Công khai báo cáo tài chính nhà nước: Mang lại nhiều lợi ích

PV.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định Báo cáo tài chính nhà nước. Việc tổng hợp các thông tin tài chính trên phạm vi từng địa phương cũng như toàn quốc và công khai báo cáo tài chính nhà nước trên mạng internet đang được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Nhà nước cũng như người dân và doanh nghiệp.

Công khai báo cáo tài chính nhà nước: Mang lại nhiều lợi ích.
Công khai báo cáo tài chính nhà nước: Mang lại nhiều lợi ích.

Báo cáo tài chính nhà nước được lập trên cơ sở hợp nhất báo cáo tài chính của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức kinh tế và các đơn vị có liên quan khác thuộc khu vực Nhà nước trên phạm vi toàn quốc và từng địa phương.

Theo Dự thảo, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và Bộ Tài chính sẽ công khai các thông tin chủ yếu trong báo cáo tài chính nhà nước tỉnh, báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc.

Theo đó, thông tin tài chính sẽ được công khai qua Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Bộ Tài chính bao gồm: Tình hình tài sản nhà nước; nợ và các khoản phải trả khác của Nhà nước; nguồn vốn của Nhà nước; tình hình thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động tài chính nhà nước; tình hình lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính Nhà nước.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ thực hiện công khai báo cáo tài chính nhà nước qua phát hành ấn phẩm các thông tin chủ yếu trong báo cáo tài chính nhà nước

Theo bà Đặng Thị Thủy – Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước, Dự thảo Nghị định hiện đang quy định báo cáo tài chính nhà nước đầu tiên sẽ được lập theo số liệu tài chính năm 2018 và báo cáo tài chính nhà nước sẽ được công khai trong thời gian sớm nhất là 12 tháng (đối với tỉnh) và 18 tháng (đối với toàn quốc). Như vậy, nếu đúng theo kế hoạch, từ năm 2020, báo cáo tài chính nhà nước sẽ được công khai đến người dân.

Khẳng định những lợi ích mà báo cáo tài chính nhà nước mang lại, bà Thủy nhấn mạnh, báo cáo tài chính nhà nước là một trong các công cụ phục vụ cho quá trình quản lý ngân sách nhà nước và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước, là công cụ phân tích, đánh giá hiện trạng và giúp quản lý toàn bộ các nguồn lực và nghĩa vụ của Nhà nước.

Do đó, việc công khai báo cáo tài chính nhà nước sẽ giúp cho các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, điều hành đánh giá được chính xác và toàn diện hơn thực trạng tài chính nhà nước trên phạm vi toàn quốc và từng địa phương. Từ đó, đề ra các phương hướng và giải pháp về kinh tế - tài chính hiệu quả hơn.

Đồng thời, việc công khai báo cáo tài chính nhà nước còn giúp người dân và doanh nghiệp có thể tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát hoạt động kinh tế - tài chính nhà nước, giám sát việc Nhà nước đảm bảo thực hiện các quyền lợi, chính sách cho người dân và doanh nghiệp qua tình hình sử dụng tiền thuế trong việc chi tiêu của Nhà nước, của chính quyền địa phương...

Bên cạnh đó, công khai báo cáo tài chính nhà nước còn đáp ứng được nhu cầu thông tin đầy đủ, trung thực về tình hình tài chính nhà nước đối với các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong quá trình đàm phán các chương trình tài trợ cho Việt Nam.

Theo Dự thảo Nghị định, cơ chế giám sát, kiểm tra báo cáo tài chính nhà nước sẽ được thực hiện theo hướng Bộ Tài chính tiến hành kiểm tra việc lập báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc và tại từng địa phương.

Đồng thời, kiểm tra việc cung cấp thông tin để lập báo cáo tài chính nhà nước. Qua đó, đảm bảo tính công khai, minh bạch của báo cáo tài chính nhà nước.