Có thể được thanh toán tiền khám chữa bệnh nếu mất thẻ Bảo hiểm y tế
Kể từ ngày 1/8/2019, người bệnh bị mất thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) chưa được cấp lại, hoặc không xuất trình được thẻ trước khi ra viện, chuyển viện trong ngày thì có thể làm thủ tục đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Ngày 10/6/2019, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 09/2019/TT-BYT hướng dẫn thẩm định điều kiện ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu, chuyển thực hiện dịch vụ cận lâm sàng và một số trường hợp thanh toán trực tiếp chi phí trong khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
Theo đó, người có thẻ BHYT nhưng không xuất trình được thẻ hoặc bị mất chưa được cấp lại, thì được thanh toán trực tiếp chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong các trường hợp sau:
Một là, đã tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp khám chữa bệnh trái tuyến) nhưng chưa được thanh toán số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.
Hai là, trường hợp dữ liệu thẻ BHYT không được cung cấp hoặc cung cấp không chính xác về thông tin thẻ bảo hiểm y tế.
Ba là, trường hợp người bệnh không xuất trình được thẻ BHYT trước khi ra viện, chuyển viện trong ngày do tình trạng cấp cứu, mất ý thức hoặc tử vong.
Bốn là, các trường hợp quy định tại điểm a và b khoản 2 Điều 31 Luật Bảo hiểm y tế được sửa đổi, bổ sung năm 2014.
Bên cạnh đó, Thông tư quy định Bảo hiểm xã hội nơi tiếp nhận hồ sơ đề nghị thanh toán trực tiếp chịu trách nhiệm thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho các trường hợp đã được quy định tại Thông tư này theo mức hưởng trong phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT.