Thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp

Theo Lê Dũng/daibieunhandan.vn

(Tài chính) Thời gian qua nông nghiệp, nông thôn luôn được chú trọng nhằm phát triển hướng tới một nền nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này, cần đẩy mạnh hơn việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Năm 2014, lần đầu tiên tổng kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp cả nước đạt hơn 30 tỷ USD, tiếp tục là lĩnh vực tạo ra giá trị thặng dư cao với 9,5 tỷ USD. Trong đó, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh như: cà phê tăng 32,2%, hạt điều 21,1%, hồ tiêu 34,1%, rau quả 34,9%, thủy sản 18%, lâm sản và đồ gỗ 12,7% và gạo 5,3%.

Trong khi các ngành kinh tế khác còn đang chịu ảnh hưởng lớn của suy thoái kinh tế, ngành nông nghiệp đã vượt qua nhiều khó khăn, đạt kết quả khá toàn diện và tăng trưởng ngành đạt tốc độ khá cao.

Trong 2 năm 2012 và 2013, ngành nông nghiệp chỉ tăng trưởng 2,6%, thì đến năm 2014, ngành nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng 3,3%, đánh dấu sự hồi phục và tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, trên thực tế, ngành nông nghiệp vẫn chưa thực sự phát triển bền vững, khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm nông sản chưa cao. 

Trong khi nguồn đầu tư nước ngoài (FDI) của cả nước có xu hướng tăng, thì dòng vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp lại quá nhỏ về quy mô dự án và tỷ trọng vốn đầu tư so với tổng đầu tư nước ngoài của cả nước.

Nguyên nhân chủ yếu do ngành nông nghiệp vẫn thiếu chiến lược, định hướng dài hạn thu hút vốn đầu tư nước ngoài một cách rõ ràng, nhằm xác định vị trí của nguồn vốn đối với nhu cầu đầu tư phát triển của ngành; những dự án cụ thể cần ưu tiên đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng mạnh về nông nghiệp; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong nông nghiệp chưa rõ ràng, minh bạch...

Mặt khác, do cơ sở hạ tầng nông thôn còn yếu kém; tùy tiện thay đổi quy hoạch, chính sách ở nhiều địa phương cũng là những trở ngại lớn làm cho nhà đầu tư không mặn mà với lĩnh vực nông nghiệp...

Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) Ts Đặng Kim Sơn nhận định: năm 2015 là cơ hội vàng để nước ta thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Các tập đoàn lớn đã và đang rất quan tâm đến nông nghiệp, bởi họ thấy được tiềm năng trong phát triển nông nghiệp. Đây cũng là lý do các tập đoàn quốc tế muốn đầu tư vào nông nghiệp nước ta. Song, cần thay đổi chính sách đầu tư, khuyến khích và thúc đẩy đầu tư nhiều hơn nhằm thu hút được nhà đầu tư nước ngoài đến với nông nghiệp nước ta.

Trong năm 2015 cũng như thời gian tới, để ngành nông nghiệp nắm bắt được những cơ hội từ làn sóng FDI, ngành nông nghiệp cần tập trung nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng ngành, từng sản phẩm theo hướng gắn kết với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển. Đặc biệt, ngành nông nghiệp nước ta cần chủ động tạo những chiến lược, định hướng dài hạn nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài một cách rõ ràng và có hiệu quả.

Mặt khác, cũng cần nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn, áp dụng khoa học, nâng cao tay nghề, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt văn minh, hiện đại cho nông dân. Bên cạnh đó, cũng cần hoàn thiện hơn nữa cơ chế, chính sách về khuyến khích FDI trong nông nghiệp như: chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; chính sách phát triển thị trường vốn và tín dụng đầu tư; chính sách thương mại và thị trường; chính sách đất đai; chính sách phát triển nguồn nguyên liệu.

Đồng thời, cần phát triển một hệ thống quản lý và xúc tiến FDI đối với các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở nước ta cũng như các nước vùng lãnh thổ có tiềm năng đầu tư vào nông nghiệp, quảng bá hình ảnh nông nghiệp nước ta trong mắt bạn bè thế giới.

Với mục tiêu thu hút nguồn vốn này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đang xây dựng Dự thảo Đề án tăng cường thu hút và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030 để gỡ bỏ những khó khăn, hạn chế trong thời gian qua, nhanh chóng nắm bắt cơ hội và thu hút được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, góp phần phát triển nông nghiệp.

Điều này sẽ giúp cho ngành nông nghiệp nước nhà có một diện mạo mới; đồng thời, thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực, cũng như thế giới.