Cơn khát M&A của Trung Quốc
Số liệu của Dealogic cho biết trong 9 tháng qua, tổng giá trị các thương vụ M&A được thực hiện bởi các công ty Trung Quốc đạt 173,9 tỷ USD - tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng cộng có 601 thương vụ M&A được thực hiện trong 9 tháng qua và là con số lớn nhất trong lịch sử - tăng mạnh so với 441 thương vụ cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lớn nhất là vụ Tập đoàn ChinaChem đề nghị mua lại Công ty thuốc trừ sâu Syngenta (Thụy Sĩ) với giá 46,7 tỷ USD vào tháng 2/2016.
Chính phủ Trung Quốc cũng đang khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh M&A ở nước ngoài. Tuy nhiên, không phải tất cả thương vụ mua bán với đối tác Trung Quốc đều có thể chốt sổ vì nhiều lúc, an ninh quốc gia được đề cao hơn lợi ích kinh tế.
Trong số đó, lĩnh vực công nghệ đang dẫn đầu với số lượng giao dịch mua bán chưa được chốt sổ gồm 10 thương vụ với tổng trị giá khoảng 10,1 tỷ USD. Lý do thất bại là do bên mua rút lui, bên bán từ chối thương lượng, hoặc các bên cân nhắc quá lâu dẫn đến đề nghị mua bán hết hạn.
Những người mua Trung Quốc hiện nay “nặng nợ” hơn rất nhiều so với những doanh nghiệp mà họ thâu tóm. Trong số các thương vụ được công bố từ đầu năm 2015, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của những người mua Trung Quốc tính trung bình là 71%, so với 44% của các công ty mục tiêu ở nước ngoài, theo phân tích của The Economist dựa trên số liệu của S&P Global Market Intelligence.
Bên cạnh đó, ở các doanh nghiệp đi thâu tóm của Trung Quốc, lớp đệm tài chính cũng mỏng hơn rất nhiều: tài sản có tính thanh khoản của họ thấp hơn khoảng 25% so với nghĩa vụ nợ ngắn hạn. Tuy nhiên, nhờ chủ nợ cho khất nên gánh nặng này cũng trở nên “dễ chịu” hơn tại Trung Quốc hơn là ở những nơi khác. Lấy ví dụ về trường hợp của Zoomlion, một công ty sản xuất thiết bị máy móc xây dựng, có nợ cao gấp 83 lần so với EBITDA (thu nhập trước thuế, lãi vay và khấu hao).
Zoomlion muốn mua Terex, một đối thủ Mỹ có mức nợ chỉ gấp 3,5 lần lợi nhuận kiếm được, với giá 3,4 tỷ USD. Cho dù thương vụ mua lại này hoàn toàn dùng tiền vay mượn thì công ty mới sau khi sáp nhập sẽ vẫn có hệ số nợ/thu nhập xấp xỉ 18 lần. Rõ ràng, đây là sự cải thiện rất lớn đối với tình hình tài chính của Zoomlion.
Núp bóng để thâu tóm
Gần đây, một nhóm nhà đầu tư bí ẩn đến từ Trung Quốc đã tiếp cận câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng thế giới AC Milan (Ý) với đề nghị mua lại câu lạc bộ này. Trong số các văn bản mà nhóm này đưa ra, có một bản sao kê tài khoản với giá trị gần 127 triệu USD tại ngân hàng Giang Tô (Bank of Jiangsu). Bản sao kê này đưa ra con số chính xác tới từng dấu phẩy (852.468.304,56 NDT), cộng thêm con dấu ghi rõ 4h14’ chiều ngày 25/4/2016.
Tuy nhiên, theo ngân hàng Giang Tô vừa cho biết với Bloomberg, đây là một bản sao kê hoàn toàn giả mạo. Sau khi được hỏi về việc này, nhóm nhà đầu tư mang tên Công ty Quản lý-Đầu tư thể thao Trung Quốc - châu Âu (SESIMC) đã giải thích với Bloomberg rằng “chúng tôi không xác nhận việc đã gửi một văn bản như vậy”.
Dẫn đầu bởi một doanh nhân mang tên Li Yonghong, SESIMC đã ký hợp đồng mua lại AC Milan từ Công ty Fininvest của ông chủ Silvio Berlusconi hồi tháng 8 vừa qua với gia 828 triệu USD. Hiện tại, vẫn chưa ai biết sự việc sẽ ảnh hưởng như thế nào tới thương vụ này.
Và, những câu chuyện kiểu này cho thấy làn sóng M&A đến từ Trung Quốc có nhiều mối nguy tiềm ẩn đáng lo ngại.
Ông Thilo Hanemann, quản lý của Công ty nghiên cứu Rhodium Group, nhận xét: “Khá nhiều khoản đầu tư đến từ Trung Quốc hiện nay là của các cá nhân không thuộc một tổ chức có tiếng tăm nào cả. Chúng tôi đã thấy khá nhiều thương vụ khiến người ta phải gãi đầu tự hỏi xem người mua là ai vậy”.
Trong thương vụ SESIMC mua lại AC Milan, Công ty Fininvest cũng đã nhận thấy nhiều điều khó hiểu. Theo nguồn tin của Bloomberg, các nhà đầu tư trong nhóm SESIMC liên tục tìm cách qua mặt nhau và Fininvest cũng không rõ rốt cuộc là họ đang thỏa thuận với ai.
Ông Li Yonghong thì ban đầu là một thành viên trong nhóm, nhưng sau đó lại “ly khai” ra với một cái giá riêng mà không cho những người còn lại biết. Khi SESIMC đồng ý mua AC Milan, thì thực ra lúc đó họ vẫn chưa có đủ tiền và hiện đang xoay xở tìm kiếm các đối tác mới với hy vọng sẽ hoàn tất thương vụ trước cuối năm nay.
Huyễn hoặc để nâng tầm bản thân
Năm 2012, hiện tượng Lin Chunping, 41 tuổi, doanh nhân chuyên buôn bán gạo ở TP. Wenzhou, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) đã “đánh bóng” mình bằng việc công bố đã thành công trong vụ M&A một NHTM Mỹ… không hề tồn tại, quả là “vô tiền khoáng hậu”.
Đây là vụ M&A rởm 100%, thế mà người dân lẫn chính quyền địa phương không một chút hồ nghi. Bằng chứng là ngay sau đó, Lin Chunping được bầu vào bộ máy cơ quan lập pháp địa phương. Chỉ đến khi vụ việc bị phanh phui, thì Lin Chunping mới lộ tẩy là doanh nhân lừa đảo, và nay đã bị bắt.
Lin Chunping đã rất ranh ma khi chọn số tiền 60 triệu USD, không quá lớn, cũng không quá nhỏ để loè thiên hạ. Các đại ngân hàng Trung Quốc, như ICBC, ABC... có đầu tư vào Mỹ thì thường là cỡ tiền tỷ USD trở lên. Tuy nhiên, 60 triệu USD lại là số tiền khá lớn, phù hợp với một thương vụ của một “nhà buôn tỉnh lẻ có tài”.
Điều mà mọi người ở Trung Quốc tỏ ra khâm phục Lin Chunping là việc nhà buôn cò con này đã cả gan vươn sang tận nước Mỹ, mua lại hẳn một ngân hàng Mỹ, dẫu là quy mô nhỏ. Đến tháng 3/2012, nhiều nhà báo Trung Quốc bắt đầu tò mò tìm hiểu sâu hơn về “hiện tượng Lin Chunping” để khai thác viết bài, thì mới ngã ngửa khi phát hiện ở bang Delaware không hề tồn tại Atlantic Bank, hay USA New HSBC Federation Consortium Inc.
Sau khi phóng viên Tân Hoa xã phát hiện sự việc, cơ quan công an và thuế Chiết Giang đã điều tra và phát hiện Lin Chunping cùng 5 đồng phạm làm giả rất nhiều chứng từ thuế, có hành vi trốn thuế, với tổng số tiền 800 triệu NDT (126 triệu USD) ở 22 tỉnh, thành của Trung Quốc.