Cơ hội và thách thức của ngành Ngân hàng trong bối cảnh Việt Nam gia nhập CPTPP

ThS. Trần Thị Kim Chi - Viện Kinh tế Việt Nam

Những năm gần đây, ngành Ngân hàng Việt Nam đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, từng bước tiến sâu hơn vào quá trình hội nhập quốc tế. Việc Việt Nam ký kết thành công một loạt các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (nay đổi thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP)… đã mở ra những cơ hội và thử thách mới cho hệ thống ngân hàng Việt Nam. Phân tích những điều khoản về tài chính ngân hàng mà Việt Nam đã cam kết trong CPTPP, bài viết đánh giá về những cơ hội cũng như thách thức mà ngành Ngân hàng sẽ phải đối diện khi Việt Nam thực hiện các cam kết trong CPTPP.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cam kết hội nhập lĩnh vực tài chính, ngân hàng trong CPTPP

Trong những năm qua, nhất là giai đoạn từ năm 2011 đến nay, ngành Ngân hàng Việt Nam đã có những đổi mới đột phá, tiến sâu hơn vào quá trình hội nhập quốc tế, nhất là khi một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết.

Bên cạnh việc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), việc gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và tham gia vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã mở ra nhiều cơ hội đối với  hệ thống ngân hàng của Việt Nam. 

TPP được ký kết vào tháng 2/2016, với 12 nước tham gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Thỏa thuận TPP ban đầu từng được Mỹ mô tả là một “tiêu chuẩn vàng” cho mọi thỏa thuận tự do thương mại.

Văn kiện này không chỉ giới hạn ở việc cắt giảm thuế quan, mà còn bao gồm việc dỡ bỏ một loạt các hạn chế phi thuế quan và đòi hỏi các thành viên tuân thủ các tiêu chuẩn quản lý cao trong các lĩnh vực như Luật lao động, bảo vệ môi trường, sở hữu trí tuệ và chi tiêu công. Tuy nhiên, ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1/2017, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi TPP.

Trước động thái này, 11 nước thành viên còn lại (chiếm 13,5% nền kinh tế toàn cầu) vẫn nỗ lực khôi phục hiệp định TPP. Ngày 11/11/2017, tại Đà Nẵng (Việt Nam), 11 nước đã thống nhất đổi tên TPP thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). CPTPP giữ hầu hết nội dung của TPP, song trong 8.000 trang tài liệu của thỏa thuận ban đầu, có 20 điều khoản bị tạm hoãn thực thi, chủ yếu liên quan tới sở hữu trí tuệ.

Đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính trong CPTPP, mặc dù yêu cầu cung cấp nhiều cơ hội tiếp cận thị trường và đầu tư qua biên giới nhưng vẫn đảm bảo rằng, các nước trong CPTPP có đủ năng lực điều hành thị trường và các tổ chức tài chính cũng như thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp khủng hoảng.

Giống như WTO hay các Hiệp định FTA khác, CPTPP cũng quy định đối xử quốc gia; đối xử tối huệ quốc; tiếp cận thị trường và một vài quy định cụ thể về việc cung cấp dịch vụ tài chính qua biên giới. Tuy nhiên, theo nội dung đã kết thúc đàm phán trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, một nhà cung cấp dịch vụ của một nước CPTPP có thể cung cấp dịch vụ tài chính tại thị trường của nước tham gia CPTPP khác, nếu các công ty trong nước hoạt động tại thị trường này được phép cung cấp dịch vụ đó.

Các nước thành viên của CPTPP phải ban hành quy định trường hợp ngoại lệ đối với một số quy tắc trong hai phụ lục đính kèm theo CPTPP và phù hợp với  điều kiện của từng nước: (i) Các biện pháp hiện hành quy định, bên tham gia phải có nghĩa vụ không áp đặt thêm bất kỳ biện pháp chế tài nào khác trong tương lai, cũng như tuân thủ thỏa thuận tự do hóa trong các hoạt động sau này; (ii) Các biện pháp và chính sách quy định bên tham gia có đầy đủ quyền tự quyết trong tương lai.

Các nước tham gia CPTPP cũng đặt ra các nguyên tắc công nhận chính thức tầm quan trọng của các quy trình thủ tục pháp lý nhằm khuyến khích việc cung cấp các dịch vụ bảo hiểm của các nhà cung cấp được cấp phép và các quy trình để đạt được mục tiêu này. Ngoài ra, Hiệp định CPTPP cũng đề cập đến các cam kết cụ thể về quản lý danh mục đầu tư, các dịch vụ thẻ thanh toán điện tử và chuyển giao thông tin để phục vụ mục đích xử lý dữ liệu.

Tuy nhiên, CPTPP cũng đề cập đến các trường hợp ngoại lệ trong việc bảo hộ quyền tự chủ của các nhà quản lý tài chính của các nước tham gia CPTPP, trong đó họ sẽ được quyền chủ động thực hiện các biện pháp củng cố tính ổn định tài chính và tính thống nhất của hệ thống tài chính của mình; bao gồm, những quy định ngoại lệ mà các quốc gia thành viên xem xét một cách thận trọng và những quy định ngoại lệ về các biện pháp không phân biệt đối xử trong quá trình thiết lập và thực thi các chính sách tiền tệ hay các chính sách khác.

Cơ hội và thách thức đối với ngành Ngân hàng

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hệ thống tài chính - ngân hàng cạnh tranh và mở cửa là một trong những tiền đề hỗ trợ hiệu quả cho phát triển và tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là lý do khiến xu thế hội nhập quốc tế của ngành Ngân hàng ngày càng phổ biến và lan rộng.

Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận trong việc tiếp cận nguồn vốn, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm chuyên gia… xu thế hội nhập cũng đặt ra không ít thách thức cho ngành Ngân hàng trong quá trình điều chỉnh và cải cách để tiến đến một hệ thống ngân hàng phát triển bền vững và ổn định. Cụ thể: 

Một số cơ hội

(i) Cơ hội mở rộng, phát triển thị trường ra nước ngoài đối với các ngân hàng Việt Nam: Hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và tham gia CPTPP nói riêng đã mở ra cho các ngân hàng Việt Nam một cơ hội tiếp cận thị trường ở nước ngoài. Hội nhập tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng trong nước mở rộng hoạt động ra thị trường nước ngoài thông qua việc cung cấp dịch vụ trong khuôn khổ cam kết, đặc biệt là hiện diện thương mại và cung cấp qua biên giới.

(ii) Cơ hội nhận được sự hỗ trợ về tư vấn, đào tạo bồi dưỡng kiến thức mới từ các ngân hàng và các tổ chức tài chính nước ngoài: Hội nhập quốc tế tạo ra cơ hội liên kết của các ngân hàng trong nước với ngân hàng nước ngoài. Liên kết với các ngân hàng nước ngoài giúp các ngân hàng trong nước có điều kiện tốt để tăng cường về khả năng phòng ngừa và xử lý rủi ro nhờ được hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật trong áp dụng công nghệ ngân hàng, kỹ năng quản trị và phát triển sản phẩm mới.

Sự cọ sát trong hoạt động kinh doanh cũng là cơ hội để các ngân hàng trong nước nâng mình lên một tầm cao mới. Mở cửa thị trường dịch vụ ngân hàng theo các cam kết song phương và đa phương sẽ là điều kiện tốt để thu hút đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực tài chính, đồng thời các công nghệ ngân hàng, các kỹ năng quản lý tiên tiến được các ngân hàng trong nước tiếp thu thông qua sự liên kết hợp tác kinh doanh. Sự tham gia điều hành, quản trị các nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng trong nước là yếu tố quan trọng để cải thiện nhanh chóng trình độ quản trị kinh doanh ở các ngân hàng trong  nước.

(iii) Các ngân hàng Việt Nam được tham gia vào một sân chơi kinh doanh bình đẳng và mang tính chuyên nghiệp cao: Khi thực hiện những cam kết hội nhập, sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh của các ngân hàng sẽ ngày càng giảm và hạn chế sự bảo hộ. Bối cảnh này tạo điều kiện để các ngân hàng Việt Nam trở nên năng động hơn trong hoạt động kinh doanh, đồng thời, các ngân hàng có cơ hội thể hiện năng lực và trình độ của mình.

Các ngân hàng trong nước buộc phải chuyên môn hóa sâu hơn các nghiệp vụ nhanh chóng tiếp cận và phát triển các dịch vụ ngân hàng mới, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, khai  thác và áp dụng hiệu quả hơn ưu thế của các loại hình ngân hàng nhằm mở rộng thị phần trên thị trường tài chính trong nước và quốc tế. Hội nhập quốc tế buộc các ngân hàng trong nước phải hoạt động theo nguyên tắc thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ thúc đẩy hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng trong nước.

Những thách thức đặt ra

Bên cạnh những cơ hội thì các ngân hàng Việt Nam cũng phải đối diện với rất nhiều thách thức khi Việt Nam thực thi các cam kết trong CPTPP. Cụ thể như:

Thứ nhất, sự cạnh tranh của hệ thống ngân hàng ngày càng gay gắt: Việc mở cửa hội nhập, kéo theo một lượng lớn các ngân hàng nước ngoài với tiềm lực mạnh về tài chính, công nghệ và trình độ quản lý tham gia vào thị trường tài chính nội địa và sự cạnh tranh gay gắt giữa khối ngân hàng trong nước và các ngân hàng nước ngoài là điều khó có thể tránh khỏi.

Các ngân hàng nước ngoài có thế mạnh về chất lượng phục vụ và đa dạng dịch vụ sẽ thu hút một lượng lớn khách hàng - là các DN có vốn đầu tư nước ngoài và một bộ phận không nhỏ các DN, cá nhân trong nước. Điều này dẫn đến sự gia tăng thị phần của các ngân hàng ngoại và sự sụt giảm thị phần của các ngân hàng nội địa. 

Thứ hai, các ngân hàng trong nước phải đối mặt với xu hướng gia tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam: Việc mở cửa thị trường trong nước đồng nghĩa với việc gia tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các NHTM Việt Nam. Hiện nay, các NHTM Việt Nam đã chủ động tích cực chào bán cổ phiếu cho các cổ đông là tổ chức lớn nước ngoài, nâng dần tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các NHTM.

Trong khối các NHTM nhà nước cổ phần hóa, Vietinbank là ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài cao nhất, lên đến hơn 28% (cuối năm 2014). Trong số các NHTM cổ phần, tỷ lệ sở hữu nước ngoài nhìn chung có xu hướng gia tăng ở các ngân hàng có quy mô lớn và trung bình như ACB, EIB,TCB,VIB, VPB, khoảng từ 20-30%. Cá biệt, ACB có tỷ lệ sở hữu nước ngoài “kịch trần” 30% trong giai đoạn 2012-2014. 

Thứ ba, áp lực nâng cao chất lượng và dịch chuyển nguồn nhân lực tài chính ngân hàng chất lượng cao sang các tổ chức nước ngoài và khu vực: Trong thời kỳ phát triển, khu vực tài chính có thể thu hút được một lực lượng lớn lao động tham gia và là một trong những khu vực có mức tiền lương cao, song trong thời kỳ khủng hoảng và suy thoái, lao động trong khu vực tài chính cũng là nhóm người dễ bị tổn thương nhất, phải chịu sức ép sa thải hoặc cắt giảm tiền lương.

Ngay cả khi không phải do sự suy giảm về xu hướng kinh doanh thì trong khu vực tài chính cũng luôn diễn ra một chu trình di chuyển lao động khắc nghiệt. Đó là việc cắt giảm lao động có tay nghề thấp để thay thế bằng lao động có tay nghề cao, điều này dễ xảy ra tình trạng chảy máu chất xám của lao động có tay nghề cao trong quá trình cạnh tranh. Vì thế, một trong những thách thức lớn của hệ thống ngân hàng Việt Nam là việc giữ chân nhân tài, tránh sự dịch chuyển nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam sang các nước khu vực.

Hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần quan trọng đối với việc mở rộng thị trường dịch vụ tài chính nói chung và dịch vụ ngân hàng nói riêng tại Việt Nam. Bên cạnh những cơ hội, quá trình hội nhập nói chung trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nói riêng tiềm ẩn không ít rủi ro và thách thức, đòi hỏi hệ thống ngân hàng không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực quản trị, để không chỉ đứng vững, mà còn khẳng định vị trí của mình trong khu vực và quốc tế.

Việc xác định và tận dụng tốt cơ hội cũng như ứng phó hiệu quả thách thức mà CPTPP đem lại là điều kiện then chốt để không chỉ các NHTM, mà cả Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động ứng phó với nhiều tình huống có thể xảy ra, khi áp lực từ môi trường kinh tế quốc tế bên ngoài ngày một gia tăng dưới tác động của hội nhập, từ đó, tạo nền móng cho sự phát triển bền vững của khu vực ngân hàng Việt Nam.     

Tài liệu tham khảo:

1. Hà Huy Tuấn (2013),  “Hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam hậu WTO cần những bước  đi cẩn trọng, bền vững”, Vietinbank: Trường  đào tạo và phát triển nguồn nhân lực;

2. Kiều Hữu Thiện (2013), “Thách thức  đối với sự phát triển bền vững của hệ thống NHTM Việt Nam”, Tài liệu Hội thảo Học viện Ngân hàng;

3. Nguyễn Hồng Sơn, Trần Thị Thanh Tú và cộng sự (2015), “Cơ hội và thách thức đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển kinh tế xã hội và ngành Ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập”;

4. Nguyễn Hồng Sơn, Trần Thị Thanh Tú và cộng sự. 2014, “Định dạng hệ thống ngân hàng sau tái cấu trúc”, Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2014 do UNDP và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức.