CPI tháng 4 tăng 0,18% so với tháng trước
Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2022 tăng 0,18% so với tháng trước và tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Thống kê cho thấy, so với tháng 3/2022, CPI tháng 4 tăng 0,18%, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 8 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước và 3 nhóm hàng giảm giá.
Cụ thể, trong tháng 4, chỉ số giá của nhóm văn hoá, giải trí, du lịch có độ bật mạnh nhất với 1,16% do nhu cầu của người dân tăng trở lại; Nhóm giáo dục đứng thứ hai với mức tăng 0,96%, trong đó, nổi bật là dịch vụ giáo dục vì một số địa phương đã điều chỉnh lại học phí sau một thời gian miễn, giảm trước tác động của COVID-19; đứng thứ ba là nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng với mức tăng 0,58% do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở thêm 2,02%.
Trong khi đó, giá thuê nhà, giá gas, dầu hoả cũng tăng lần lượt 0,47%, 2,63% và 7,25%. Nhóm thiết bị và đồ gia đình cũng có xu hướng tăng giá ở các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao vào mùa hè như máy điều hoà, quạt điện, tủ lạnh với mức tăng 0,32%...
Trong 3 nhóm hàng hoá, dịch vụ có chỉ số giá giảm, nhóm giao thông có mức đi xuống mạnh nhất là 0,59% nhờ vào các đợt điều chỉnh giá xăng dầu; kế đó là nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,12%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,05%.
Bình quân 4 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2021; lạm phát cơ bản tăng 0,97%. CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2022 tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này được cho là do 4 tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu được điều chỉnh 10 đợt, khiến bình quân giá xăng dầu trong nước tăng 48,84% so với cùng kỳ 2021.
Bên cạnh đó, giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, giá gas 4 tháng đầu năm tăng 24,6% so với cùng kỳ 2021; Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 4 tháng đầu năm tăng 8,51% so với cùng kỳ 2021 do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào; Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao làm cho giá gạo 4 tháng đầu năm 2022 tăng 0,98% so với cùng kỳ 2021, góp phần làm CPI chung tăng 0,02 %...
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, lạm phát cơ bản tháng 4/2022 tăng 0,44% so với tháng 3/2022, tăng 1,47% so với cùng kỳ 2021, khiến bình quân 4 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 0,97% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,1%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm và giá xăng, dầu.