Cổ phần hóa: Lên lịch nhiều, lỗi hẹn lắm
(Tài chính) Nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước lên lịch hẹn cổ phần hóa trong năm nay, nhưng đã bước sang quý IV, mới chỉ có 10 doanh nghiệp (DN) thực hiện đúng kế hoạch.
Từ việc Vinatex đợi nhà đầu tư chiến lược
Nhiều tập đoàn, tổng công ty có kế hoạch CPH theo chỉ đạo của Chính phủ, nhưng nhà đầu tư đang hướng sự chú ý đến lộ trình CPH Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), vì thông tin về đợt chào bán ra công chúng của Vinatex khá rầm rộ ngay từ đầu năm 2013.
Theo kế hoạch ban đầu, Vinatex dự kiến chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trong tháng 7, nhưng sau đó đã lùi lại sang quý IV, như khẳng định của lãnh đạo Tập đoàn. Ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc Vinatex cho biết, kế hoạch IPO của Tập đoàn là do Chính phủ phê duyệt, chứ không phải Tập đoàn tự làm. Tính đến thời điểm hiện tại, Vinatex vẫn đang bám theo tiến độ của Ban chỉ đạo là sẽ thực hiện IPO trong quý IV. Vấn đề hiện tại của Vinatex là tìm kiếm các đối tác chiến lược.
Trước đó, đại diện Vinatex chia sẻ, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến đợt IPO của Vinatex cũng như có ý định trở thành cổ đông chiến lược của Tập đoàn. Tuy nhiên, nhà đầu tư có đủ những tiêu chí, thỏa mãn được yêu cầu mà Tập đoàn đề ra thì vẫn chưa lộ diện. Ngoài yêu cầu về tiềm lực tài chính, nhà đầu tư chiến lược của Vinatex phải có kinh nghiệm hoạt động trong cùng lĩnh vực chính là dệt may và phụ trợ, cũng như các dịch vụ liên quan và hàng loạt tiêu chí khác.
Trước áp lực về thời hạn IPO, nhưng chưa tìm được nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, Vinatex đang có phương án có thể sẽ xin ý kiến Chính phủ để bán cổ phần lần đầu khoảng 20 - 30% cho cổ đông trong nước, số còn lại Nhà nước tiếp tục nắm giữ và tìm cơ hội bán sau. Tuy nhiên, đây chỉ là lựa chọn cuối cùng, bởi mục tiêu của Vinatex là mong muốn bán một phần vốn cho đối tác nước ngoài có chuyên môn, kinh nghiệm cùng lĩnh vực để hỗ trợ sự phát triển về dài hạn. Việc tìm kiếm các đối tác chiến lược cho đợt IPO sao cho phù hợp với đặc thù từng tập đoàn, tổng công ty là một câu hỏi khó, không riêng với Vinatex.
... Đến việc các doanh nghiệp khác mới lên kế hoạch CPH
Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 (CIENCO4) vừa tổ chức hội nghị sơ kết 9 tháng đầu năm 2013 và triển khai nhiệm vụ quý IV/2013 vào ngày 2/10. Ngoài việc thực hiện các dự án và kế hoạch kinh doanh, Tổng giám đốc Lê Ngọc Hoa yêu cầu lãnh đạo Tổng công ty tập trung chỉ đạo để hoàn thành công tác cổ phần hóa Công ty mẹ ngay trong năm 2013 theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
9 tháng đầu năm 2013, CIENCO4 đạt giá trị sản lượng 8.738 tỷ đồng, bằng 97% kế hoạch năm 2013, doanh thu đạt 8.064 tỷ, bằng 98% kế hoạch. Mặc dù vậy, kế hoạch cụ thể về IPO hiện vẫn chưa được chốt.
Cùng với CIENCO4, Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco), Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor)… cũng lên kế hoạch cổ phần hóa năm 2013, muộn nhất sang năm 2014. Tại Vinamotor, ngoài việc CPH Công ty mẹ, Tổng công ty đang tiến hành CPH 2 doanh nghiệp thành viên là Công ty trách nhiệm hữu hạn Cơ khí Ngô Gia Tự và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cơ khí ô tô 1/5.
Sự kiện thu hút sự quan tâm nhiều nhất là CPH Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), hiện cũng đang trong giai đoạn chọn nhà đầu tư chiến lược, dự kiến hoàn tất trong quý IV để có thể thực hiện IPO vào nửa cuối năm 2014, sau 2 lần bị trì hoãn, kể từ năm 2012.
Tính từ đầu năm đến nay, mới chỉ có gần 10 DNNN cổ phần hóa, trong khi năm 2012 có 30 DN CPH, còn năm 2011 là 60 DN thực hiện CPH. Quan sát tiến độ CPH của các tập đoàn, tổng công ty, DN lớn, có thể thấy, nếu không sớm có các chỉ đạo, biện pháp thúc đẩy mạnh công tác này, thì khả năng CPH DNNN chậm tiến độ là chắc chắn.