Với TPP, công nghiệp phụ trợ cần đúng cách
Trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, cơ hội Hiệp định TPP (sẽ ký kết ngày 4/2 tại New Zealand) chỉ đến với các doanh nghiệp nội địa biết làm đúng cách. Doanh nghiệp không thể bán cái mình có mà phải bán cái người ta cần, trên cơ sở kết nối hiệu quả cung cầu với các doanh nghiệp FDI.
Theo nhận định, Việt Nam sẽ có được các cơ hội mới từ chuỗi cung ứng mới hình thành sau khi TPP có hiệu lực. Các quốc gia TPP chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, bao gồm các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản.
Điều đó chắc chắn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành, nhất là công nghiệp phụ trợ – một ngành không thể thiếu trong công nghiệp chế biến hiện đại, mang tính chuyên môn hoá cao và có vai trò to lớn trong quá trình phát triển kinh tế.
Cơ hội trong tầm tay?
Nói như PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế Quốc dân), những khuôn khổ trong TPP có thể được phát triển sâu hơn với các đối tác trong TPP theo hướng thu hút nguồn đầu tư thông qua các điều kiện ràng buộc trong TPP. Trước mắt, coi trọng công nghiệp phụ trợ các ngành có nhu cầu lớn như ngành dệt may, điện, điện tử, tin học, cơ khí phục vụ nông nghiệp.
Tuy nhiên, một bài toán nan giải lâu nay là các doanh nghiệp phụ trợ nội địa đang rất chật vật để tham gia chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nói chung và các DN trong TPP nói riêng.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa là không có cơ hội cho DN nội nếu biết cách để đáp ứng nhu cầu của các DN FDI. Như trường hợp của Công ty Cát Thái (thuộc Tập đoàn Phương Anh – PATC Group, 100% vốn trong nước).
DN này hiện sản xuất những sản phẩm phụ trợ chất lượng cao cũng như là đối tác của nhiều tập đoàn đa quốc gia trên thế giới, phần lớn đến từ Nhật Bản như Sumitomo, Nissei, Matsui, Mitsumi, Mori Seiki…
Thực tế, trước đây Cát Thái chỉ là một DN nhỏ sản xuất ống kem đánh răng, nhưng nay đã trở thành nhà cung cấp phần lớn các linh kiện nhựa trong máy in chuyên nghiệp của Tập đoàn Konica Minolta (là khách hàng lớn nhất), máy giặt và tủ lạnh Sanyo, tai nghe của Foster, mascara của Shiseido, thiết bị điện cho Shneider Electric…
Mới đây, ông Lê Tuấn Anh, Tổng giám đốc công ty Cát Thái, đã chia sẻ kinh nghiệm với các DN nội tại Tp.HCM về thành quả này. Đó là cần đầu tư bài bản vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ từ máy móc, công nghệ đến quản lý sản xuất.
Theo ông Lê Tuấn Anh, các DN cần tự hoàn thiện, nâng cao năng lực sản xuất của chính mình trước khi đàm phán, ký kết với đối tác và luôn hỗ trợ xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững. Điều này đã giúp Cát Thái cung ứng được sản phẩm công nghiệp phụ trợ vào chuỗi sản xuất toàn cầu của các DN FDI, từ sản phẩm giản đơn đầu tiên với số lượng nhỏ lẻ đã có thể đáp ứng sản phẩm phức tạp, đòi hỏi yêu cầu cao với số lượng lớn như hôm nay.
Riêng trong lĩnh vực dệt may, khi TPP và một loạt FTA có hiệu lực, dự báo giá trị nguyên phụ liệu cần có là 21 tỷ USD. Khi đó, phát triển công nghiệp phụ trợ phù hợp yêu cầu xuất xứ theo cam kết là tiền đề quan trọng để các doanh nghiệp may mặc Tp.HCM khai thác cơ hội theo điều kiện xuất xứ.
Ngoài ra, việc đầu tư công nghiệp hỗ trợ cũng sẽ giúp cho các DN nội địa rút ngắn thời gian sản xuất (Leadtime), chủ động kiểm soát chất lượng, kế hoạch giao hàng và thủ tục hải quan, cân bằng lợi thế cạnh tranh với DN FDI đầu tư khép kín.
Nói cách khác, theo giới chuyên gia, đầu tư công nghiệp hỗ trợ trong ngành dệt may chính là “bán cái ngành may cần, không bán cái họ có” trên cơ sở kết nối cung cầu.
Kết nối cung cầu với DN FDI
Nói về chiến lược công nghệ phụ trợ trước hội nhập như hiện nay, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương Tp.HCM, nhấn mạnh cần xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư công nghiệp hỗ trợ.
Theo đó, cần tổng hợp nhu cầu của các doanh nghiệp, tập đoàn FDI tại các khu công nghiệp và khu công nghệ cao (như Samsung, Intel, Data logic, Nidec, Jabil…). Ngoài ra, cần lập hồ sơ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để giới thiệu cho các doanh nghiệp FDI có nhu cầu.
Cũng theo ông Phạm Thành Kiên, cần xúc tiến chuyển giao công nghệ, liên doanh với nhà cung ứng của Samsung, hỗ trợ đào tạo kỹ năng, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng ISO… cho các DN công nghiệp hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu của đối tác nước ngoài.
Tuy vậy, theo giới chuyên gia, một vấn đề còn tồn tại hiện nay trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ là Chính phủ cần sửa đổi quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ tại các DN nội để tái cấu trúc.
Hiện nay, chính sách khuyến khích DN trích lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ tại DN chưa hấp dẫn, cơ chế sử dụng quỹ này còn rườm rà. Thị trường khoa học công nghệ chưa phát triển, chưa trở thành động lực thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu.
Điều đó đòi hỏi cần cải tiến mạnh mẽ hơn nữa về cơ chế chính sách trong lĩnh vực này nhằm thúc nhanh quá trình cải tiến công nghiệp phụ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN nội trong lĩnh vực này.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng các DN nội cần nỗ lực xây dựng mối quan hệ hợp tác với đối tác FDI, sẽ giúp DN cung ứng được sản phẩm công nghiệp hỗ trợ vào chuỗi sản xuất toàn cầu của DN FDI.