Công bố quy hoạch tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050


Ngày 22/12, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Dự Hội nghị có Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ri, đại diện các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các nhà đầu tư, các sở ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh.

Phát huy tiềm năng, lợi thế

Bên cạnh việc bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và kế hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chú trọng phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; Khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Xây dựng Bạc Liêu phát triển toàn diện kinh tế biển, trung tâm công nghiệp tôm, một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước.

Quy hoạch Bạc Liêu thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước.
Quy hoạch Bạc Liêu thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước.

Phát triển hài hòa, toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc con người Bạc Liêu gắn với bảo tồn giá trị di sản, văn hóa, lịch sử; Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo bền vững. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế- xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; Bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu; Chủ động hội nhập quốc tế.

Mục tiêu phát triển đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân đạt 9,5 - 10,5%/năm; Quy mô GRDP năm 2030 gấp 3,5 - 4 lần so với năm 2020. Cơ cấu kinh tế: Khu vực nông- lâm- ngư nghiệp khoảng 29,0%; Khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 36,4%; Khu vực dịch vụ khoảng 32,0%, còn lại là thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm. GRDP bình quân trên người đạt khoảng 187 triệu đồng. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tôm đạt khoảng 1,7 tỷ USD. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 30%. Số bác sĩ trên vạn dân đạt 13-15 bác sĩ; số giường bệnh trên vạn dân đạt 30-35 giường. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân hàng năm 1%. 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Tầm nhìn đến năm 1950, Bạc Liêu là tỉnh có kinh tế phát triển. Xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn và văn minh, người dân có cuộc sống khá giả, hạnh phúc. Môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên được bảo vệ, bảo tồn. Hệ thống đô thị thông minh, sạch, xanh; Nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái. Kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, hạ tầng số đồng bộ, hiện đại. 

Phát triển các ngành kinh tế quan trọng

Các đại biểu dự hội nghị.
Các đại biểu dự hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nhấn mạnh, Bạc Liêu xác định ngành kinh tế quan trọng là nuôi trồng thủy sản an toàn, bền vững với quy mô lớn, công nghệ cao, xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm quốc gia; Sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả nghề đánh bắt hải sản gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Xây dựng và phát triển thương hiệu thủy sản có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Khuyến khích, hỗ trợ đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, tăng tỷ trọng sản phẩm qua các giai đoạn chế biến, có đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm quốc gia. Xây dựng trung tâm công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tổ chức hiệu quả liên kết chuỗi giữa cơ sở chế biến với vùng sản xuất, cung ứng nguyên liệu.

 Đầu tư, xây dựng Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu công suất 3.200 MW gắn với xây dựng đồng bộ hạ tầng phục vụ. Phát triển điện gió trên bờ và ngoài khơi; Thu hút đầu tư, phát triển nguồn năng lượng mới (Hydro xanh, Amoniac xanh). Đưa Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước.

Phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, tham quan thắng cảnh; Đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, tạo các sản phẩm có thương hiệu, có sức cạnh tranh cao. Xây dựng các khu du lịch trọng điểm ven biển có quy mô ngang tầm khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, đặc biệt là đầu tư phát triển khu vực tiềm năng về du lịch trên địa bàn thành phố Bạc Liêu và vùng lân cận để bảo đảm đủ điều kiện công nhận khu du lịch quốc gia; Xây dựng các tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh và quốc tế gắn với các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn