Cổ phiếu quan tâm ngày 12/4

Theo TT/tinnhanhchungkhoan.vn

Các công ty chứng khoán có báo cáo phân tích một số cổ phiếu được quan tâm trong ngày 12/4.

Dự án Phong Lan Dại đi vào hoạt động trong năm nay sẽ giúp sản lượng của GAS tăng khoảng 5%.
Dự án Phong Lan Dại đi vào hoạt động trong năm nay sẽ giúp sản lượng của GAS tăng khoảng 5%.

Khuyến nghị bán đối với GAS

CTCK Phú Hưng (PHS)

Mặc dù giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục hồi phục trong nửa cuối 2019, tuy nhiên việc giá dầu neo ở mức thấp trong 3 tháng đầu năm sẽ có thể khiến giá dầu trung bình năm 2019 không quá cao. Do đó, PHS sử dụng mức giá dầu cơ sở năm 2019 ở mốc 70$/thùng trong năm 2019.

Dự báo doanh thu của Tổng công ty khí Việt Nam (mã GAS) trong năm 2019 có thể đạt 77.150 tỷ đồng (tăng 2% so với thực hiện năm 2018), mặc dù giá dầu kịch bản chỉ ở mức 70$/thùng (giảm 5%), tuy nhiên PHS kỳ vọng tăng trưởng sản lượng sẽ bù đắp cho sự sụt giảm của giá dầu nhờ vào dự án Phong Lan Dại đi vào hoạt động trong năm nay sẽ giúp sản lượng của GAS tăng khoảng 5%.

Do đó lợi nhuận sau thuế của GAS có thể đi ngang và đạt mức 11.663 tỷ đồng (tăng trưởng 1%), EPS 2019 dự phóng ước đạt 6.093 đồng/CP.

PHS tiến hành định giá GAS bằng 2 phương pháp DCF và P/E, mức giá hợp lý đối với cổ phiếu này là 90.538 đồng/CP, tương ứng với mức P/E forward 2019 là 14.9x. Do đó PHS đưa ra khuyến nghị bán đối với cổ phiếu GAS.

Khuyến nghị giữ đối với cổ phiếu VNM

CTCK ACB (ACBS)

CTCP Sữa Việt Nam (mã VNM) kết thúc năm 2018 với doanh thu thuần 52.562 tỷ đồng, chỉ tăng 3% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế 10.206 tỷ đồng, giảm 0,7%; trong đó, ACBS ước tính các sản phẩm sữa nước chiếm 50% doanh thu, tiếp theo là sữa bột (25%), sữa chua (9%), sữa đặc (9%) và phần còn lại đến từ các sản phẩm khác.

Trong khi doanh thu xuất khẩu vẫn chưa thật sáng sủa mặc dù tăng 4,6% sau khi giảm trong năm 2017, nhu cầu thị trường nội địa yếu khiến doanh thu nội địa của VNM chỉ tăng 2,7% trong 2018. Tuy nhiên, công ty nhận thấy tình hình tiêu thụ đã có dấu hiệu phục hồi từ cuối năm 2018 và kỳ vọngmức tăng trưởng 2019 sẽ cải thiện.

Trong chiến lược phát triển đến năm 2021, VNM đặt mục tiêu duy trì vị trí dẫn đầu ngành sữa Việt Nam và đổi mới công nghệ mang tính ứng dụng cao.

Công ty sẽ vẫn tập trung vào sữa và các sản phẩm liên quan, ưu tiên khai thác thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường nông thôn. Trong đó, VNM sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm thuộc phân khúc trung - cao cấp cho khu vực thành thị trong khi thâm nhập, bao phủ khu vực nông thôn với các dòng sản phẩm cơ bản, bình dân.

Ngoài ra, công ty đặt mục tiêu biên lợi nhuận trước thuế sẽ không dưới 20%. Cho năm 2019, công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu là 56.300 tỷ đồng (tăng 7% so với 2018), lợi nhuận trước thuế là 12.650 tỷ đồng (tăng 5%) và lợi nhuận sau thuế là 10.480 tỷ đồng (tăng 2,5%).

ACBS khuyến nghị giữ đối với cổ phiếu VNM và đưa ra giá mục tiêu 120.460 đồng/CP.

Khuyến nghị mua dành cho NT2 với giá mục tiêu 31.500 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Nhiệt điện Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) đã công bố kế hoạch kinh doanh thận trọng cho năm 2019 với lợi nhuận sau thuế ước đạt 742 tỷ đồng (giảm 5,0% so với năm ngoái), thấp hơn 6,6% dự báo hiện tại của chúng tôi. Tuy nhiên, VCSC cho rằng đây là kế hoạch tích cực khi lợi nhuận thực hiện của NT2 cao hơn trung bình 38% so với kế hoạch trong 4 năm qua.

NT2 cũng trình cổ đông thông qua kế hoạch chia cổ tức tiển mặt 2.400 đồng/CP (lợi suất cổ tức 9%), so với dự báo của VCSC là 2.500 đồng/CP. VCSC lưu ý rằng NT2 đã thanh toán trước cổ tức tạm ứng 1.500 đồng/CP (lợi suất cổ tức 4,6%) trong tháng 9/2018, trong khi ngày chốt danh sách cho đợt chia cổ tức tiền mặt thứ hai 900 đồng/CP (lợi suất cổ tức 3,4%) là ngày 28/12/2018, và công ty sẽ thanh toán vào ngày 17/06/2019.

Ngoài ra, NT2 cũng đề xuất mức cổ tức 25% theo mệnh giá cho năm 2019 (nhiều khả năng bằng tiền mặt), phù hợp với dự báo của VCSC.

VCSC hiện đang có khuyến nghị mua dành cho NT2 với giá mục tiêu 31.500 đồng/CP (tổng mức sinh lời 27,6% bao gồm lợi suất cổ tức tiền mặt 9,4%).

Khuyến nghị khả quan dành cho SAB

CTCK Bản Việt (VCSC)

VCSC công bố báo cáo lần đầu dành cho Tổng CTCP Bia - Rượu - NGK Sài Gòn (SAB) với khuyến nghị khả quan. VCSC tin rằng ThaiBev sẽ tái cơ cấu thành công SAB và dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS 20% trong giai đoạn 2018-2021 nhờ sự cải thiện về thị phần và biên lợi nhuận.

Giá mục tiêu của chúng tôi là 272.000 đồng, tương ứng với P/E mục tiêu 2019 là 37 lần cho SAB, cao hơn trung vị các công ty cùng ngành là 26 lần, trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tích cực của SAB trong khi dự báo chung của Bloomberg cho thấy tăng trưởng EPS một chữ số đối với các công ty cùng ngành

VCSC dự báo doanh thu thực mảng bia sẽ ghi nhận CAGR 9% trong giai đoạn 2018-2021, đến từ CAGR sản lượng 7% (so với giả định tăng trưởng của thị trường 5%/năm) và giá bán trung bình tăng 2%/năm.

VCSC dự báo SAB sẽ tăng thị phần nhờ chiến lược thương hiệu và hoạt động marketing hiệu quả hơn, độ mới của sản phẩm tại điểm bán lẻ tốt hơn và năng lực bán hàng được cải thiện

VCSC kỳ vọng giá bán trung bình sẽ cải thiện nhờ gia tăng sự đóng góp của Saigon Special (phân khúc cận cao cấp) và tăng giá bán nhờ cải thiện sức mạnh thương hiệu.

VCSC dự phòng biên lợi nhuận ròng sẽ tăng thêm 4,5 điểm % so với 2018 đạt 16,1% trong năm 2021 nhờ cải thiện giá bán trung bình cũng như các giải pháp tối ưu hiệu quả ở các khâu nguyên liệu thô, sản xuất, vận chuyển, phân phối, marketing cũng như chi phí quản lý.

Rủi ro: gặp khó khăn trong cạnh tranh với diễn biến Heineken đang mở rộng sang các tỉnh/thành phố cấp 2/3; tăng trưởng thị trường chung chững lại; quá trình tái cơ cấu diễn ra chậm hơn dự phóng của chúng tôi.

Khuyến nghị mua dành cho VJC với giá mục tiêu 149.200 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Hàng không VietJet (VJC) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2018 với doanh thu đạt 54 nghìn tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2017 và cao hơn 2,3% so với số liệu chưa kiểm toán và lợi nhuận sau thuế đạt 5,3 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% so với năm 2017, cao hơn 2,3% so với số liệu chưa kiểm toán.

VCSC cho rằng lý do chính khiến số liệu chưa kiểm toán và kiểm toán có sự chênh lệch là 227 tỷ đồng thuế hoãn lại năm 2018, tăng 249% so với năm 2017 và thấp hơn 34% so với số liệu chưa kiểm toán.

VCSC đang tìm kiếm thông tin từ phía ban lãnh đạo về vấn đề này. Tuy nhiên, VCSC xin lưu ý rằng VJC chịu thuế 10% đối với lợi nhuận cốt lõi năm 2018 trở về trước và năm 2019 mức thuế này dự kiến sẽ tăng lên 20%.

Lợi nhuận sau thuế cốt lõi 2018 của VJC (chủ yếu không tính các thương vụ bán rồi thuê lại - SALB) đạt 2,6 nghìn tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2017 và cao hơn 6,6% so với số liệu chưa kiểm toán. VCSC cho rằng có được tốc độ tăng trưởng này nhờ VJC tiếp tục mở rộng hoạt động bay quốc tế, vì hoạt động này không chỉ thúc đẩy lượng hành khách và doanh thu bán vé mà còn thúc đẩy tiết kiệm nhiên liệu máy bay và doanh thu phụ trợ, qua đó mang lại biên lợi nhuận gộp đến 80%-90%.

Năm 2018, VJC đã mở thêm 22 tuyến bay quốc tế, qua đó nâng số tuyến bay quốc tế thêm 50% lên 66 tuyến, và vận chuyển 7,1 triệu lượt hành khách quốc tế, tăng 84% so với năm 2017.

Lợi nhuận gộp 2018 từ các thương vụ SALB đạt 2,9 nghìn tỷ đồng, giảm 9% so với năm 2017 và cao hơn 5,7% so với số liệu chưa kiểm toán, chủ yếu nhờ ghi nhận thêm một giao dịch. Lợi nhuận từ mỗi máy bay năm 2018 đạt 8 triệu USD, so với 8,8 triệu USD năm 2017. VCSC cho rằng lợi nhuận từ mỗi máy bay năm 2018 giảm chủ yếu do lãi suất tăng khiến chi phí huy động vốn của bên cho thuê tăng.

Năm 2018, VJC đã hoàn tất 16 thương vụ SALB (gồm 10 chiếc A321ceo và 6 chiếc A321neo) so với 17 thương vụ SALB (gồm 16 chiếc A321ceo và 1 chiếc A321neo) năm 2017. Các máy bay neo (new engine option) tiêu thụ nhiên liệu hiệu quả hơn khoảng 16% và nhìn chung có giá cao hơn 10%-15% so với các máy bay ceo (current engine option).

Vì kết quả kiểm toán của hoạt động cốt lõi cao hơn so với kết quả chưa kiểm toán nên VCSC có thể sẽ điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận. VCSC cho rằng VJC sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh năm 2019 với việc tiếp tục mở rộng hoạt động bay quốc tế.

Đối với năm 2019, chúng tôi hiện dự báo doanh thu cốt lõi sẽ đạt 41,6 nghìn tỷ đồng (tăng 23% so với năm 2018), lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 3,1 nghìn tỷ đồng (tăng 20%), tổng doanh thu đạt 67 nghìn tỷ đồng (tăng 25%) và tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 6,5 nghìn tỷ đồng (tăng 22%).

VJC cũng vừa công bố tài liệu ĐHCĐ 2019 với kế hoạch trả cổ tức cho năm 2018 và 2019. Đối với năm 2018, VJC, sau khi tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt đợt đầu 2.000VND/cổ phiếu (lợi suất cổ tức 1,8%) hồi tháng 09/2018, sẽ tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt đợt 2 là 1.000VND/cổ phiếu (lợi suất cổ tức 0,9%) trong tháng 05/2019 và sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 100:25 (nắm giữ 100 cổ phiếu sẽ được 25 cổ phiếu mới), và ngày trả cổ tức (trong năm 2019) sẽ do HĐQT quyết định.

Đối với năm 2019, VJC sẽ xin ý kiến cổ đông về việc trả cổ tức bằng 50% mệnh giá dù vẫn chưa công bố phân bổ cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu sẽ là bao nhiêu.

VCSC tiếp tục giữ quan điểm tích cực đối với triển vọng của VJC với thái độ lạc quan đối với ngành hàng không của Việt Nam nói chung, tiềm năng tăng trưởng mạnh của VJC, hiệu suất hoạt động vượt trội và quản lý chi phí hiệu quả.

VCSC hiện dự báo doanh thu 2018-2023 đạt tăng trưởng kép hàng năm 16% nhưng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn này sẽ đạt tăng trưởng kép hàng năm chậm hơn, 7,7% vì VCSC giả định lợi nhuận từ các thương vụ SALB sẽ giảm. VCSC cho rằng định giá của VJC hấp dẫn với PEG 2018-2021 là 0,7.

VCSC hiện đưa ra khuyến nghị mua dành cho VJC với giá mục tiêu 149.200 đồng/CP, tổng mức sinh lời 36,8%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,4%.