Cổ phiếu bảo hiểm, triển vọng tăng trưởng năm 2022
Báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán SSI cho hay, cổ phiếu ngành Bảo biểm tăng 10,5% trong năm 2021, thấp hơn so với mức tăng 23% của VN-Index là 23%. Tuy nhiên, năm 2022, khi kinh tế mở cửa thúc đẩy nhu cầu tăng trở lại, ngành Bảo hiểm có triển vọng tăng từ 18% - 20% so với năm 2021.
Trong năm 2021, diễn biến giá cổ phiếu của các công ty bảo hiểm niêm yết thuận lợi nhờ một số thông tin liên quan đến thoái vốn Nhà nước. Các cổ phiếu tăng tốt có PTI, VNR, BMI.
Xét về hoạt động, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm chịu ảnh hưởng nặng nề do giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Theo số liệu của Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) , tổng doanh thu phí bảo hiểm cả năm 2021 ước tính đạt 215 nghìn tỷ đồng, thấp hơn năm 2020 và mức trước COVID.
Một số khâu trong quy trình bán bảo hiểm nhân thọ (kiểm tra sức khỏe và chữ ký trực tiếp của bên mua) đã bị gián đoạn trong thời gian giãn cách xã hội, do đó, ảnh hưởng đến việc ghi nhận doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
Trong khi đó, đối với bảo hiểm phi nhân thọ, nhu cầu đối với bảo hiểm ô tô xe máy, bảo hiểm tai nạn con người và bảo hiểm du lịch (đóng góp khoảng 50% tổng doanh thu phí BH) ở mức thấp trong kỳ. Bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm y tế là ngoai lệ duy nhất với mức tăng 118% và 113% so với cùng kỳ, thể hiện nhu cầu bảo vệ sức khoẻ gia tăng trong bối cảnh đại dịch.
Để thích ứng trong giai đoạn giãn cách xã hội, các công ty bảo hiểm đã tìm cách đa dạng hoá và gia tăng kênh phân phối. Việc hợp tác với các công ty thương mại điện tử (Shopee, Tiki, Lazada), Fintechs (Grab, Momo), và Insurtechs đã trở nên phổ biến hơn trong năm.
Ngoài ra, việc phát triển kênh bán hàng online cũng đã có được căn cứ pháp lý rõ ràng hơn khi Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử đã được hợp pháp hoá: đối với bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (có hiệu lực từ ngày 1/3/2021 theo Nghị định số 03/NĐ-CP) và bảo hiểm cháy nổ bắt buộc (có hiệu lực từ ngày 23/12/2021 theo Nghị định số 97/NĐ-CP). Các yếu tố này mặc dù chưa tác động đáng kể đến doanh thu và lợi nhuận bảo hiểm trong 2021, do nhu cầu chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch nhưng có thể mở đường cho sự hồi phục mạnh mẽ hậu COVID-19.
Việc xác nhận tỷ lệ sở hữu nước ngoài (FOL) của các công ty bảo hiểm tạo tâm lý tích cực cho cổ phiếu ngành này. Trước đây, mặc dù không có giới hạn cụ thể về tỷ lệ FOL tại các công ty bảo hiểm nhưng cũng chưa có văn bản chính thức nào đề cập đến mức room cụ thể đối với ngành bảo hiểm.
Trong tháng 8/2021, trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức cập nhật Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó nêu rõ tỷ lệ FOL đối với ngành Bảo hiểm là 100%.
Động thái này đã gỡ bỏ khó khăn của nhiều công ty bảo hiểm trong những năm qua khi có kế hoạch tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (BMI, PTI, PGI). Sau đó, một số công ty đã báo cáo về việc điều chỉnh tỷ lệ FOL với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) lên 100% (PTI, PVI, PRE) và 49% (BVH). Trong tháng 12, VN Post đã thoái vốn toàn bộ 2,7% cổ phần tại PTI.
Triển vọng tăng trưởng năm 2022
Kịch bản cơ sở của SSI dự đoán việc mở cửa nền kinh tế sẽ diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối 2022, các hoạt động bán hàng cũng sẽ hồi phục tốt trong năm. Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước tính tăng từ 22% - 24% so với năm 2021, trong khi mảng phi nhân thọ đạt 8% - 10% (vẫn thấp hơn mức trước COVID-19). Tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2022 dự báo đạt 256 nghìn tỷ đồng, tăng từ 18-20% so với năm 2021.
Động lực tăng trưởng đến từ nhu cầu được phục sau đại dịch. Cùng với đó, Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử (E-insurance) dần được hợp pháp hoá cho các sản phẩm bảo hiểm khác khác (bảo hiểm sức khỏe, tài sản thiệt hại, hàng hóa) sẽ thúc đẩy kênh bán hàng trực tuyến. Sự hợp tác với các công ty insurtech để tăng cường đổi mới cải tiến trong việc phân tích big data cũng sẽ giúp các công ty bảo hiểm đa dạng hóa sản phẩm và kênh phân phối trong tương lai.
Tuy nhiên, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm (UW) có thể giảm từ mức nền cao trong 2021. Tỷ lệ bồi thường dự báo quay về mức bình thường trong năm 2022. Năm 2021, tỷ lệ bồi thường thấp do người được bảo hiểm hoãn nộp các yêu cầu bồi thường trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Trong giai đoạn 2020-2021, lãi suất huy động giảm, tài sản đang quản lý tăng nhẹ (6% - 8%), lãi từ hoạt động đầu tư tăng 27% và 16% tại các công ty bảo hiểm phi nhân thọ (trừ BVH). Điều này là do lãi thực hiện từ các khoản đầu tư cổ phiếu và hoàn nhập chi phí dự phòng. Năm 2022, lãi từ hoạt động đầu tư được kỳ vọng tăng 8% - 10% đối với các công ty bảo hiểm phi nhân thọ.