinh doanh...

Trong điều kiện sản xuất nông lâm nghiệp manh mún, phân tán hiện nay, việc tập trung một vùng đất đai rộng lớn cho một chủ đầu tư để phát triển vùng nguyên liệu tập trung là điều rất khó khăn và phức tạp.

Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) cho rằng, lũy kế đến nay, Nhật Bản vẫn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 35 tỷ USD vào gần 2.500 dự án thuộc 18 ngành khác nhau. Nhưng tỷ trọng rót vốn vào ngành nông nghiệp là rất thấp, chỉ có 2 dự án đã triển khai thành công, do Việt Nam bị đánh giá ở vị trí 18/19 về độ hấp dẫn của ngành nông nghiệp.

Theo ông Kim Won Ho, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư và Thương mại Hàn Quốc (Kotra), trong lĩnh vực thu hút đầu tư nông nghiệp - nông thôn của Việt Nam còn nhiều yếu tố khiến các nhà đầu tư chưa thực sự thoải mái. Khảo sát mới đây của Kotra cho thấy, doanh nghiệp Hàn Quốc phải vượt qua rất nhiều rào cản, mà khó khăn nhất là thiếu thông tin (34,6%), sau đó mới là hạ tầng (25,4%), xuất - nhập khẩu nguyên liệu (19,4%), thủ tục hành chính (17,2%).

Triển vọng lạc quan

Ðể tìm giải pháp thích hợp vực dậy việc thu hút vốn FDI vào nông nghiệp, gần đây một loạt chính sách, động thái ở tầm vĩ mô đã được khởi động. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đẩy mạnh triển khai Ðề án Tái cơ cấu nền nông nghiệp.

Ðáng chú ý, Ðề án Tăng cường thu hút và quản lý FDI vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030 đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều tổ chức quốc tế và các tập đoàn, doanh nghiệp của nước ngoài. Nhiều nước đang coi Việt Nam là điểm đến mới để đầu tư vào nông nghiệp, do đó, nếu chuẩn bị tốt, chúng ta sẽ tận dụng được cơ hội vàng này.

Thời gian gần đây, vốn FDI vào nông nghiệp đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc, với hàng loạt dự án mới đầu tư vào nông nghiệp ở cả miền Bắc, miền Nam, đặc biệt khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nông nghiệp Việt Nam đang trở nên hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp Nhật Bản - vốn là quốc gia có “nền kinh tế xanh”, có tác dụng bảo vệ môi trường bền vững rất thích hợp với Việt Nam. Việt Nam là một trong những lựa chọn lý tưởng để doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào nông nghiệp do có lợi thế rất lớn về các điều kiện tự nhiên, đất đai cho sản xuất nông nghiệp.

Từ cuối năm 2014, một số doanh nghiệp Nhật Bản đã đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư vào nông nghiệp. Tháng 11/2014, một đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đã tới các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tìm kiếm cơ hội đầu tư những mặt hàng nông sản, thủy sản như xoài, chôm chôm, tôm, cá...

Tháng 10/2014, Công ty Công nghệ thông tin Fujitsu của Nhật Bản và Tập đoàn FPT ký kết văn kiện hợp tác triển khai dịch vụ đám mây Akisai của Fujitsu. Dịch vụ này nhằm hỗ trợ quản lý nông nghiệp của Việt Nam trong năm 2015 - 2016. Theo đó, Fujitsu sẽ xây dựng một nhà kính và áp dụng thí điểm dịch vụ Akisai trên một loại cây trồng. Nhà kính này cũng sẽ là nơi trình diễn các giải pháp công nghệ cao, giúp Việt Nam phát triển ngành nông nghiệp thông minh.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản khác như Yanmar, Maruyama MFG, Marumasu Kikai, Nankai Kinzoku… không chỉ quan tâm đến các cơ hội đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam, mà họ còn muốn xuất khẩu sang đây các loại máy móc nông nghiệp. Tập đoàn Micware muốn hợp tác với Quảng Ngãi triển khai dự án nuôi trồng thủy sản và công nghệ nuôi trồng thủy sản theo quy trình công nghệ Nhật Bản.

Tập đoàn Phát triển nông thôn Hàn Quốc (KRC) và Ủy ban Nhân dân tỉnh Ðồng Tháp đã ký thỏa thuận hợp tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, KRC chịu trách nhiệm huy động các nguồn vốn ODA từ Hàn Quốc và các quỹ đa phương để cung cấp toàn bộ thiết bị, cơ giới hóa toàn bộ 20.000 ha đất lúa tại Ðồng Tháp.

Trong tổng số 47 dự án FDI đang hoạt động, gần đây tỉnh Bến Tre đã thu hút được một số dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu nông sản với hai dự án 100% vốn Thái Lan và một dự án của Pháp... và các dự án này hoạt động rất hiệu quả.

Thay đổi chính sách

TS. Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) đã đưa ra nhận định, các tập đoàn lớn đã và đang rất quan tâm đến nông nghiệp Việt Nam, bởi họ thấy được tiềm năng trong phát triển nông nghiệp của Việt Nam.

Nếu chúng ta thay đổi chính sách đầu tư, khuyến khích và thúc đẩy đầu tư nhiều hơn nữa thì chắc chắn sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến với nông nghiệp Việt Nam. Đây là cơ hội vàng để Việt Nam thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

Trong năm 2015 cũng như thời gian tới, để ngành nông nghiệp nắm bắt được những cơ hội từ làn sóng FDI, ngành nông nghiệp cần tập trung nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng ngành, từng sản phẩm theo hướng gắn kết với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển. Đặc biệt, ngành nông nghiệp nước ta cần chủ động tạo những chiến lược, định hướng dài hạn nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài một cách rõ ràng và có hiệu quả.

Mặt khác, cũng cần nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn, áp dụng khoa học, nâng cao tay nghề, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt văn minh, hiện đại cho nông dân. Bên cạnh đó, cũng cần hoàn thiện hơn nữa cơ chế, chính sách về khuyến khích FDI trong nông nghiệp như: Chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; chính sách phát triển thị trường vốn và tín dụng đầu tư; chính sách thương mại và thị trường; chính sách đất đai; chính sách phát triển nguồn nguyên liệu.

Đồng thời, cần phát triển một hệ thống quản lý và xúc tiến FDI đối với các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở nước ta cũng như các nước vùng lãnh thổ có tiềm năng đầu tư vào nông nghiệp, quảng bá hình ảnh nông nghiệp nước ta trong mắt bạn bè thế giới.

Với mục tiêu thu hút nguồn vốn này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang xây dựng Dự thảoĐề án tăng cường thu hút và quản lý FDI vào lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030để gỡ bỏ những khó khăn, hạn chế trong thời gian qua, nhanh chóng nắm bắt cơ hội và thu hút được dòng vốn FDI, góp phần phát triển nông nghiệp.Điều này sẽ mở ra cơ hội phát triển mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam, thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh.