Công bố định kỳ thông tin của doanh nghiệp nhà nước: Đảm bảo công khai, minh bạch
Theo các chuyên gia kinh tế, việc công khai thông tin của doanh nghiệp nhà nước có thể góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này. Đấy là lí do tại sao Chính phủ vừa quyết định ban hành Nghị định về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước.
9 loại thông tin phải công bố
Mặc dù từ trước đến nay, cũng đã có một số quy định về việc công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước, nhưng nhìn chung thông tin công bố của phần lớn doanh nghiệp nhà nước là chưa đầy đủ về chất lượng, thiếu độ chính xác và tính kịp thời, nên khả năng giám sát của các cơ quan chính phủ đối với hoạt động của doanh nghiệp nhà nước còn nhiều hạn chế.
Trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, việc công khai thông tin của khối doanh nghiệp này sẽ làm cho các đại diện vốn nhà nước nhận thức rõ về trách nhiệm của mình trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước, hạn chế tình trạng sử dụng vốn lãng phí, tham ô.
Bên cạnh đó, việc bắt buộc các doanh nghiệp nhà nước cung cấp và công bố công khai thông tin một cách đầy đủ hơn, có chất lượng hơn không chỉ tốt hơn cho chính các doanh nghiệp này, mà Chính phủ và mọi người dân đều có thể tham gia giám sát tình hình hoạt động và tài chính của doanh nghiệp nhà nước dễ dàng hơn.
Do vậy, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, có 9 loại thông tin mà doanh nghiệp nhà nước phải định kỳ công bố các thông tin: Chiến lược phát triển của doanh nghiệp; Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm (05) năm của doanh nghiệp; Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hàng năm của doanh nghiệp; Báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm và 3 năm gần nhất tính đến năm báo cáo; Báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ công ích và trách nhiệm xã hội khác (nếu có); Báo cáo tình hình thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp hàng năm; Báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp; Báo cáo tài chính 6 tháng và báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp Báo cáo chế độ tiền lương, tiền thưởng của doanh nghiệp.
Đối với các chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư có nội dung quan trọng, liên quan hoặc ảnh hưởng đến bí mật và an ninh quốc gia, bí mật kinh doanh, doanh nghiệp báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước quyết định việc công bố nhằm bảo đảm nội dung bí mật là phù hợp, tránh lạm dụng các quy định về nội dung bí mật làm hạn chế tính công khai, minh bạch về kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp.
Hình thức công bố thông tin như thế nào?
Tại Nghị định này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty có trách nhiệm phê duyệt các nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước theo thẩm quyền; bảo đảm tính công khai, minh bạch và kịp thời của các thông tin được công bố.
Bên cạnh đó, việc công bố thông tin phải được thực hiện đồng thời qua các phương tiện công bố thông tin, theo từng đối tượng, cụ thể:
Đối với doanh nghiệp nhà nước: Báo cáo bằng văn bản, trang thông tin điện tử, ấn phẩm và các phương tiện thông tin đại chúng khác theo quy định của pháp luật.
Đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước: Hệ thống tiếp nhận thông tin, cổng hoặc trang thông tin điện tử, ấn phẩm và các phương tiện thông tin đại chúng khác theo quy định của pháp luật.
Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Hệ thống tiếp nhận thông tin, Cổng thông tin doanh nghiệp của Bộ (http://www.business.gov.vn), ấn phẩm và các phương tiện thông tin đại chúng khác theo quy định của pháp luật.
Việc công bố thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng khác do cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước quy định. Các báo cáo và ấn phẩm khác của doanh nghiệp, Ban kiểm soát, Kiểm soát viên, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước của doanh nghiệp thực hiện theo quy định của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước.
Nếu các thông tin được công bố có sự sai lệch, chưa chính xác, làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền công bố thông tin phải xác nhận và điều chỉnh thông tin thay đổi hoặc đính chính thông tin đó trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được thông tin đó hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Trường hợp có sự thay đổi nội dung thông tin đã công bố, doanh nghiệp phải có văn bản báo cáo giải trình với cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định rõ tiếng Việt là ngôn ngữ thực hiện công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước. Trong trường hợp quy định công bố thông tin bổ sung bằng ngôn ngữ khác, ngôn ngữ thực hiện công bố thông tin bao gồm tiếng Việt và ngôn ngữ khác theo quy định.