Cổ phần hóa 425 doanh nghiệp: Đây là mục tiêu khó!
(Tài chính) "Cá nhân tôi đánh giá khi Chính phủ cho phép doanh nghiệp thoái vốn dưới mệnh giá là mở hướng đi cho doanh nghiệp trong công cuộc cổ phần hóa”, ông Phạm Đức Trung, Phó trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp (viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định với chúng tôi.
Phóng viên: Thưa ông, chủ trương của Chính phủ từ nay đến 2015 mục tiêu đặt ra là phải cổ phần hóa 425 doanh nghiệp. Liệu điều này có khả thi trong khi tình hình diễn ra vẫn rất chậm?
Phó trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp
Để thực hiện có kết quả nhiệm vụ này, trọng tâm là cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính trong tháng 4/2014, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định pháp quy hóa Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 6/3/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thực hiện.
Có nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành như giao thông vận tải sẽ được cổ phần hóa nhanh nhưng những ngành khác liên quan đến xây dựng sẽ khó được như kỳ vọng.
Cá nhân tôi cho rằng, mục tiêu này là một mục tiêu khó! Cốt lõi chúng ta vừa phải đảm bảo có chính sách phù hợp, đồng thời vẫn phải dựa vào bản thân doanh nghiệp .
Chính phủ cho phép doanh nghiệp thoái vốn dưới mệnh giá. Nhiều ý kiến lo ngại, thời gian tới sẽ có một cuộc rút vốn ào ạt, giá của doanh nghiệp sẽ bị định giá thấp? Ông bình luận gì về điều này thưa ông?
Tôi cho rằng, những lo lắng này là có cơ sở. Thế nhưng, cần hiểu rằng, thoái vốn dưới mệnh giá nhưng không phải bán với bất kỳ giá nào.
Chúng ta không nên đặt nặng câu chuyện giá doanh nghiệp được định thấp hay không mà sẽ được định giá như thế nào để phù hợp với hoàn cảnh thị trường.
Trong 2 năm qua số lượng doanh nghiệp được cổ phần hóa ít, các chủ doanh nghiệp cũng khẳng định lý do chính là do thị trường chứng khoán còn ảm đạm, khó tìm được đối tác mua và bán. Vì vậy, giá thị trường theo diễn tiến công cuộc cổ phần hóa hiện nay với kỳ vọng bán hợp lý.
Sau khi lên phương án trích lập dự phòng rủi ro, có thể được mua lại theo giá trị sổ sách nhưng cần nhớ, không phải được bán giá quá thấp. Bất kỳ mức giá nào đưa ra cũng được các bên liên quan xem xét, có sự giám sát của cơ quan quản lý.
Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, sẽ có một cuộc tái thiết thị trường, doanh nghiệp nhà nước sẽ hoạt động hiệu quả cao. Còn quan điểm của ông?
Nếu như công cuộc thoái vốn ngoài ngành được diễn ra nhanh, công cuộc cổ phần hóa được diễn ra như kỳ vọng thì doanh nghiệp nhà nước sẽ hoạt động đúng ngành nghề, đúng chức năng. Chẳng hạn, doanh nghiệp xăng dầu sẽ chỉ thực hiện nhiệm vụ kinh doanh xăng dầu không còn làm ngân hàng nữa, doanh nghiệp điện sẽ chỉ kinh doanh điện mà không kinh doanh bất động sản…
Nhưng cũng đặt trong trường hợp ngược lại, khi doanh nghiệp chưa và không thoái vốn ngoài ngành được thì những nhiệm vụ chính, chức năng chính vẫn bị ngành phụ làm ảnh hưởng.
Công cuộc thoái vốn ngoài ngành, cổ phần hóa diễn ra song phải được thực hiện đồng bộ với các giải pháp là tái cấu trúc quản trị, tái cấu trúc thị trường.
Ông có thể đánh giá kết quả tái cấu trúc doanh nghiệp diễn ra trong 2 năm vừa qua?
Đơn giản, ngắn gọn tôi có thể khẳng định: chưa như mong đợi.
Thực tế thì trong 2, 3 năm qua chúng ta chỉ mới ban hành được các văn bản, tạo dựng hành lang pháp lý để thực hiện công cuộc tái cấu trúc còn kết quả quá hạn chế.
Cụ thể, chúng ta chỉ mới thoái vốn được hơn 4.000 tỉ đồng trong tổng số 22.000 tỉ đồng mà các doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành. Hoạt động sắp xếp quản trị doanh nghiệp tái cấu trúc sản phẩm chưa đo được bằng kết quả hiện thực.
Điều quan trọng thời gian tới là chúng ta xây dựng niềm tin, quyết liệt làm.
Trân trọng cảm ơn ông!