Công nghiệp chuyển hướng, địa phương chuyển mình
Chủ trương chuyển hướng phát triển công nghiệp về phía bắc của tỉnh Bình Dương đã và đang phát huy hiệu quả. Nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN) diện tích hàng ngàn ha đang được quy hoạch và xây dựng tại huyện Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng... góp phần tạo bộ mặt đô thị khác biệt cho các địa phương phía bắc của tỉnh.
Nhiều dư địa phát triển
Trong những năm gần đây, khi quỹ đất công nghiệp tại các khu vực Dĩ An, Thuận An đã gần cạn kiệt, Bình Dương đã chuyển hướng quy hoạch các KCN lớn tại các khu vực còn nhiều diện tích trống ở phía bắc như TX.Bến Cát, huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên... Chủ trương chuyển hướng phát triển công nghiệp về phía bắc với các KCN làm đòn bẩy của tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả, giúp các địa phương này phát triển rất nhanh. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục mở rộng không gian phát triển, dịch chuyển hành lang công nghiệp lên các địa phương còn nhiều dư địa như huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo…
Thực tế cho thấy việc hình thành các KCN Bàu Bàng, Bàu Bàng mở rộng, Việt Hương 2, Tân Bình hay các CCN như Tân Mỹ, Tam Lập, Thanh Tuyền… ở những địa phương phía bắc của Tỉnh đã tạo quỹ đất sạch rộng lớn với hạ tầng bài bản, đồng bộ đã thu hút nhiều nhà đầu tư đến làm ăn.
Đơn cử như huyện Phú Giáo, với định hướng phát triển các KCN, CCN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương đã quy hoạch bổ sung 5 KCN với tổng diện tích hơn 4.237 ha, gồm: Vĩnh Lập 1, Vĩnh Lập 2, Tam Lập, An Linh, An Bình. Đặc biệt, dự án KCN 6.300 ha liền kề Phú Giáo đang được xây dựng, hứa hẹn sẽ biến khu vực này thành đô thịcông nghiệp công nghệ cao kiểu mẫu. Ngoài ra, trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021- 2030, huyện cũng phát triển 8 CCN với tổng diện tích 467,8 ha. Định hướng phát triển các KCN, CCN trên địa bàn huyện đều tập trung trên trục đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng; Phú Giáo - Đồng Phú vừa góp phần giải quyết việc làm, vừa nâng cao mức sống của người dân.
Tương tự tại huyện Dầu Tiếng, trong giai đoạn 2021- 2030, toàn huyện dự kiến sẽ quy hoạch thêm 12 CCN được phân bố rộng khắp trên địa bàn các xã: An Lập (2), Định Hiệp (3), Long Tân (1), Thanh An (4), Định An (1) và Minh Hòa (1). Ngoài CCN Thanh An với tổng diện tích 47,56 ha đang hoạt động có hiệu quả, thời gian tới Dầu Tiếng sẽ quy hoạch tăng thêm 864 ha đất cao su làm CCN.
Trao đổi tại hội nghị tiếp xúc giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp (DN) chịu tác động bởi đề án chuyển đổi công năng, di dời vào các KCN, CCN mới đây, ông Mai Bá Trước, Bí thư Huyện ủy Dầu Tiếng, chia sẻ huyện đang kỳ vọng sẽ được tỉnh thông qua chủ trương quy hoạch thành lập mới 8 KCN với tổng diện tích 7.057 ha.
Huyện Dầu Tiếng đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, góp phần giảm tải cho các KCN, CCN phía Nam của tỉnh đang có dấu hiệu quá tải. Huyện cũng đang tiếp tục đẩy mạnh giải phóng mặt bằng để sớm đưa vào thi công các tuyến đường kết nối với Bến Cát, Bàu Bàng, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh. Những tuyến đường này sau khi hoàn thiện, sẽ là cầu nối quan trọng thu hút các nhà đầu tư đến với Dầu Tiếng.
Tăng sức hút đầu tư
Gắn với định hướng của tỉnh, huyện Bàu Bàng đã và đang tạo được sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư. Ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, cho biết ngoài KCN Bàu Bàng, Bàu Bàng mở rộng, huyện còn có Tân Bình, Lai Hưng và Cây Trường cũng đang được đầu tư hạ tầng, sẵn sàng đón các DN đến mở nhà máy. Cùng với đó là dự án KCN khoa học - công nghệ đang mở ra cơ hội phát triển rất lớn cho địa phương. Huyện Bàu Bàng đang triển khai nhiều giải pháp để huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển để nhanh chóng cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối đến các KCN của huyện.
Theo thạc sĩ, kiến trúc sư Lê Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm Kiến trúc Quy hoạch Hà Nội, chỉ trong vài năm tới đây, bộ mặt đô thị - công nghiệp - dịch vụ của huyện Bàu Bàng, Phú Giáo hay Dầu Tiếng sẽ thay đổi mạnh mẽ. Về lâu dài, khu vực này hứa hẹn sẽ có KCN, CCN tiên phong, là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.
Ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, cho biết để tạo đà cho sự bứt phá cho cửa ngõ kinh tế khu vực phía Bắc, thời gian qua, Tỉnh đã tích cực phối hợp với các tỉnh, thành phố giáp ranh xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng. Bên cạnh hai trục kinh tế động lực quốc lộ 13, đường Mỹ Phước - Tân Vạn và các tuyến giao thông kết nối liên vùng như quốc lộ 14, Vành đai 4, Bình Dương đang xúc tiến đầu tư thêm nhiều công trình trọng điểm ở khu vực phía bắc tạo thành trục động lực phát triển kinh tế thứ ba của Bình Dương, kéo dài xuyên suốt từ Bình Phước xuống TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và sang Campuchia và tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn đón đầu sân bay quốc tế Long Thành. Tất cả chính là bước chuẩn bị chu đáo trong việc mời chào các nhà đầu tư về các KCN phía Bắc của Tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương: Việc hình thành các KCN, CCN ở phía bắc đã giúp tỉnh thu hút mạnh vốn đầu tư phát triển công nghiệp theo kế hoạch, quy hoạch và bảo đảm hài hòa giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Tiếp tục thực hiện lộ trình chuyển đổi công năng các KCN, CCN phía nam theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, sử dụng ít lao động, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, dịch vụ. Khuyến khích phát triển công nghiệp phía bắc gắn với xây dựng nông thôn mới, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, gắn với phát triển các vùng nguyên liệu.