CPTPP - gia tăng lợi thế xuất khẩu dệt may
Tác động từ việc ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang và sẽ tạo ra những lợi thế gia tăng giúp cho ngành dệt may Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm vào các thị trường này.
Trong giai đoạn 2013-2017, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang các nước CPTPP tăng trưởng bình quân khoảng 8%/năm, chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước. Khi CPTPP có hiệu lực khu vực này sẽ là thị trường xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 của Việt Nam chỉ đứng sau thị trường Mỹ (chiếm 47% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may).
Xét trong CPTPP, đến nay Việt Nam vẫn chưa ký kết hiệp định thương mại song phương (FTA) với Canada, Mexico và Peru, lợi thế cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam ở 3 thị trường này vẫn còn yếu do mức thuế xuất khẩu dệt may tới các thị trường chưa có FTA vẫn ở mức trung bình trên 10%. Khi CPTPP có hiệu lực, sản phẩm dệt may Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn chung sẽ hưởng thuế suất 0.
Trong CPTPP, các nước Canada, Mexico, Australia, New Zealand, Singapore là các quốc gia nhập khẩu nhiều hàng dệt may Trung Quốc. CPTPP được ký kết tạo ra lợi thế cho hàng dệt may Việt Nam vào các thị trường vừa nêu so với hàng của Trung Quốc nhờ được hưởng ưu đãi thuế quan, trong đó Canada cam kết loại bỏ ngay 42 dòng thuế đối với sản phẩm dệt may Việt Nam ngay khi CPTPP. Dự kiến ngay trong năm 2018, kim ngạch xuất khẩu dệt may sang khối các nước CPTPP có thể sẽ đạt mức 4,8 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 10,5% so với năm 2017.
Trong quý I/2018, Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch xuất khẩu dệt may sang thị trường lớn nhất của Việt Nam là Mỹ chỉ tăng 10%, trong khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản một thành viên CPTPP đã tăng trưởng trên 25%, xuất khẩu dệt may sang Canada cũng đã được đẩy mạnh.
Để được hưởng các ưu đãi thuế quan khi CPTPP có hiệu lực, hàng dệt may Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ “từ sợi trở đi”, tức các công đoạn sản xuất từ sợi - dệt - nhuộm - may phải được thực hiện trong CPTPP. Hiện nay, Nhật Bản đang là đối tác dệt may lớn nhất của Việt Nam trong CPTPP.
Năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam - Nhật Bản ước tính đạt khoảng 4 tỷ USD, chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu dệt may của Việt Nam với tất cả các nước CPTPP; trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 3 tỷ USD, nhập khẩu khoảng 1 tỷ USD từ Nhật Bản các mặt hàng vải, xơ sợi, nguyên phụ liệu ngành may về phục vụ sản xuất.
Xét về trình độ phát triển hàng dệt may, các tiêu chuẩn kỹ thuật trong CPTPP không phải là khó khăn lớn đối với Việt Nam. Điều quan trọng là đáp ứng được tỷ lệ nguyên phụ liệu sản xuất trong CPTPP trên tổng giá trị thành phẩm. Việc sử dụng một lượng lớn nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Nhật Bản như nêu trên là một điều kiện tốt đáp ứng các yêu cầu xuất xứ.
Tuy nhiên, trong số các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang sản xuất và xuất khẩu khối lượng sản phẩm lớn sang thị trường Nhật Bản như May Việt Tiến, May Thành Công, May 10, Tổng công ty Phong Phú, May Bắc Giang, Dệt kim Đông Xuân…, tính đến thời điểm hiện tại cũng mới chỉ có May Thành Công và Tổng công ty Phong Phú có được chuỗi sản xuất khép kín từ “sợi - dệt - nhuộm - may” có thể đáp ứng ngay được các yêu cầu về xuất xứ khi CPTPP có hiệu lực.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, nếu cố gắng chuẩn bị tốt năng lực sản xuất, ngay từ bây giờ xúc tiến kết nối, làm việc với khách hàng cùng tìm ra các giải pháp đáp ứng những yêu cầu về xuất xứ của CPTPP thì khi hiệp định này có hiệu lực sẽ mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu dệt may.
Ông Lê Hồng Thuận - chuyên viên phân tích thị trường của Công ty Chứng khoán FPT cho rằng, muốn tận dụng hiệu quả cơ hội từ CPTPP mang lại, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần tăng cường liên kết giữa khâu nguyên phụ liệu và khâu may xuất khẩu để có điều kiện nâng cao tỷ lệ cung ứng nguyên phụ liệu nội địa đáp ứng đủ các điều kiện xuất xứ.