Credit Suisse Group tiếp tay cho trốn thuế

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Bằng các thủ thuật nghiệp vụ, Bộ Tư pháp Mỹ đã có được các thông tin này, từ đó tìm ra các chủ tài khoản, thậm chí có thể xác minh được địa điểm giao dịch, số lượng tài khoản lẫn số tiền cụ thể của từng tài khoản.

Trụ sở Credit Suisse tại Zurich, Thụy Sĩ. Nguồn: internet
Trụ sở Credit Suisse tại Zurich, Thụy Sĩ. Nguồn: internet

Sai phạm có hệ thống

Không chỉ hàng loạt ngân hàng châu Âu bị phạt do vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ mà trước đó không lâu, Credit Suisse Group, Tập đoàn ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sĩ cũng bị Bộ Tư pháp Mỹ phạt tới 2,5 tỷ USD, vì tiếp tay cho những người giàu Mỹ trốn thuế.

Đây là kết quả sau 3 năm điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ đối với các chi nhánh ngân hàng Credit Suisse ở Mỹ. Đây cũng là những nỗ lực sửa lỗi của Bộ Tư pháp trước những cáo buộc buông lỏng quản lý, khiến nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Với những chứng cứ không thể chối cãi, Tòa án Liên bang Mỹ đã tuyên phạt Credit Suisse 1,5 tỷ bảng Anh (tương đương 2,5 tỷ USD). Án phạt  gồm cả khoản  715 triệu USD trả cho Sở dịch vụ Tài chính New York và 1,8 tỷ USD bồi thường nộp Bộ Tài chính Mỹ và Cơ quan Thuế vụ Mỹ (IRS). Ngoài ra, cơ quan quản lý ngành Ngân hàng tiểu bang còn yêu cầu sa thải một số nhân viên và một nhà giám sát độc lập của Credit Suisse…

Về phần mình, Credit Suisse thừa nhận trong hàng chục năm trở lại đây họ đã “thiết kế” nhiều hoạt động bất hợp pháp, như tiêu hủy hồ sơ tài liệu và lập các tài khoản khống nhằm giúp hơn 22 ngàn người Mỹ có tài khoản trong ngân hàng không phải trả thuế và âm thầm thu về hàng trăm tỷ USD mỗi năm. Ngoài ra, do những quy định riêng nên 22 ngàn chủ tài khoản người Mỹ có tiền trong Credit Suisse đã được giấu kín, không phải khai báo nên chính phủ liên bang đã thất thu một nguồn thuế khổng lồ.

Bằng các thủ thuật nghiệp vụ, Bộ Tư pháp Mỹ đã có được các thông tin này, từ đó tìm ra các chủ tài khoản, thậm chí có thể xác minh được địa điểm giao dịch, số lượng tài khoản lẫn số tiền cụ thể của từng tài khoản.

Theo ông Eric Holder, Tổng chưởng lý Mỹ, Credit Suisse đã sai phạm mang tính hệ thống, đi quá xa tôn chỉ mục đích, từ nhân viên cho đến các cấp lãnh đạo của Credit Suisse đều “nhúng chàm”. Phớt lờ yêu cầu công bố thông tin, thậm chí còn tiêu hủy hồ sơ và che đậy các giao dịch liên quan đến tài khoản, hướng dẫn “cách trốn thuế” cho khách hàng như không khai báo số tiền, giới hạn số tiền được rút và sử dụng các thẻ tín dụng và ghi nợ ở nước ngoài để chuyển vốn ngược về…

Cũng theo ông Holder, hoạt động giúp khách hàng trốn thuế của Credit Suisse diễn ra hàng thập niên, thậm chí có cả những giao dịch “ma” diễn ra cách đây gần cả thế kỷ.

Tăng cường ngăn ngừa

Theo các cơ quan chức năng của Mỹ, Credit Suisse đã giúp người giàu Mỹ giấu trên 10 tỷ USD trong vòng hơn hai thập kỷ. Để làm được việc này Credit Suisse đã thực hiện rất nhiều công đoạn, thủ thuật câu khách, họ cử người trực tiếp đến Mỹ, thậm chí còn hướng dẫn cụ thể khách hàng các mánh khóe nhằm che mắt cơ quan chức năng, như không dùng email, fax, hay văn bản mà giao dịch trực tiếp, nếu có thì hủy ngay…

Credit Suisse không phải ngân hàng duy nhất bị cơ quan công tố Mỹ sờ gáy mà còn có tới 13 ngân hàng khác bị điều tra, cáo buộc giúp giới nhà giàu Mỹ trốn thuế. Năm 2009, một ông lớn ngành ngân hàng Thụy Sĩ là UBS chi nhánh tại Mỹ cũng đã phải nộp phạt cho chính phủ 780 triệu USD về tội danh tương tự, đồng thời chấp nhận cung cấp cho chính phủ Mỹ danh tính của những chủ tài khoản bí mật.

Trong vụ xét xử UBS, Bộ Tư pháp Mỹ áp dụng thủ tục tố tụng dân sự được gọi là lệnh triệu tập John Doe để có thông tin của gần 20.000 chủ tài khoản làm ăn với UBS...

Đến nay, Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố 8 chi nhánh Credit Suisse ở Mỹ. Có 8 nhân viên của Credit Suisse đã bị kết tội. Trong đó, hai người là Andreas Bachmann và Josef Dorig, mang quốc tịch Thụy Sĩ đã thừa nhận hành vi phạm pháp, số còn lại đang lẩn trốn ở Thụy Sĩ. Riêng ông  Brady W. Dougan, 54 tuổi, người Mỹ có thâm niên làm việc trong ngành ngân hàng trên 25 năm, được bổ nhiệm làm CEO của Credit Suisse từ năm 2007 đang đứng trước nguy cơ bị mất việc.

Hiện, Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Credit Suisse lưu giữ toàn bộ giao dịch của khách hàng Mỹ, biện pháp để buộc Credit Suisse phải thông báo đầy đủ thông tin các tài khoản cho cơ quan thực thi pháp luật Mỹ. Theo nguồn tin vừa công bố trên trang tin tài chính Inside Paradeplatz hôm 10/7/2014, Credit Suisse đã đồng ý cung cấp thông tin của 1.000 nhân viên cho các nhà chức trách Mỹ qua đường bưu điện hoặc qua thư điện tử.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác của Thụy Sĩ cũng phải cung cấp thông tin liên quan đến các giao dịch của những nhân viên này. Đây là yêu cầu nằm trong khuôn khổ thỏa thuận giữa Thụy Sĩ và Mỹ ký tháng 8/2013 nhằm hạn chế tình trạng trốn thuế, rửa tiền qua các tài khoản giấu tên trong hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ.

Đặc biệt, Ban lãnh đạo Credit Suisse đang yêu cầu các nhà lập pháp Thụy Sĩ bổ sung điều khoản cho phép tiết lộ danh tính các khách hàng gửi tiền tại ngân hàng mà trước đây luật pháp Thụy Sĩ lại cấm…