Đồng bộ giải pháp để xây dựng nông thôn mới
(Tài chính) Mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, phấn đấu số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2015 là 20% và đến năm 2020 là 50%. Tuy nhiên, để hoàn thành được mục tiêu này, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó phải kể đến các giải pháp về tài chính.
Thành công và hạn chế
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về xây dựng nông thôn mới, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều chính sách tài chính tạo điều kiện phát triển nông thôn mới. Trong đó, phải kể đến hàng loạt chính sách tiêu biểu như: Thông tư 112/2003/TT-BTC ngày 19/11/2003 hướng dẫn việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp từ năm 2003-2010; Thông tư 120/2011/TT-BTC ngày 31/8/2011 hướng dẫn thi hành Nghị định 20/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp trong giai đoạn 2011–2020; Thông tư số 84/2011/TT-BTC ngày 16/6/2011 hướng dẫn một số chính sách tài chính khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn… Bên cạnh đó, nhiều chính sách tín dụng đã được hình thành để xây dựng nông thôn mới trên toàn quốc như: Chính sách tín dụng thương mại đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được quy định tại Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ; Chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ cận nghèo được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 80/ NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ…
Có thể nói, các chính sách tài chính trên đã góp phần quan trọng trong việc tạo bộ mặt mới cho nông thôn và kinh tế địa phương. Điều này cũng phần nào được minh chứng qua hơn 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong đẩy mạnh công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội ở nhiều vùng nông thôn. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn từng bước được thay đổi và phát triển, điều kiện sống của cư dân nông thôn tiếp tục được cải thiện, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được nâng cấp và từng bước hiện đại hoá.
Theo Ban chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, riêng năm 2014, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã có chuyển biến mạnh mẽ so với thời gian trước với 785 xã đạt chuẩn 19 tiêu chí nông thôn mới, chiếm 8,8% tổng số xã trên cả nước với các tiêu chí hoàn thành cao như 97,2% số xã hoàn thành quy hoạch nông thôn mới, 75,6% đạt tiêu chí điện, 50,2% đạt tiêu chí nhà ở dân cư, 44,5% đạt chuẩn về thu nhập, 72,2% đạt tiêu chí hộ nghèo, 65% số xã đạt tiêu chí hình thức sản xuất…
Tuy nhiên, nhìn lại quá trình xây dựng nông thôn mới, vẫn có thể thấy một số hạn chế như: Nhu cầu về vốn để thực hiện rất lớn trong khi nguồn lực đầu tư, trong đó có nguồn từ ngân sách còn hạn chế. Thống kê cho thấy, nguồn lực đầu tư cho “tam nông” hiện mới đáp ứng 55% - 60% nhu cầu. Trong khi đó, vốn FDI vào nông nghiệp, nông thôn còn thấp và có xu hướng giảm dần. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ trọng vốn FDI trong nông nghiệp thấp, trung bình chỉ chiếm 3% tổng dự án FDI đầu tư vào Việt Nam, chiếm 1,49% tổng vốn đăng ký và có xu hướng ngày càng giảm. Cụ thể, cách đây 15 năm, FDI vào nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 15% trong tổng vốn đầu tư FDI của cả nước, thì 3 năm gần đây chiếm chưa đến 0,5%.
Bên cạnh đó, một số khảo sát đã chỉ ra rằng, trong số 19 nhóm tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các địa phương thường dành nhiều nguồn lực cho tiêu chí hạ tầng kinh tế - xã hội, trong khi chưa chú trọng đến tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế. Một số địa phương đã dồn nguồn lực tương đối lớn cho xây dựng cơ sở hạ tầng trong điều kiện nguồn lực tài chính có hạn, dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản. Tình trạng người dân bỏ ruộng, đi làm việc tại các khu công nghiệp vẫn khá phổ biến…
Ngoài ra, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn rườm rà và phức tạp, chưa phù hợp với nhu cầu thực tế của DN, chưa tạo đột phá thu hút DN đầu tư vào “tam nông”... Vốn tín dụng đầu tư phát triển, tín dụng thương mại bị hạn chế và đôi khi khó tiếp cận đối với DN và người dân. Quy định đối tượng muốn vay vốn ngân hàng phải chứng minh năng lực tài chính, phải có hiệu quả sản xuất năm sau cao hơn năm trước; hoặc việc quy định nông dân vay vốn không phải thế chấp tài sản nhưng lại phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất cho ngân hàng... khiến nhiều người không có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay.
Thống kê cho thấy, sau hơn 3 năm triển khai Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, tính đến cuối năm 2013, dù tín dụng dành cho nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 17% song vẫn tương đối thấp so với nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp chưa gắn chặt trách nhiệm của nông dân với xã hội về chất lượng sản phẩm hàng hóa; Chính sách miễn, giảm thủy lợi phí, còn thiếu chế tài trong quản lý, tạo ra tâm lý ỷ lại trong nông dân, không tiết kiệm, chưa phù hợp với nhu cầu nước của cây trồng...
Giải pháp tài chính phát triển nông thôn mới
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nhằm thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, thời gian tới, một trong những việc cần làm ngay là tiếp tục có các chính sách tài chính cho nông thôn mới, cụ thể:
Thứ nhất, xây dựng cơ chế, chính sách tài chính cụ thể, rõ ràng để các địa phương chủ động bố trí cân đối ngân sách địa phương, vốn đối ứng khi địa phương được tài trợ vốn nước ngoài hay của DN cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường nguồn vốn từ ngân sách nhà nước (NSNN), vốn trái phiếu chính phủ và huy động tối đa vốn ODA, FDI để đầu tư phát triển “tam nông”. Thực hiện phân bổ NSNN đảm bảo hài hoà lợi ích của các địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp với các địa phương thuần nông; Tăng cường phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cho các địa phương, kể cả cấp huyện, xã… Tiếp tục dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn thông qua chương trình kiên cố hoá kênh mương, đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng làng nghề nông thôn…
Thứ hai, tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi về thu tiền sử dụng đất, về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân nhằm khuyến khích đầu tư, nhất là các dự án đầu tư áp dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến nông sản thực phẩm sau thu hoạch, dự án đầu tư vào các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi thuế hơn nữa nhằm thúc đẩy sự liên kết của “4 nhà” (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp), qua đó, thúc đẩy đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tạo sự liên kết chặt chẽ, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...
Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động hiệu quả các nguồn lực trong xã hội, tiến đến hạn chế dần nguồn vốn từ NSNN. Theo đó, ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút vốn ODA và FDI đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; Tạo điều kiện để các địa phương chủ động kêu gọi triển khai các hình thức đầu tư xây dựng - chuyển giao (BT), hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT), hợp tác công tư (PPP). Đặc biệt, cần có chính sách khuyến khích các DN tư nhân đầu tư vào địa bàn nông thôn như đầu tư làm công nghiệp, làm dịch vụ...
Hiện nay, xây dựng nông thôn mới chưa thu hút được DN - thành phần giữ vai trò quan trọng trong xây dựng mối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Chẳng hạn, trong giai đoạn 2010 - 2013, tổng số vốn DN đầu tư vào khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ chỉ chiếm 3% vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới, tương đương gần 4.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tỷ trọng vốn từ cộng đồng dân cư là 10%, vốn ngân sách và lồng ghép là 27%, vốn tín dụng chiếm tới 60%.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển mạng lưới tín dụng nông thôn, tăng thêm các điểm giao dịch của ngân hàng thương mại trên địa bàn nông thôn. Khuyến khích các ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay vốn với cơ chế ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Rà soát lại quy trình cho vay, cắt giảm những thủ tục giấy tờ không cần thiết, tạo điều kiện cho khu vực nông nghiệp, nông thôn tiếp cận được tới vốn ngân hàng. Tăng mức mức cho vay vốn phát triển sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác hải sản, phát triển chăn nuôi, sản xuất muối, cải tạo vườn tạp và người trồng lúa. Xây dựng cơ chế bảo lãnh tín dụng hợp lý đi đôi với việc triển khai mạnh mẽ khoa học kỹ thuật đối với nông nghiệp, nông thôn…