Công tác điều hành, quản lý giá ngành Tài chính: Thêm những điểm sáng
Trải qua 50 năm hình thành và phát triển (1965 - 2015), dù đứng độc lập hay hòa nhập vào “ngôi nhà chung” ngành Tài chính, công tác quản lý giá luôn khẳng định vai trò tích cực và vị thế quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế và thực hiện các nhiệm vụ chính trị xã hội mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ đề ra qua từng thời kỳ, đặc biệt, trong điều kiện thực hiện hoạt động quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.
Điều hành, quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước
Những năm gần đây, công tác chỉ đạo, điều hành giá diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có những thuận lợi và khó khăn đan xen. Kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo, lạm phát toàn cầu ở mức thấp... Trong bối cảnh đó, thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước, hoạt động quản lý, điều hành, bình ổn giá đã góp phần vào những thành tựu kinh tế - xã hội của đất nước. Giá các hàng hóa dịch vụ thiết yếu được điều hành hài hòa, có lộ trình, không tạo ra các “cú sốc” đối với kinh tế - xã hội. Công tác quản lý, bình ổn giá được triển khai quyết liệt; đảm bảo cân đối cung – cầu.
Đặc biệt, Luật Giá được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013) đã đánh dấu một bước cơ bản hoàn thiện thể chế quản lý giá. Được kế thừa và phát triển từ Pháp lệnh Giá năm 2002, Luật Giá tạo ra khuôn khổ pháp lý thuận lợi để quản lý giá theo cơ chế giá thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước và phù hợp với các cam kết quốc tế. Các nghị định quy định chi tiết Luật Giá và các thông tư hướng dẫn thi hành nghị định được xây dựng và ban hành đúng tiến độ, tạo sự đồng bộ và kịp thời đưa Luật Giá vào cuộc sống.
Cùng với quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hoàn thiện môi trường pháp lý quản lý nhà nước về giá, đến nay, theo Luật Giá, Nhà nước đã giảm mạnh việc quy định giá trực tiếp và chỉ còn quy định giá một số ít hàng hóa dịch vụ độc quyền, tài nguyên quan trọng; hàng dự trữ quốc gia, sản phẩm dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. Đối với đại bộ phận hàng hóa dịch vụ trong nền kinh tế, Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá theo pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh. Nhà nước quản lý giá, điều hành sự vận động của giá cả thị trường và bình ổn giá chủ yếu bằng các phương thức gián tiếp thông qua việc xây dựng môi trường pháp lý, điều hòa cung cầu; điều hành đồng bộ chính sách tài chính, tiền tệ, chính sách thương mại, tổ chức kiểm soát thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại dưới mọi hình thức, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra.
Cơ chế quản lý giá như trên đã góp phần làm cho thị trường hoạt động công khai minh bạch hơn, giảm thiểu hoạt động của thị trường ngầm, làm cho hệ thống tín hiệu về giá trên thị trường mang tính khách quan hơn thông qua việc mở rộng cơ chế thẩm định giá, đấu thầu, đấu giá đối với hàng hóa dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; các hàng hóa dịch vụ sản xuất theo đặt hàng của Nhà nước; các công trình xây dựng cơ bản; đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Cơ chế đó, về cơ bản đã tạo ra môi trường cạnh tranh về giá theo pháp luật, có động lực kích thích sản xuất phát triển, góp phần chống thất thu và tăng thu cho ngân sách nhà nước, phát huy và phân bổ có hiệu quả nguồn lực của đất nước.
Hệ thống giá điện, than, xăng dầu, dịch vụ công từng bước được điều hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và cho đến nay, giá than, xăng dầu về cơ bản đã được điều hành phù hợp với tín hiệu của thị trường; giá điện và giá một số dịch vụ công (y tế, giáo dục...) đang tiếp tục được điều hành theo lộ trình thị trường đã đề ra.
Xuất phát từ yêu cầu đổi mới công tác quản lý giá phù hợp với nguyên tắc của thị trường, cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, nghề thẩm định giá tài sản đã hình thành, phát triển và bước đầu đáp ứng nhu cầu xác định giá trị tài sản trên nhiều lĩnh vực trong bối cảnh nền kinh tế bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trải qua gần hai thập kỷ phát triển, nghề thẩm định giá đã đạt được một số thành quả đáng khích lệ: hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thẩm định giá, phát triển đội ngũ thẩm định viên, hình thành và quản lý hệ thống các doanh nghiệp thẩm định giá, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này… tạo tiền đề để nghề thẩm định giá của Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Quản lý, điều hành giá góp phần kiềm chế lạm phát
Cùng với việc hoàn thiện môi trường pháp lý quản lý nhà nước về giá, công tác quản lý, bình ổn giá nhất là trong những thời điểm thị trường có nhiều biến động về giá (như dịp Tết Nguyên đán, vào các mùa lễ hội…) đã được Chính phủ chú trọng tăng cường, chỉ đạo; với vai trò là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, căn cứ Pháp lệnh Giá và Luật Giá, các địa phương đã chủ động triển khai Chương trình bình ổn thị trường đối với một số mặt hàng thiết yếu tại địa phương. Chương trình đã được mở rộng qua từng năm và ngày càng thu hút được các tổ chức, cá nhân tham gia theo hướng xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước; đồng thời, đã phát huy tác dụng tốt trong việc cân đối cung cầu, liên kết sản xuất giữa các địa phương, tập trung vào hàng hóa đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân…
Các bộ, ngành, địa phương được giao trách nhiệm nhiều hơn và tham gia tích cực hơn trong việc quản lý nhà nước về giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực phụ trách. Những giải pháp tổng thể đó là yếu tố quan trọng giúp chỉ số giá tiêu dùng cả nước tăng thấp trong những năm gần đây, góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật về giá đã được tăng cường triển khai thường xuyên, hàng năm và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương; qua đó đã phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý thị trường, pháp luật về quản lý giá và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần ổn định thị trường giá cả.
Theo đó đã thực hiện kiểm soát chặt chẽ mức giá hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá; hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng hóa, dịch vụ còn được trợ cước, trợ giá…; thực hiện kiểm tra công tác bình ổn giá và kiểm tra giám sát việc đăng ký giá, kê khai, niêm yết giá theo quy định của pháp luật, nhất là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như: sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, than bán cho sản xuất điện, cước vận tải, thép xây dựng, xi măng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc chữa bệnh...
Nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Trải qua 50 năm không ngừng đổi mới và phát triển, dù có những bước thăng trầm thay đổi về cơ chế quản lý và cơ cấu tổ chức nhưng dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của các cấp lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, UBND các địa phương cùng với sự cố gắng nỗ lực của các thế hệ cán bộ làm công tác giá, công tác quản lý giá đã khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội mà Đảng và Nhà nước đã giao và tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Cơ chế quản lý giá đã tiếp tục được hoàn thiện hơn theo cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Hệ thống giá cũng tiếp tục được hoàn thiện để trở thành hệ thống tín hiệu khách quan giúp các doanh nghiệp tính toán, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất, ngăn ngừa rủi ro, nâng cao sức cạnh tranh và đứng vững trên thị trường.
Với những thành tích đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đội ngũ những người làm công tác quản lý Giá đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 1995); Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2012); Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2015); Cờ thi đua của Chính phủ (năm 2005, 2010); Cờ thi đua của Bộ Tài chính (năm 2006, 2008, 2013); Cờ thi đua của Ban chấp hành Đảng bộ khối các cơ quan Trung ương (năm 2009 -2013); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2010); Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính (năm 2009, 2013, 2014)...
Tiếp nối những thành quả đã đạt được, tin tưởng cán bộ, công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực giá sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, hoàn thành tốt nhiệm vụ để viết tiếp thành tích vào trang sử truyền thống của Ngành; tiếp tục tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá; kiên định quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã đề ra.