Công bố báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2016: Cẩm nang hữu ích
Ngày 29/3, tại Hà Nội, lần đầu tiên Bộ Công thương tổ chức công bố báo cáo xuất nhập khẩu (XNK) Việt Nam 2016, phản ánh những kết quả đạt và chưa đạt được, cũng như những cơ hội, thách thức và bước tiến mới của hoạt động XNK trong năm 2016. Đây được coi là cẩm nang hữu ích cho các nhà quản lý, doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp trong XNK.
Thông tin hữu ích
Nội dung Báo cáo XNK Việt Nam đề cập đa dạng, toàn diện, từ tình hình xuất khẩu, nhập khẩu theo từng nhóm hàng, từng thị trường đến đàm phán, tổ chức thực hiện các cam kết theo các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và tình hình tận dụng các cơ hội do FTA mang lại.
Báo cáo cũng đề cập đến các vấn đề liên quan đến quản lý ngoại thương của Bộ Công thương như: Xây dựng cơ chế, chính sách XNK, các chương trình xúc tiến thương mại, các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, thuận lợi hóa thương mại, phòng vệ thương mại…
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh mong muốn đây sẽ là ấn phẩm hữu ích giúp các cơ quan hữu quan, các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp có thông tin tham khảo, phục vụ quá trình hoạch định chính sách và kế hoạch sản xuất kinh doanh, qua đó giúp doanh nghiệp phát triển ổn định, giảm thiểu những rủi ro, tận dụng cơ hội đẩy mạnh hoạt động XNK.
Đánh giá cao chất lượng của ấn phẩm, PGS. TS. Phạm Văn Linh - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, báo cáo đã tổng hợp khá toàn diện hoạt động XNK của Việt Nam năm 2016. Số liệu phong phú, chi tiết, chính xác và mang tính tổng quan cao đối với từng lĩnh vực, từng ngành hàng, đồng thời gợi mở nhiều vấn đề thực tiễn trong công tác hoạch định chính sách, quản lý điều hành và định hướng cho doanh nghiệp XNK. Đây sẽ là cẩm nang hàng năm của các nhà quản lý, doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp trong hoạt động XNK.
Hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng mạnh
Theo báo cáo XNK Việt Nam 2016, tuy kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng hoạt động XNK vẫn đạt được kết quả cao, tăng trưởng cả về quy mô xuất khẩu và tốc độ tăng so với năm 2015. Tổng kim ngạch XNK đã vượt mức 350 tỷ USD. Xuất siêu giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và kinh tế vĩ mô. Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Năm 2016, cả nước có 24 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD; có 25 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt trên 1 tỷ USD. Số thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD là 28 thị trường. Xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường chính như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ tiếp tục được giữ vững và tăng trưởng. Xuất khẩu sang Liên bang Nga, Trung Quốc tăng cao so với năm 2015, trong khi xuất khẩu sang ASEAN sụt giảm.
Cơ cấu các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển dịch tích cực, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của chiến lược phát triển XNK hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến 2030, với tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt cao nhất (80,3%), theo sau lần lượt là nhóm hàng nông sản, thủy sản và nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản.
Năm 2016 cũng là năm triển khai nhiều hoạt động tích cực trong công tác hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển thị trường, xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường thúc đẩy xuất khẩu. Việt Nam tiếp tục đàm phán các hiệp định FTA với nhiều đối tác quan trọng đồng thời chú trọng tăng cường hợp tác trong ASEAN, APEC và các tổ chức quốc tế khác.
Chỉ tiêu XNK năm 2017 được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2017 là tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6 - 7%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%.
Dự báo này là thách thức lớn, đòi hỏi nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng, sự quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời của các cơ quan quản lý nhà nước đối với công tác XNK.