Cấp thiết đổi mới mô hình tăng trưởng
(Taichinh) - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức hội thảo nhằm đánh giá kết quả quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế Việt Nam từ năm 2011 đến 2014. Rất nhiều quan điểm cho rằng, tái cơ cấu phải gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng mới bảo đảm phát triển kinh tế bền vững.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, việc triển khai chương trình tái cấu trúc nền kinh tế 3 năm qua đã ghi nhận khá nhiều tích cực. Trong đó, điểm đạt được đầu tiên và quan trọng nhất chính là ổn định kinh tế vĩ mô. Cùng với đó, là vấn đề cải cách thể chế và thứ 3 là phát triển hạ tầng. Thông qua những yếu tố này đã giúp cho thị trường vận hành tốt hơn, các chỉ số an toàn quốc gia được nâng cao, môi trường kinh doanh có sự cải thiện. Phản ứng của thị trường là khá tích cực. Xu hướng tăng trưởng kinh tế đang tăng vững. Hiệu quả đầu tư, năng suất lao động, năng suất nhân tố tổng hợp đã được cải thiện đáng kể.
Cụ thể hơn, tại Báo cáo đánh giá của CIEM đã dẫn chứng, trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cũng đã ngăn chặn được các nguy cơ đổ vỡ, giải quyết nợ xấu, sở hữu chéo, sáp nhập, mua lại tăng quy mô vốn; Đồng thời, đã tăng tính minh bạch trong hoạt động ngân hàng, thoái vốn của các tập đoàn kinh tế, siết chặt tỷ lệ sở hữu và đổi mới quản trị hệ thống ngân hàng… Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ ra rằng, việc tái cơ cấu đầu tư công cũng mới chỉ dừng ở việc kiểm soát sự tuân thủ. Nhiều chỉ thị, văn bản được ban hành nhưng chưa thực hiện được. Tỷ lệ ICOR (tính theo quý) giảm rõ rệt. Tỷ trọng vốn vay trong khu vực kinh tế nhà nước vẫn không ngừng tăng lên.
Ông Nguyễn Đình Cung cũng nhấn mạnh, nền kinh tế của ta phụ thuộc rất nhiều vào tín dụng, điều này đồng nghĩa chỉ khi tín dụng gia tăng thì hệ số tiền tệ mới tăng được. Tín dụng tăng trưởng chậm cho thấy vẫn mắc ở các khoản nợ xấu. Nợ xấu dù cho rằng vẫn ở ngưỡng an toàn (3,5%) nhưng vẫn là mức cao, đang kìm hãm tăng trưởng của nền kinh tế. Cùng với đầu tư công thì khối DNNN phải được cải thiện. “Còn rất nhiều tiềm năng để có thể cải thiện mạnh hơn quá trình TCC kinh tế theo hướng nâng cao các chỉ số về chất lượng của nền kinh tế và hoàn toàn có thể làm được. Đơn cử đối với lĩnh vực tái cơ cấu DNNN, vấn đề ở chỗ có quyết tâm thực hiện hay không”.
Trong việc tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực, ông Nguyễn Đình Cung không đồng tình với cách thức tái cơ cấu ngành nông nghiệp - một trọng tâm được tập trung - và có Đề án tái cơ cấu sớm nhất trong tất cả các ngành kinh tế. Việc tái cơ cấu vừa qua không xuất phát từ thị trường mà đang “thực hiện hành chính áp đặt từ trên xuống nhiều hơn là xuất phát từ nhu cầu thị trường và thay đổi cơ cấu thị trường. Chỉ khi thay đổi theo hướng như vậy mới thay đổi phương thức tổ chức sản xuất”.
Đánh giá cao Báo cáo của CIEM, song, Ts Lưu Bích Hồ cho rằng, hiện nay chúng ta mới mon men vào tái cơ cấu mà chưa đi sâu vào tính chất của tái cơ cấu. Mục tiêu cuối cùng phải đạt được của quá trình tái cơ cấu là chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Hơn 3 năm nhưng gỡ rối những tồn tại trước mắt vẫn chưa xong là quá chậm. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ vững nhưng mới được vài ba năm trở lại đây, lạm phát thấp quá cũng rất đáng lo. Vấn đề làm sao để mối quan hệ giữa lạm phát với tăng trưởng phải hài hòa... Theo Ts Lưu Bích Hồ, cùng với giải pháp gỡ rối trước mắt, phải đầu tư mạnh cho khoa học công nghệ. Cần tập trung thay đổi, chấn chỉnh lại cung cách làm việc của tất cả bộ máy nhà nước, theo đó, phải giảm biên chế ít nhất được 20%.
Dưới góc độ cơ quan soạn thảo Báo cáo, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, trong thời gian tới, vẫn phải tập trung các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng theo hướng thực chất của tái cơ cấu DNNN. Không thể không nói đến phải tập trung tái cơ cấu đầu tư công, phải được cải thiện. Và việc tái cơ cấu ngành phải dựa trên lực lượng thị trường và cơ chế thị trường chứ không phải bằng mệnh lệnh hành chính áp đặt từ trên xuống. Muốn làm được điều này, phải có sự thay đổi lớn về mặt thể chế, đồng nghĩa vai trò của các bộ, ngành, chính quyền địa phương phải thay đổi. Không còn ở tầm nhìn ngắn hạn cây, con gì... mà phải được xác định ở tầm thể chế, chính sách, chiến lược rõ ràng.