Cổ phiếu ngân hàng dẫn dắt thị trường
Mặc dù trong nửa đầu năm nay, có những thời điểm điều chỉnh, song cổ phiếu ngân hàng vẫn được kỳ vọng dẫn dắt thị trường, do triển vọng lợi nhuận của ngành này rất khả quan.
Lý giải nhận định trên, ông Huy cho biết, lãi suất cho vay đang có xu hướng tăng, giúp cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) trong cho vay của ngân hàng. Trong khi đó, thu nhập dịch vụ tăng, trích lập dự phòng giảm. Tổng thu nhập hoạt động của 16 ngân hàng niêm yết tăng 28% nhờ tăng doanh thu dịch vụ. Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2018 của ngành ngân hàng đạt 7,9%, thấp hơn đáng kể so với con số của cùng kỳ năm 2016 và 2017 (8,2% và 9,1%). Tuy nhiên, nguồn thu từ dịch vụ của ngân hàng lại tăng trưởng tích cực. Bên cạnh đó, các ngân hàng đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nên dự phòng giảm. Lợi nhuận sau thuế 2 quý đầu năm nay tăng 55%, nhờ giảm chi phí vận hành, dự phòng.
Eximbank là một trường hợp điển hình khi dự phòng 2 quý đầu năm nay giảm mạnh, nên tác động tích cực đến lợi nhuận. Eximbank cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận tăng là chi phí dự phòng giảm tới 84%, nhờ tăng cường thu hồi nợ xấu.
Eximbank đã đẩy mạnh cho vay, với dư nợ cho vay bình quân quý II/2018 tăng 14% so với quý II/2017, kéo theo thu nhập lãi thuần tăng khá mạnh. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế kỳ này của ngân hàng mẹ Eximbank tăng 38%, còn lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng 54% so với quý II/2017. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, Eximbank báo lãi cao gấp 2 lần cùng kỳ năm 2017, đạt 921 tỷ đồng trước thuế.
Nợ xấu (gồm cả nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC) của các ngân hàng niêm yết ước giảm còn 3,67% vào cuối tháng 6/2018, thấp hơn mức 4,04% cuối năm 2017. Sở dĩ nợ xấu của các ngân hàng giảm, theo đánh giá của các nhà phân tích chứng khoán, là nhờ Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng, cũng như bất động sản ấm lên giúp các ngân hàng giải quyết được tài sản đảm bảo.
Lợi nhuận ngành ngân hàng tiếp tục gam màu sáng
Công ty Chứng khoán Ngân hàng VPBank (VPBS) cho biết, lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng niêm yết trong nửa đầu năm nay tăng 53,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù tăng trưởng tín dụng chậm hơn, nhưng thu nhập ngoài lãi tăng mạnh đã giúp các ngân hàng đạt kết quả khả quan. Lợi nhuận ngành ngân hàng được kỳ vọng tiếp tục gam màu sáng, bởi trong nửa đầu năm, không ít ngân hàng đã hoàn thành hơn 1/2 mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Cổ phiếu ngân hàng đã biến động mạnh trong 6 tháng đầu năm, với mức tăng ấn tượng 35,9% trong quý I/2018 và giảm 33,7% trong quý II/2018. Tính chung, cổ phiếu “vua” chỉ tăng khiêm tốn 0,74% so với đầu năm, nhưng vẫn cao nếu so với mức giảm 3,51% của VN-Index. Nhóm cổ phiếu “vua” thể hiện rõ vai trò dẫn dắt thị trường của mình.
Các chuyên gia VPBS cho rằng, các yếu tố vĩ mô 6 tháng đầu năm tác động mạnh đến ngân hàng nói riêng và thị trường nói chung. Trong đó, có khá nhiều yếu tố ảnh hưởng tiêu cực, như chính sách thắt chặt tín dụng bất động sản, mục tiêu tăng trưởng tín dụng thấp hơn, tỷ giá có dấu hiệu tăng nhanh từ cuối quý II/2018, cùng những nhân tố bên ngoài như chính sách tiền tệ thắt chặt của Mỹ và châu Âu, nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Năm 2018, lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết được các nhà phân tích ước tăng 30%. Ông Hoàng Huy cho rằng, đây chính là yếu tố tác động tích cực lên cổ phiếu của ngành ngân hàng.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng đánh giá, tăng trưởng lợi nhuận ngành hiện đến từ 3 động lực chính: tỷ lệ thu nhập lãi thuần cải thiện từ mức 3,05% của cùng kỳ năm trước lên 3,16% hiện nay; thu nhập ngoài lãi tăng mạnh nhờ các ngân hàng tăng thu phí, bán chéo sản phẩm, hoạt động bancasurrance và dự phòng giảm.
Các nhà phân tích nhận định, thu nhập dịch vụ và thu hồi nợ ngoại bảng còn dư địa để tiếp tục tăng trưởng trong các quý còn lại của năm 2018, trong bối cảnh thu nhập từ kinh doanh, đầu tưchứng khoán có thể bị ảnh hưởng mạnh do xu hướng tăng mạnh trở lại của lợi suất trái phiếu và tác động từ chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới, điển hình là việc tăng lãi suất USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Các nhà phân tích tài chính cảnh báo, trong nửa cuối năm nay, mặt bằng lãi suất huy động có khả năng tăng lên dưới áp lực của thanh khoản hệ thống, tỷ giá và lạm phát. Chính điều này sẽ tác động lên cổ phiếu “vua”.