CPI tăng thấp nhất trong 13 năm qua: Đã có lời giải

Văn Trường

(Tài chính) Tổng cầu giảm, sức mua yếu và người dân hạn chế chi tiêu do đề phòng những bất ổn, rủi ro có thể xảy ra… là những nguyên nhân chính dẫn tới Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân trong 6 tháng đầu năm 2014 tăng 4,77% so với 6 tháng đầu năm 2013 và là mức tăng thấp nhất ở Việt Nam trong 13 năm gần đây (2002 - 2014).

CPI tăng thấp nhất trong 13 năm qua: Kết quả và thách thức. Ảnh: Văn Trường
CPI tăng thấp nhất trong 13 năm qua: Kết quả và thách thức. Ảnh: Văn Trường

Thông tin trên được các chuyên gia kinh tế đưa ra tại Hội thảo khoa học “Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2014”, do Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức sáng 30/6/2014.

Thành tích ấn tượng!

Báo cáo về một số vấn đề về tăng trưởng và lạm phát của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2014, bà Ngô Thị Ánh Dương, Vụ Thống kê Giá của Tổng cục Thống kê cho biết, CPI tháng 6/2014 chỉ tăng 0,3% so với tháng trước và sau nửa năm, CPI đi khá chậm chỉ tăng được 1,38%, bằng 1/5 mục tiêu lạm phát cả năm và thấp nhất trong 13 năm trở lại đây.

“Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, GDP trong 6 tháng đầu năm 2014 ước tính tăng 5,18% và khả năng cả năm đạt kế hoạch GDP tăng 5,8% là rất khó khăn (dự kiến GDP cả năm 2014 chỉ đạt 5,6%)”, bà Dương nhận định.

Cũng theo bà Dương, chỉ số giá 6 tháng đầu năm 2014 so với cùng kỳ của Chỉ số giá sản xuất (PPI) nông nghiệp tăng 4,53%, PPI công nghiệp tăng 4,13%, PPI vận tải tăng 2,99%, PPI dịch vụ tăng 1,85%... Đây là thành tích ấn tượng, nỗ lực đáng kể của Chính phủ Việt Nam trong bối cảnh tình hình căng thẳng ở Biển Đông chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, kinh tế Việt Nam vừa có dấu hiệu phục hồi.

Tuy nhiên, qua một vài số liệu gần đây về CPI của Việt Nam và các nước khác ở châu Á cho thấy, tình hình lạm phát của Việt Nam vẫn cần xem xét thận trọng.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong 6 tháng đầu năm nay, mặc dù sản xuất đã có dấu hiệu phục hồi, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều, nhưng thu nhập của người lao động chưa cải thiện nhiều, phần lớn người dân vẫn còn thắt chặt chi tiêu do lo lắng, kinh tế vẫn chưa thực sự phát triển vững chắc, nguy cơ lạm phát vẫn có thể xảy ra.

Dẫn chứng cụ thể hơn, TS. Nguyễn Ngọc Tuyến – Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính đã chỉ ra những khó khăn, bất cập trong nền kinh tế chưa được giải quyết vẫn gây áp lực lớn cho sản xuất kinh doanh. Đó là, sức mua trên thị trường chưa được cải thiện nhiều (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 10,7%); Hàng tồn kho vẫn ở mức cao; việc xử lý nợ xấu vẫn còn diễn ra với tốc độ chậm; Tăng trưởng tín dụng thấp…

“Nóng” việc “mổ xẻ” CPI tăng thấp

 Nêu ra những nguyên nhân dẫn đến CPI tăng thấp nhất trong 13 năm qua, các chuyên gia kinh tế tham dự hội nghị đã “mổ xẻ”, phân tích, đánh giá và làm rõ những tác động dẫn đến CPI tăng thấp trong 6 tháng đầu năm 2014.

Ông Phạm Minh Thụy, Viện Kinh tế - Tài chính đã chỉ ra 3 nhóm nguyên nhân chính: (1) Do xác định chống lạm phát là mục tiêu hàng đầu nên Chính phủ đã thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp nhằm ổn định tình hình kinh tế - xã hội, bình ổn giá cả thị trường;

Tổng cầu giảm, vì sức mua yếu và người dân hạn chế chi tiêu do đề phòng  những bất ổn, rủi ro có thể xảy ra. Tổng cầu giảm thể hiện rất rõ qua những số liệu thống kê sau: Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2014 ước đạt 1.439 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2013; chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thời điểm 1/6/2014 so với cùng kỳ 2013 tăng 12,8%...;

(2) Diễn biến giá thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước của Việt Nam phụ thuộc rất mạnh vào diễn biến giá nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới;

 (3) Do thiên tai và dịch bệnh trong nước như: Rét đậm, rét hại, mưa đá, hạn hán ở nhiều địa phương… là nguyên nhân làm nguồn cung trên thị trường biến động và giá cả hàng hóa sẽ biến động theo.

Đồng tình với quan điểm trên, đại diện Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho rằng, sở dĩ CPI tăng thấp trong 6 tháng qua là do tổng cầu giảm, đầu tư của doanh nghiệp và người dân thấp và chi tiêu của Chính phủ thắt chặt.

Nhìn nhận ở khía cạnh khác, theo chuyên gia kinh tế, PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên nhân của CPI tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2014 tăng thấp là do các cấp, các ngành trong cả nước đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp trong các Nghị quyết số 01 và 02/2014/NQ-CP. Qua đó, kinh tế vĩ mô đã đạt được những kết quả tích cực đúng hướng, làm cho CPI ổn định và tăng thấp;

Bên cạnh đó, GDP 6 tháng đầu năm 2014 ước tính tăng 5,18% so với cùng kỳ năm 2013…; Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng khá cao, nhập khẩu máy móc thiết bị và vật tư phục vụ cho sản xuất cải thiện đáng kể; Tăng cường quản lý giá cả thị trường, đảm bảo cung - cầu hàng hóa, chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái… và nguồn cung lương thực dồi dào.

Lo ngại về tình hình CPI tăng thấp, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, thay vì nguy cơ lạm phát cao quay trở lại thì nguy cơ thiểu phát đang hiển hiện, do đó phải nhanh chóng sử dụng các biện pháp kích cầu.

TS. Vũ Đình Ánh cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi như: có kích cầu hay không và nếu có thì kích cầu như thế nào, kích cầu đầu tư hay kích cầu tiêu dùng, hay kích cầu cả hai? Kích cầu tiêu dùng trong nước hay kích cầu xuất khẩu?

Nếu kích cầu thì chính sách giá đóng vai trò gì, cả chính sách giá nguyên nhiên vật liệu thiết yếu, giá hàng hóa, và dịch vụ tiêu dùng trong nước lẫn giá xuất khẩu và giá nhập khẩu? Hàng loạt câu hỏi này chưa có lời giải đó lại chính là những yếu tố quan trọng tác động đến diễn biến CPI nửa cuối năm 2014, đặc biệt là trong bối cảnh rất có thể năm 2014 sẽ không xảy ra lạm phát.

Còn giải thích về diễn biến thị trường giá cả trong nửa đầu năm 2014, ông Vũ Đình Ánh cho rằng, giá cả ổn định liên tục trong nửa đầu năm 2014 có sự đóng góp không nhỏ của việc rút kinh nghiệm trong điều hành giá xăng dầu. Đồng thời, sự ổn định của lạm phát và thị trường giá cả nửa đầu năm 2014 vẫn là kết quả và chịu sự chi phối rất lớn của tổng cầu, cả tổng cầu tiêu dùng và tổng cầu đầu tư, cả tổng cầu trong nước và xuất khẩu.

Dự báo giá cả nửa cuối năm 2014

Đưa ra dự báo về diễn biến thị trường giá cả 6 tháng cuối năm 2014, ông Phạm Minh Thụy nhận định, diễn biến giá cả ở Việt Nam từ nay tới cuối năm 2014 phụ thuộc rất mạnh vào quan điểm và các quyết sách thực hiện lộ trình điều chỉnh giá một số mặt hàng của Nhà nước.

Giá cả tăng khá thấp trong 6 tháng đầu năm 2014 so với cùng kỳ nhiều năm trước cho thấy, đây là cơ hội tốt để Chính phủ thực hiện điều chỉnh giảm các mặt hàng này theo cơ chế thị trường mà vẫn đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát đã đề ra.

Theo ông Thụy, tình hình kinh tế thế giới những tháng cuối năm 2014 tiếp tục có diễn biến khá phức tạp, đặc biệt là những vấn đề về: bất ổn chính trị, tranh chấp lãnh hải… rất khó dự báo trước ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Thêm vào đó, tình hình tranh chấp Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc có nguy cơ căng thẳng hơn sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung nguyên vật liệu và làm cho việc tiêu thụ nông sản (gạo, rau, hoa quả, thủy sản…) của người dân Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn.

Dự báo về diễn biến giá cả 6 tháng cuối năm 2014, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị TP. Hà Nội cho rằng, nếu không có gì đột biến về giá dầu, giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất mà chúng ta đang bị phụ thuộc… thì CPI 6 tháng cuối năm và cả năm 2014 sẽ tương đối thấp, cụ thể dự kiến sẽ đạt ở mức từ 5,2 – 5,4% và thấp hơn CPI của năm 2013 (6,04%), đạt mức quốc hội đề ra cho cả năm nay.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế - Tài chính đã đưa ra 3 kịch bản lạm phát cho nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2014 - 2016. Theo đó, tốc độ tăng đầu tư thực 2% (thấp) lần lượt ước đạt 4,84% trong năm 2014, 2,01% trong năm 2015 và 0,22% trong năm 2016; Tốc độ tăng đầu tư thực 4% (trung bình) lần lượt ước đạt 4,84% năm 2014, 3,94% năm 2015 và 3,23% năm 2016…

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, tốc độ lạm phát trong năm 2014 của Việt Nam nhiều khả năng sẽ ở mức từ 3 - 4%; tốc độ lạm phát trong các năm 2015 và 2016 cũng sẽ dao động trong khoảng 3-4%. Tuy nhiên, mức 2% cũng chưa thể bị loại trừ.

Còn theo dự báo của đại diện Cục Quản lý Giá, thì CPI trong năm 2014 có thể tăng từ 4,5 - 5,5%./.