Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ:
Coi sự phát triển của doanh nghiệp là sự phát triển của nền kinh tế
Khảo sát 4 tỉnh miền Tây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, khi Chính phủ nỗ lực tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, coi sự phát triển của doanh nghiệp là sự phát triển của nền kinh tế, thì thách thức nào cũng có thể vượt qua, kể cả thiên tai.
Muốn vậy, lãnh đạo các địa phương cũng phải một lòng cùng Chính phủ. Như tại Kiên Giang, một trong những tỉnh miền Tây đang chịu những tháng ngày khốc liệt vì hạn hán và xâm nhập mặn sâu, nền kinh tế ở địa phương này vẫn phát triển sôi động với liên tục các nhà máy được khởi công và đi vào hoạt động và có hiệu quả ngay từ những ngày đầu tiên, chỉ trong 5 tháng qua.
Quay sang hỏi Chủ tịch tập đoàn TBS Nguyễn Đức Thuấn về việc mở thêm chi nhánh ở Kiên Giang, có được địa phương tạo điều kiện không, câu trả lời mang lại sự hài lòng cho Phó Thủ tướng Huệ, “Chủ tịch Kiên Giang đã cùng tôi đi dép lê lăn lộn ở công trường”. Chủ tịch tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng cười xác nhận, “trách nhiệm của lãnh đạo địa phương là phải nằm gai nếm mật cùng doanh nghiệp”.
Còn tại Cần Thơ, Chủ tịch tỉnh Cần Thơ, ông Võ Thành Thống cho biết Cần Thơ thành lập hẳn một Ban Chỉ đạo thực thi nhiệm vụ triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ và Chương trình hành động của Cần Thơ. Chủ tịch UBND TP đối thoại với doanh nghiệp tháng hai lần…
“Kết quả nổi bật nhất của Cần Thơ trong thực hiện Nghị quyết này của Chính phủ là thời gian chờ đăng ký và cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã được rút ngắn ở mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua”, ông Thống nói.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Huệ, “Cần Thơ là anh cả của miền Tây mà chưa đi đầu trong 13 tỉnh về năng lực cạnh tranh, PCI chỉ đứng thứ 5 trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và trong 63 tỉnh thành, thì đứng thứ 14”.
Ông nói, “vì vậy, dù tôi rất ấn tượng với tinh thần thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, nhưng Cần Thơ vẫn còn phải cố gắng nhiều để trở thành đầu tàu, có vai trò dẫn dắt cả vùng. Làm thế nào để đi đầu trong khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hỏi Chủ tịch tỉnh Kiên Giang “liệu năm nay có giữ được mức tăng trưởng kinh tế 7,2% mà tỉnh đã đề ra không”.
Một chút ngập ngừng vì tăng trưởng của tỉnh quý I chỉ đạt mức 5,4%, đạt được mức cả năm 7,2 là khó khăn, nhưng ông Hồng vẫn khẳng định, “không điều chỉnh chỉ tiêu, cố gắng đạt được theo kế hoạch đã đề ra”.
Bí thư Hậu Giang cũng khẳng định, “chỉ đạo quyết liệt để đạt tăng trưởng của cả 3 khu vực kinh tế, trong đó, nỗ lực cao nhất để giảm thiểu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn đối với tăng trưởng và đời sống nhân dân”.
Cần Thơ có vẻ ít trầy trật hơn cả, khi GDP của địa phương này quý I tăng 6,59%. Cần Thơ xác định sẽ cán đích tăng trưởng trong năm nay ở con số 7,5%.
Chia sẻ với các địa phương tình hình GDP cả nước quý I chỉ tăng 5,6%, để đạt được chỉ tiêu tăng 6,7% mà Quốc hội đã giao cho Chính phủ thực hiện, là rất thách thức, Phó Thủ tướng Huệ nhấn mạnh, Chính phủ kiên định phải đạt được mức tăng trưởng này. Phải quyết tâm ngay từ đầu mới có thể đạt được kế hoạch 5 năm theo Nghị quyết Đại hội XII.
“Để đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng, một trong những giải pháp trọng tâm của Chính phủ, là tao mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển”, ông Huệ nói, “Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
Nhưng Nghị quyết của Chính phủ, dù hay đến đâu, cũng chỉ là trên giấy, nếu lãnh đạo địa phương không tích cực vào cuộc. Nhiều địa phương coi Nghị quyết là của Chính phủ, chứ không phải của mình”.
Phó Thủ tướng dẫn ra bình luận của chuyên gia kinh tế về nền kinh kinh tế yên nhưng chưa ổn, chưa vững chắc. Các tổ chức quốc tế cũng đều nhận định, năm nay giỏi lắm thì GDP của Việt Nam tăng được 6,2%,
“Chính phủ vẫn quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%. Dư địa giúp chúng ta đạt được mục tiêu này, là rất ngặt nghèo”, ông Huệ chia sẻ, “thêm vào đó, cùng lúc vừa xảy ra thiên tai hạn hán khốc liệt và xâm nhập mặn sâu ở Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, vừa xảy ra thảm họa môi trường ở miền Trung.
Tuy vậy, với bản lĩnh mới, cách làm mới, tư duy mới, Chính phủ chắc chắn sẽ vững vàng vượt qua thách thức, củng cố được niềm tin cho người dân về một thời kỳ phát triển mới của đất nước”.
Trong bối cảnh như vậy, theo Phó Thủ tướng, các địa phương cũng đang hết sức cùng Chính phủ nỗ lực phát triển kinh tế xã hội của địa phương mình. Đặc biệt, tại những địa phương đang phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì thiên tai khốc liệt, kinh tế vẫn có nhiều điểm sáng hơn so với bức tranh chung của nước.
Như tại Kiên Giang, Hậu Giang, trong mấy tháng đầu năm nay đều có kim ngạch xuất khẩu tăng cao, Hậu Giang tăng trên 22%, Kiên Giang tăng 33%, trong khi kim ngạch xuất khẩu cả nước chỉ tăng 6%...
“Hồi tôi là Bộ trưởng Tài chính (2011), khi tới làm việc với Hậu Giang, thấy tỷ lệ hộ nghèo của Hậu Giang cao lắm, giờ đã giảm còn 6,23%”, ông Huệ nói, “các tỉnh có “khỏe”, thì Chính phủ mới “khỏe”, mới cùng giúp cho doanh nghiệp “khỏe” và đưa nền kinh tế của đất nước đi lên”.
Cho rằng, “các địa phương cũng như Chính phủ đang bước vào năm đầu tiên của nhiệm kỳ với đội ngũ cán bộ lãnh đạo mới, Nghị quyết mới, quyết tâm mới cũng rất nhiều điều mới trong cách nghĩ, cách làm”, ông Huệ động viên các tỉnh tập trung quyết liệt trong chỉ đao điều hành, tăng cường trách nhiệm cá nhân để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Gần 10 năm trước, vào thời kỳ những năm 1997-1998, Việt Nam cũng trải qua đợt El Nino mạnh kỷ lục gây ra hạn hán nghiêm trọng, cường độ tương đương với đợt El Nino đang diễn ra từ cuối năm 2014 và dự báo kéo dài đến giữa năm 2016, tuy ảnh hưởng của El Nino hiện nay lên tới khoảng 20 tháng, dài hơn hẳn thời kỳ 1997- 1998 và là dài nhất trong khoảng 60 năm qua.
Nhưng thời kỳ 1997- 1998, còn là thời kỳ bóng ma khủng hoảng kinh tế bao trùm châu Á và cả Việt Nam, chứ không được thuận như hiện nay. Trong bối cảnh bóng ma khủng hoảng kinh tế đi kèm “bóng ma” El Nino và trở thành “bóng ma kép” đó, GDP năm 2007 vẫn đạt mức tăng 8,46%, năm 2008 tăng 6,31%, cả giai đoạn 2006- 2010 đạt được mức tăng trưởng kinh tế 7,01%/năm.
Vì vậy, những thách thức đến từ thiên tai hiện nay, không phải là lực cản quá lớn không thể vượt qua để đưa nền kinh tế năm 2016 và cả giai đoạn 2016- 2020 cán đích như mục tiêu đã đề ra.