Có thể “bỏ” hạn mức tăng trưởng tín dụng với ngân hàng “khoẻ”
Đó là khuyến nghị của TS. Lê Xuân Nghĩa với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể áp dụng trong thời gian tới khi kiểm soát rủi ro với từng ngân hàng thương mại.
TS. Lê Xuân Nghĩa |
HDBank có thể là trường hợp đặc biệt tiếp theo sẽ được nói room tín dụng, nếu sớm hoàn tất kế hoạch sáp nhập thêm PGBank trong năm nay.
Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cũng chia sẻ, có những khoản vay chỉ vài trăm triệu nhưng vẫn phải xếp hàng vì phải chờ ngân hàng tất toán những khoản nợ cũ mới cho vay được. Việc room tín dụng bị khống chế là một bài toán lớn mà các ngân hàng phải giải quyết để làm sao đạt mục tiêu, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm, làm sao để tối ưu hoá lợi nhuận.
Theo báo cáo tài chính quý 3 của một số ngân hàng thì tính đến hết tháng 9/2018, tăng trưởng dư nợ tín dụng nhiều ngân hàng đã sắp chạm trần, như Vietcombank 15%, Vietinbank 12%, HDBank 14%; MB 10%; LienVietPostBank 13,5%, ACB và KienLongbank 11%...
Vậy NHNN có nên nới lỏng room tín dụng với các ngân hàng thương mại ở thời điểm hiện tại hay không? Để trả lời câu hỏi này, CafeLand đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia Kinh tế.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, diễn biến lạm phát đang trong tầm kiểm soát của NHNN. Cụ thể, CPI bình quân 10/2018 so với cùng kỳ 2017 tăng 3,60%, vẫn thấp hơn mục tiêu mà Quốc hội đề ra. Trong khi lạm phát cơ bản tháng 10 chỉ tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 1,67% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 10 tháng năm 2018 tăng 1,43% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
“Kết quả tích cực trên nhờ cách điều hành thận trọng và linh hoạt của Chính phủ cũng như việc thực thi chính sách tiền tệ theo nguyên tắc lạm phát mục tiêu, lấy ổn định làm nền tảng của NHNN. Vì vậy, chỉ số lạm phát dự kiến đến cuối năm vẫn duy trì như mục tiêu đề ra, lãi suất tiếp tục được ổn định”, ông Nghĩa nói.
Theo đó, ông Nghĩa cho rằng, với cách điều hành như vậy, dù mức tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng có ở mức 16 – 17% cũng không gây áp lực lớn lên lạm phát.
Ông Nghĩa đề xuất, NHNN cũng cần nghiên cứu để điều chỉnh dần chỉ tiêu phân bổ tín dụng cho từng ngân hàng. Cách phân bổ này có thể áp dụng cho một số ngân hàng yếu mà chưa đảm bảo chỉ số an toàn vốn tối thiểu. Còn đối với những ngân hàng lành mạnh có thể áp dụng chỉ tiêu an toàn vốn tối thiểu và các chỉ tiêu về quản lý rủi ro để kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng.
“Việc nên hay không nên quản lý bằng cách giao hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm cho các ngân hàng cũng đã được đặt ra nhiều lần trong thời gian qua. Tôi nghĩ NHNN cũng muốn thực hiện điều này. Song, trong hệ thống vẫn còn những ngân hàng yếu kém nên để đảm bảo an toàn cho hệ thống, chắc chắn NHNN cần phải có thêm thời gian mới gỡ “barie” này”, ông Nghĩa nói.
Tuy nhiên, để hỗ trợ chính sách tiền tệ trong việc kiểm soát lạm phát đang có xu hướng tăng nhanh, TS. Lê Xuân Nghĩa khuyến nghị Chính phủ cũng cần thận trọng trong việc điều chỉnh giá các dịch vụ công như là y tế, giáo dục, điện... Mặc dù những điều chỉnh này tuy là cần thiết, nhưng mức độ và thời điểm điều chỉnh là vô cùng quan trọng. Đặc biệt nên tránh việc điều chỉnh giá nhiều mặt hàng một lúc, có thể khiến kỳ vọng lạm phát tăng cao, gây khó cho chính sách tiền tệ.
TS. Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, định hướng TTTD của NHNN hiện tại chỉ ở mức 15%, nếu có nhu cầu đột biến phát sinh thì tối đa là 17% không thể vượt hơn.
“Có thể tốc độ tăng trưởng nguồn vốn hiện tại của nhiều ngân hàng đang rất tốt nên họ muốn mở rộng cho vay. Nhưng đó chỉ là thời điểm trước mắt, còn nguồn vốn của họ có ổn định hay không lại là việc khác. Quan điểm của tôi là không thể “ăn xổi”. Các ngân hàng cứ tăng trưởng tín dụng cao lên, trong khi vốn huy động không kịp bù đắp sẽ dẫn tới khó khăn thanh khoản, lại phải huy động lãi suất cao, hoặc vay mượn trên thị trường liên ngân hàng. Như vậy, làm sao đảm bảo mặt bằng lãi suất cho vay tốt cho khách hàng được. Vì thế, NHNN giao tăng trưởng tín dụng phù hợp với tốc độ tăng trưởng nguồn vốn”, TS. Hùng nhận định.