"Cú huých" thúc đẩy kế hoạch xây dựng lại nước Mỹ tốt hơn
Tổng thống Joe Biden ký ban hành đạo luật về phát triển cơ sở hạ tầng với ngân sách trị giá 1.200 tỷ USD, sau khi Quốc hội Mỹ thông qua. Gói chi tiêu lớn nhất trong lịch sử "xứ cờ hoa" được kỳ vọng là "cú huých" thúc đẩy kế hoạch xây dựng lại nước Mỹ tốt hơn.
Các nghị sĩ Mỹ gọi đạo luật cơ sở hạ tầng mới là kế hoạch chi tiêu xã hội mang lại hiệu quả nhất kể từ những năm 30 của thế kỷ trước. Ðại diện các nhóm doanh nghiệp Mỹ cũng hoan nghênh và tin tưởng kế hoạch mang đến những khoản đầu tư dài hạn, tạo nhiều việc làm hơn. Tuyên bố thắng lợi sau nhiều tháng thúc đẩy kế hoạch đầy tham vọng, Tổng thống Biden cam kết, chính quyền Mỹ sẽ có trách nhiệm bảo đảm để ngân sách được chi tiêu đúng mục đích.
Khoản ngân sách nêu trên được dự chi cho chiến dịch phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn chưa từng có, tập trung nâng cấp hệ thống cầu, đường, sân bay..., cũng như cải thiện internet băng thông rộng. Bên cạnh luật cơ sở hạ tầng vừa ban hành, Tổng thống Biden còn công bố kế hoạch chi tiêu trị giá 1.750 tỷ USD, nhằm mở rộng mạng lưới an sinh xã hội và thúc đẩy chống biến đổi khí hậu của Mỹ.
Theo Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 10 của một loạt hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tại Mỹ tăng cao nhất trong 30 năm qua. Phần lớn lạm phát do giá cả tăng mạnh ở các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 cũng như tình trạng thiếu nguồn cung, nhất là trong các ngành năng lượng và thực phẩm.
Chính quyền Tổng thống Biden cho rằng, kế hoạch xây dựng lại nước Mỹ tốt hơn có thể góp phần giảm lạm phát, bởi các khoản đầu tư vào an sinh xã hội và phát triển lực lượng lao động giúp hàng triệu người trở lại làm việc. Tháng 9 vừa qua, số người lao động tại Mỹ chuyển đổi công việc đạt mức cao kỷ lục. Ðây là chỉ dấu cho thấy thị trường việc làm dần phục hồi khi người lao động có thêm cơ hội tìm công việc với mức lương cao hơn.
Nhằm vực dậy nền kinh tế, Mỹ cũng tích cực giải quyết bất đồng với các đối tác thương mại. Tại hội đàm cấp cao trực tuyến hôm nay (16/11), Tổng thống Mỹ Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến thảo luận về các biện pháp cạnh tranh có trách nhiệm và hợp tác trong một số lĩnh vực phù hợp. Mỹ bắt đầu đàm phán với Nhật Bản về thuế quan đối với thép và nhôm. Trước đó, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận nới lỏng thuế quan với các sản phẩm thép và nhôm.
Một loạt những động thái tích cực của chính quyền Tổng thống Joe Biden thúc đẩy cải cách trong nước và cải thiện quan hệ với các đối tác, được dư luận kỳ vọng tạo thêm động lực vực dậy nền kinh tế đầu tàu thế giới, góp phần tạo đà phục hồi cho kinh tế toàn cầu sau thời gian dài chật vật do dịch bệnh.