Con đường duy nhất để tăng năng suất là sáng tạo

Theo daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Theo số liệu tại Hội thảo Phát triển kinh tế tri thức ở nước ta do Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 26.5, mặc dù nền kinh tế đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận nhưng hiệu quả kinh tế, năng suất lao động và giá trị gia tăng của các sản phẩm hàng hóa chưa cao… Điều đó cho thấy, cần phải chuyển hướng phát triển, dựa trên nền tảng kinh tế tri thức.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2012 đã xếp hạng chỉ số kinh tế tri thức của Việt Nam đứng thứ 104/146 nước và lãnh thổ, thuộc nhóm trung bình thấp. Trong 4 trụ cột của kinh tế tri thức (giáo dục; phát minh sáng chế; cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông; hệ thống thể chế các chính sách kinh tế) thì thể chế và môi trường kinh doanh là kém nhất. Riêng chỉ số tri thức (bao gồm công nghệ thông tin - tri thức, hệ thống đổi mới sáng tạo, giáo dục và nguồn nhân lực) đứng vị trí 100/146 nước.

Và mặc dù các kết quả nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã đóng góp tới 30% giá trị gia tăng trong tăng trưởng nông nghiệp. Trong 5 năm gần đây, đã tạo và tuyển chọn được gần 100 giống lúa mới, đưa năng suất lúa bình quân cả nước đạt 56,3 tạ/ha năm 2012, đứng đầu Đông Nam Á... Tuy nhiên, đóng góp của khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế còn rất mờ nhạt, chưa có những tính toán đáng tin cậy về tỷ lệ do khoa học công nghệ, kinh tế tri thức tạo ra trong GDP. Thiếu chính sách, cơ chế để gắn kết hoạt động khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo với doanh nghiệp và sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp chưa coi trọng khoa học công nghệ là nguồn lực chủ yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh…

Với số liệu dẫn chứng này, nguyên Viện trưởng viện Chiến lược phát triển Lưu Bích Hồ cho rằng, đã đến lúc phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng và phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, thực sự gắn công nghiệp hóa với hiện đại hóa, dựa vào phát triển và sử dụng khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao và quản lý hiện đại. Đó chính là phát triển dựa vào tri thức mới trong từng ngành, lĩnh vực, từng công việc một cách thiết thực, cũng là bước đi tất yếu trong thời gian tới của nền kinh tế nước ta. Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đặng Hữu, con đường duy nhất để tạo của cải nhiều hơn là tăng năng suất, con đường duy nhất để tăng năng suất là sáng tạo.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 cũng xác định một trong ba đột phá chiến lược là xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng. Tuy nhiên, cản trở lớn nhất của các doanh nghiệp là hạn chế về vốn và nguồn nhân lực có đủ trình độ. Những doanh nghiệp tiến hành đổi mới công nghệ hiện nay chủ yếu dựa trên vốn chủ sở hữu (trên 75%) với số vốn rất hạn chế, trong khi chỉ có khoảng 17% là từ vốn tín dụng, nhưng điều kiện và thủ tục cho vay cũng còn nhiều vấn đề.

Nghịch lý là những doanh nghiệp có khả năng nhất định về tài chính, nhân lực và cơ sở vật chất để ứng dụng công nghệ mới thì không có động lực để đổi mới công nghệ, trong khi những doanh nghiệp cần đổi mới là khu vực kinh tế tư nhân trong nước thì hầu như không có điều kiện này.

Cũng theo Ts Lưu Bích Hồ, tăng trưởng và phát triển dựa vào khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao và quản lý hiện đại, thực chất chính là dựa vào tri thức và tri thức mới trong từng ngành nghề, lĩnh vực, từng công việc. Đó chính là bước đi tất yếu để nền kinh tế phát triển bền vững, tạo ra năng suất, chất lượng và thân thiện với môi trường.