Kinh tế thế giới đối mặt “những rủi ro nghiêm trọng”
Hội nghị Thượng đỉnh nhóm G-7 năm 2016 nhóm họp trong hai ngày 26-27/5 tại Thành phố Ise, tỉnh Mie (Nhật Bản), trong tình hình kinh tế thế giới vẫn ảm đạm. Phát biểu sau phiên khai mạc, Thủ tướng nước chủ nhà, Shinzo Abe cho biết các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị nhất trí cho rằng nền kinh tế thế giới đang đối mặt với “những rủi ro nghiêm trọng”.
Kinh tế thế giới đang ở một thời điểm mang tính bước ngoặt đầy rủi ro
Ông Abe nói: “Kinh tế thế giới đang ở một thời điểm mang tính bước ngoặt và chúng ta phải thừa nhận rằng nếu các nước có những chính sách ứng phó sai lầm thì có thể dẫn tới rủi ro là đẩy kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng sau khi chấm dứt một chu kỳ kinh tế bình thường”.
Tại phiên họp trên, các nhà lãnh đạo 7 nước công nghiệp phát triển thuộc thế giới phương Tây nhất trí về việc thực hiện các biện pháp tài khóa linh hoạt trong khi xúc tiến cải cách cơ cấu nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới trong bối cảnh “đầu tàu” Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng chậm lại.
Theo Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hiroshige Seko, các lãnh đạo G-7 “chia sẻ quan điểm cho rằng G-7 sẽ không ngần ngại thực hiện các biện pháp tài khóa đề thúc đẩy nhu cầu và ứng phó với các vấn đề như di cư bất hợp pháp, thiên tai, thảm họa và những vấn đề khác mà mỗi nước trong G-7 phải đối mặt. Tuy vậy, quy mô và thời gian thực hiện các biện pháp tài khóa sẽ cần được cân nhắc tùy theo tình hình cụ thể của mỗi quốc gia.
Thủ tướng Abe cũng bảy tỏ nóng lòng về việc G-7 đạt được một thỏa thuận hành động tài khóa chung nhằm thúc đẩy nhu cầu thế giới. Tuy vậy, Đức vẫn bảo lưu quan điểm về các vấn đề tài khóa và chú trọng nhiều hơn vào cải cách cơ cấu.
Khó khăn của các nền kinh tế mới nổi làm tăng tính nghiêm trọng
Lãnh đạo các nước G7 cũng nhất trí rằng sự giảm tốc của các nền kinh tế mới nổi đã làm tăng mức độ nghiêm trọng đối với hiện trạng kinh tế thế giới và G-7 phải đi đầu trong nhiệm vụ đạt được đà tăng trưởng bền vững của nền kinh tế thế giới.
Trung Quốc bơm tiền để giải quyết tình trạng khó khăn ở nông thôn và trợ cấp xã hội khi khoảng 10 triệu người bị mất việc làm do tái cơ cấu kinh tế, đóng cửa các nhà máy thép do dư thừa sản lượng và các mỏ than. Theo Tân Hoa Xã, Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Trung Quốc (ADBC) sẽ cho vay 3 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 458 tỷ USD) để hỗ trợ các nỗ lực của đất nước trong giảm nghèo từ nay đến năm 2020. Ngày 20/5, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã bơm 20 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 3,06 tỷ USD) vào thị trường để đảm bảo tính thanh khoản.
Trong chuyến thị sát kéo dài ba ngày 23-25/5 tại tỉnh Hắc Long Giang (Đông bắc Trung Quốc), là tỉnh có số lượng công nhân mất việc làm lớn do đóng cửa các mỏ than và các nhà máy thép, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết sẽ đẩy mạnh việc tái cơ cấu kinh tế. Ông Tập Cận Bình thúc giục cải cách mạng lưới cung ứng nhằm khuyến khích sản xuất, đồng thời hối thúc tỉnh Hắc Long Giang nỗ lực nâng cấp các ngành công nghiệp cũ và phát triển các ngành mới. Hắc Long Giang từng là trung tâm công nghiệp nặng của nước này.
Ông Tập Cận Bình kêu gọi đẩy mạnh phát triển lĩnh vực nông nghiệp và đảm bảo an toàn thực phẩm, cải thiện chất lượng cuộc sống của các nhóm dân tộc, bảo đảm an ninh mạng quốc gia.
Theo ông Tập Cận Bình, giữa bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và quốc tế đang diễn biến phức tạp, điều quan trọng là phải đảm bảo và cải thiện chất lượng sống của người dân thông qua các quỹ xã hội nhằm giải quyết các vấn đề về việc làm, giáo dục, chăm sóc y tế, nhà ở, lương hưu và đói nghèo. Ông nhấn mạnh, các chính sách công và các biện pháp cần dựa trên cơ sở nghiên cứu vững chắc và tiếp nhận ý kiến công chúng.
Tổng thống Vladimir Putin ngày 25/5 cho rằng Nga cần phải tìm các nguồn lực tăng trưởng mới để thoát khỏi tình trạng trì trệ hiện nay.
Theo thông cáo phát đi từ điện Kremlin, Tổng thống Putin nói tại một cuộc họp rằng lực đẩy một thời của Nga hồi đầu những năm 2000 như tài nguyên và nguồn dự trữ hiện không còn hiệu quả như trước. Theo Tổng thống, nếu Moskva không tìm được động lực tăng trưởng mới, tăng trưởng kinh tế của Nga sẽ vẫn chỉ dao động trong khoảng 0% và khả năng về an ninh - quốc phòng sẽ thấp hơn rất nhiều so với mức cần có để đất nước phát triển đầy đủ.
Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Nga sẽ thu hẹp khoảng 1,5% trong năm nay trước khi đạt mức tăng trưởng “khiêm tốn” vào năm 2017. Theo IMF, triển vọng tăng trưởng trung hạn của Nga là không mấy khả quan do giá dầu thấp và tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với hoạt động kinh tế. Trong dài hạn, dự báo kinh tế nước này sẽ tăng trưởng khoảng 1,5%.
Trong khi đó, Tuyên bố kết thúc Hội nghị G-7 ngày 27/5 nhấn mạnh: “Tăng trưởng toàn cầu vẫn khiêm tốn và không đúng với tiềm năng, trong khi các nguy cơ tăng trưởng yếu vẫn tồn tại. Tăng trưởng toàn cầu là ưu tiên khẩn cấp của chúng tôi”.