Công nghệ “bẩn” không chỉ tác hại đến kinh tế

PV

(Tài chính) Một trong 6 vấn đền lớn mà Hội nghị Trung ương 7 (khoá XI), nhóm họp từ ngày 2/5/2013, bàn đến đó là “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường”, chứng tỏ vấn đề này đang trở nên nghiêm trọng và là mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước hiện nay.

Ngăn chặn nguy cơ rác thải nhập từ Trung Quốc. Ảnh: Internet
Ngăn chặn nguy cơ rác thải nhập từ Trung Quốc. Ảnh: Internet

Một trong các tác nhân gây tác hại không chỉ về kinh tế mà còn đến môi trường đó là việc một số doanh nghiệp (DN) của ta đã và đang nhập công nghệ lạc hậu vào vận hành, đặc biệt là công nghệ “bẩn” từ Trung Quốc.

Thực trạng hoạt động, nhập khẩu thiết bị công nghệ

Nhập khẩu: Năm 2011, kim ngạch nhập khẩu nhóm mặt hàng thiết bị công nghệ đạt 15,34 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2010; Năm 2012: nhóm các mặt hàng này không những là ngành hàng có giá trị nhập khẩu cao mà tốc độ nhập khẩu cũng tăng mạnh so với năm 2011. Cụ thể, nhập khẩu máy móc, linh kiện phụ tùng trong năm 2012 đạt kim ngạch 16,03 tỷ USD, tăng 4,53% so với năm 2011, tăng 18,11% so với năm 2010. Đến quý I/2013, kim ngạch nhập khẩu nhóm mặt hàng này là: 9.737 triệu USD, chiếm hơn 33% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước… Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan thì có tới hơn 75% DN trong nước nhập máy móc thiết bị công nghệ xuất xứ từ Trung quốc. Nếu số tiền này không được sử dụng hiệu quả, mà dùng để nhập hàng hóa công nghệ yếu kém, lạc hậu (công nghệ “bẩn”) thì sẽ gây thiệt hại không kể xiết.

Chiếm số lượng lớn nhóm hàng nhập khẩu này là thiết bị trong ngành dệt may, da giày, các loại máy đóng gói, thiết bị điện, máy công cụ… Trong khi đó, báo cáo của Cục Cảnh sát Môi trường cho thấy, hàng năm có tới hàng triệu tấn hàng nhập khẩu vào Việt Nam, qua các cảng biển, cửa khẩu biên giới phía Bắc và Tây nam, trong số đó, khá nhiều các mặt hàng là máy móc thiết bị lạc hậu cũ hỏng hoặc có chứa chất nguy hại vượt nhiều lần tiêu chuẩn Việt Nam cho phép.

Một ví dụ điển hình cho thấy việc nhập máy móc công nghệ cũ đã không mang lại lợi ích nào: Đa số các nhà máy đường trong nước có quy mô vừa và nhỏ, nhập máy móc thiết bị và công nghệ lạc hậu (không có tài liệu thẩm định, đánh giá chất lượng), hệ quả là chất lượng sản phẩm thấp, giá thành đường cao, do vậy, không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước (nhu cầu tiêu dùng của nước ta trung bình là 1,3 triệu tấn đường/năm, trong khi tổng cung trong nước ước tính mới đạt khoảng 1 triệu tấn, phải nhập ngoại 300.000 tấn nữa).

Công nghệ “bẩn” không chỉ tác hại đến kinh tế - Ảnh 1
Kiểm tra rác nhập khẩu qua cảng Hải Phòng. Ảnh: internet

Các doanh nghiệp chết cùng công nghệ “bẩn”

Tử năm 2005 đến nay, nhất là từ năm 2008-2012, nhiều DN Việt Nam đã nhập dây truyền công nghệ lạc hậu, cũ kỹ của Trung Quốc, Hàn Quốc (như công nghệ sản xuất bao bì, linh kiện máy móc phụ trợ, dệt may, da giày, các loại máy đóng gói, thiết bị điện, máy công cụ, sản xuất hợp kim, in ấn…). Các nhà máy đó hiện nay, một là đang dở dang, nếu muốn tiếp tục thì phải đổ thêm vốn vào, trong hoàn cảnh vốn liếng khó khăn như hiện nay, việc đổ vốn vào đó càng khiến các nhà máy xí nghiệp thêm khó khăn; hơn nữa, do công nghệ cũ, yếu kém, năng suất thấp, chất lượng không đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, gây ô nhiễm môi trường… nên nếu hoạt động được thì hiệu quả cũng thấp, thậm chí càng hoạt động càng lỗ…

Đến nay, hậu quả đang càng rõ dần, đang ngày càng hiện hữu. Nhiều DN, máy móc đang “đắp chiếu” nằm “chết”, chôn một khoản vốn không nhỏ, vô cùng phí phạm. Việc tránh để không nhập phải rác công nghệ là một chuyện, việc xử lý các phế liệu này cũng rất khó khăn, chi phí để tiêu hủy rác thải là rất lớn, trong khi nước ta chưa có công nghệ tiêu hủy đảm bảo tiêu chuẩn. Một số DN đang tính có thể phải từ bỏ, chịu một khoản thua lỗ ban đầu còn hơn là dấn thân, lao đầu vào để nhận bế tắc hơn nữa.

Kẽ hở khiến các DN ôm công nghệ bẩn:

- Xuất phát từ chính sách nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu công nghệ: Khi DN nhập khẩu dây chuyền cũ thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ hoặc hợp tác, thì thuế suất chỉ bằng 0%, trong khi đó, nếu DN đặt hàng chi tiết ở nước ngoài thì phải đóng thuế từ 10 đến 15%. Vậy là, không ít đơn vị nhắm mắt đưa công nghệ cũ về để "tiết kiệm" 10-15% mà không tính tới hiệu quả kinh tế và tác động về lâu dài đến môi trường.

- Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, có tới 90% số hợp đồng chuyển giao công nghệ qua hình thức liên doanh với nước ngoài, nhưng trong đó có không ít hợp đồng có công nghệ trung bình, thậm chí là lạc hậu.

- Việc áp thuế xuất nhập khẩu 0% cho việc nhập khẩu các máy móc trong hoạt động chuyển giao công nghệ đã vô tình tạo sức ép cạnh tranh không lành mạnh cho các DN cơ khí trong nước đang phải chịu thuế xuất nhập khẩu các linh kiện lắp ráp từ 15% đến 20%. Các DN sẽ hạn chế sản xuất hoặc chuyển sang hình thức nhập khẩu hàng hóa chuyển gia công nghệ.

- Nếu các dự án không thuộc những lĩnh vực "nhạy cảm" như sản xuất thuốc men, thực phẩm, nghiên cứu thí nghiệm, hóa phẩm…  thì không bắt buộc thẩm định công nghệ. Do vậy, một số hoạt động kinh doanh đã núp dưới bóng là hoạt động chuyển giao công nghệ sản xuất hàng hóa tiêu dùng thông thường để không phải qua khâu kiểm duyệt. Đây là kẽ hở để công nghệ bẩn xâm nhập dễ dàng.

- Một nguyên nhân có thể thấy ngay, đó là do giá mua máy móc công nghệ cũ quá rẻ (có loại chỉ bằng 1/3 giá hàng nếu nhập mới từ Nhật bản), trong khi trình độ KHCN của nước ta còn thấp, trình độ của nhân viên thẩm định còn kém, dễ bị đối tác nước ngoài "qua mặt".

- Khâu kiểm tra của Nhà nước cũng bị qua mặt: Qua một số vụ điển hình mà lực lượng Cảnh sát Môi trường đã điều tra, xử lý cho thấy, thủ đoạn các DN hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu hàng hoá thường làm là "khai báo hàng hóa một đằng, nhập hàng một nẻo", hoặc khai phế liệu nhập khẩu nằm trong danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất, nhưng trên thực tế toàn là rác thải có chứa tạp chất, chất thải nguy hại, gây ô nhiễm trầm trọng (chẳng hạn, ghi trên tờ khai là nhập quặng chì, nhưng thực chất là nhập ắc qui chì phế thải, sợi hóa học... thu gom từ các bãi rác).

Biện pháp ngăn chặn công nghệ bẩn:

Nhập công nghệ bẩn về chỉ một số kẻ thu lợi, còn nền kinh tế bị thiệt hại vô vàn. Làm sao để không lặp lại bài học cũ từ năm 2004, bài học phải khai tử 50 dây chuyền sản xuất xi măng lò đứng của Trung Quốc vì công nghệ lạc hậu, lãng phí năng lượng, không có hiệu quả kinh tế và quan trọng hơn là gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, đến thế hệ con cháu chúng ta cũng còn phải gánh chịu. Để ngăn chặn hành vi nhập khẩu rác công nghệ do thiếu hiểu biết hoặc vì lý do vụ lợi, các cơ quan chức năng đã đưa ra một loạt biện pháp như sau:

- Chính phủ phải ra văn bản cấm nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ lạc hậu. Bộ Tài chính và Bộ Khoa học Công nghệ xây dựng “hàng rào” để ngăn chặn việc DN nhập khẩu máy móc, công nghệ lạc hậu, đó là: đưa máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ nhập khẩu vào Danh mục hàng hóa nhóm 2, phải kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu; ban hành tiêu chuẩn quy định máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất đủ điều kiện nhập khẩu (ví dụ: máy mới không quá 5 năm kể từ ngày sản xuất đến ngày nhập khẩu; máy đã qua sử dụng không quá 3 năm kể từ ngày sản xuất đến ngày nhập khẩu, máy móc có mức tiêu hao nhiên liệu không vượt quá 5% so với thiết kế tương tự, tiêu chí về độ ồn, khí thải v.v…).

- Đưa nội dung quản lý nhập khẩu máy móc thiết bị vào văn bản hướng dẫn Luật Thương mại; đồng thời, có quy định chi tiết về phần công nghệ của máy móc, thiết bị nhập khẩu để triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam, như: kỹ thuật ở mức độ nào, vốn bao nhiêu, hoạt động trong lĩnh vực gì… để tiến hành thủ tục thẩm định. Quy định chi tiết sẽ giúp đơn vị có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư có cơ sở chặn luồng rác công nghệ.

- Nâng chế tài xử phạt đối với hành vi cố tình nhập công nghệ cũ. Nâng mức thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị thuộc lĩnh vực chuyển giao công nghệ (không phải là 0% như hiện nay) và giảm thuế xuất nhập linh kiện để sản xuất hàng hóa trong nước nhằm khuyến khích DN sản xuất, kinh doanh.

-  Thông tin đầy đủ, kịp thời tới các DN: Để cạnh tranh và tồn tại được trên thị trường, các DN Việt Nam hiện có nhu cầu rất lớn trong việc nhập khẩu thiết bị công nghệ, nếu không có thông tin đầy đủ rất có khả năng nhập phải công nghệ rác. Do vậy, các DN phải theo dõi sát sao danh sách các DN nước ngoài đã bị loại bỏ công nghệ, máy móc do lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường (Vụ Thẩm định công nghệ trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ là địa chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực này).

- Hiện Việt Nam đã có hành lang pháp lý tổng thể tương đối đầy đủ như Luật sở hữu trí tuệ, Luật chuyển giao công nghệ, Luật công nghệ cao... Theo đó, một dự án đầu tư trước khi được cấp phép bắt buộc phải thông qua khâu thẩm định công nghệ do Sở KH-CN chủ trì, đồng thời, đối với những dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao thì sẽ thông qua một Hội đồng khoa học để xác định có phải công nghệ cao hay không.

- Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các DN trong hoạt động này như ưu đãi thuế, mở ra các cơ hội tiếp cận vốn, hình thành các trung tâm nghiên cứu, lựa chọn, phát triển và chuyển giao công nghệ phù hợp với DN, cập nhật và phổ biến thông tin công nghệ, thiết lập các hoạt động dịch vụ khoa học-công nghệ theo nguyên tắc thị trường.

Cương quyết chặn đứng việc nhập khẩu rác thải công nghiệp là ngăn chặn nguy cơ đẩy lùi nền công nghiệp Việt Nam về những năm 60-70 của thế kỷ trước, ngăn chặn hiểm họa ô nhiễm môi trường, gây tác hại không chỉ trước mắt mà lâu dài, tốn kém kinh phí để xử lý.