Cơ sở thuế tài sản và những khoảng trống pháp lý cần lấp đầy
Kinh tế Việt Nam hiện nay đã có sự tăng trưởng đáng kể, nguồn lực tài sản trong dân cư ngày càng gia tăng, đồng thời chênh lệch về giá trị tài sản sở hữu giữa các chủ thể trong xã hội ngày càng lớn. Trong điều kiện đó, việc mở rộng cơ sở thuế tài sản nhằm huy động nguồn thu, quản lý, điều tiết quá trình phân phối, sở hữu, sử dụng tài sản là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn khoảng trống cơ sở thuế tài sản theo luật định hiện hành ở Việt Nam.
Trong hệ thống thuế của một quốc gia, thuế tài sản tồn tại bên cạnh thuế thu nhập và thuế tiêu dùng nhằm bao quát được các khả năng nộp thuế trong nền kinh tế; Góp phần tích cực trong việc huy động được nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN).
Đồng thời, sắc thuế này sẽ đảm bảo công bằng xã hội và thực hiện được việc quản lý, kiểm soát, điều tiết đối với tài sản, đối với các hành vi sở hữu, sử dụng tài sản, khuyến khích sử dụng tài sản hợp lý, có hiệu quả.
Ở Việt Nam hiện nay, thuộc loại thuế tài sản chỉ có hai sắc thuế điều tiết vào cùng một loại tài sản, đó là thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Cụ thể: Thuế sử dụng đất nông nghiệp đánh vào tài sản chịu thuế là quyền sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp; Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đánh vào tài sản chịu thuế là quyền sử dụng đất phi nông nghiệp.
Hai sắc thuế này đều đánh hàng năm vào giá trị quyền sử dụng đất. Trong đó, giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp được xác định theo giá trị sinh lợi của đất (chất đất, độ phì nhiêu của đất, khí hậu, địa hình, điều kiện tưới tiêu…); Giá trị quyền quyền sử dụng đất phi nông nghiệp được xác định theo giá quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngoài ra, khoản thu lệ phí trước bạ hiện hành có quy định xác định số thu bằng một tỷ lệ phần trăm trên giá trị các tài sản thuộc diện Nhà nước quản lý cũng có tính chất của thuế tài sản. Khoản thu này thực hiện một lần khi chủ sở hữu tài sản thực hiện đăng ký quyền sở hữu của mình với cơ quan quản lý nhà nước.
Nhìn chung, xét về tổng thể, các sắc thuế và khoản thu trước bạ nói trên đã bao quát được một số tài sản có giá trị lớn và những tài sản Nhà nước cần quản lý trong dân cư, góp phần huy động nguồn thu cho NSNN cũng như quản lý, kiểm soát tài sản trong dân cư, đảm bảo công bằng xã hội. Tuy nhiên, xét về cơ sở thuế, chính sách thuế tài sản Việt Nam vẫn còn khoảng trống cần phải được nghiên cứu, bổ sung để đảm bảo bao quát, điều tiết đầy đủ hơn các khả năng đánh thuế tài sản trong nền kinh tế.
Cụ thể, thuế tài sản ở Việt Nam hiện nay (thể hiện ở thuế quyền sử dụng đất nông nghiệp và Thuế quyền sử dụng đất phi nông nghiệp – thay thế Thuế nhà đất trước đây) ra đời trong điều kiện đời sống kinh tế - xã hội còn khó khăn nên chỉ mới điều tiết duy nhất một loại tài sản chịu thuế là quyền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, với việc mở rộng diện ưu đãi, miễn giảm của thuế quyền sử dụng đất nông nghiệp cũng như việc miễn thuế quyền sử dụng đất phi nông nghiệp cho người nộp thuế có số thuế hàng năm từ 50.000 đồng trở xuống… nên cơ sở thuế đã bị thu hẹp đáng kể.
Do đó, trong điều kiện hiện nay cũng như thời gian tới, chính sách thuế tài sản của Việt Nam cần được hoàn thiện theo hướng mở rộng, bao quát được các cơ sở thuế nhằm phát huy hơn nữa các vai trò của thuế tài sản. Đặc biệt là trong việc tăng thu NSNN phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, nhất là trong điều kiện nguồn lực tài sản trong dân cư ngày càng tăng trưởng.