Cử tri ghi nhận cố gắng của Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 10/5/2023, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đã điều hành nội dung cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV.
Kịp thời tổ chức các kỳ họp bất thường để quyết định các vấn đề quan trọng
Trình bày báo cáo tóm tắt tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và nhân dân bày tỏ sự tin tưởng vào kết quả quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng nhất là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đồng thời, cử tri hoan nghênh Quốc hội đã kịp thời tổ chức các kỳ họp bất thường để bàn bạc, quyết định những vấn đề quan trọng của Đất nước về chính sách phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, về xây dựng pháp luật, về công tác nhân sự…
Đáng chú ý, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cũng cho hay, cử tri và Nhân dân ghi nhận sự cố gắng lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành linh hoạt, hiệu quả; đề xuất để Quốc hội quyết định các chính sách tín dụng, thuế, hỗ trợ lao động tại các khu công nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, thành lập nhiều tổ công tác để tháo gỡ khó khăn trong phục hồi phát triển kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
Tuy nhiên, cử tri cũng bày tỏ lo lắng về tình trạng nguyên vật liệu, vật tư sản xuất nông, lâm nghiệp, chi phí dịch vụ tăng cao, trong khi tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, sức mua giảm, nhiều sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra không tiêu thụ được ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất và đời sống của người dân.
Bên cạnh đó, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thu nhập của người lao động ở nhiều ngành, nghề giảm sút khá nghiêm trọng, đời sống của một bộ phận người dân chưa được ổn định sau đại dịch COVID-19.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, sức chịu đựng của các doanh nghiệp đang bị bào mòn sau thời gian chống chịu đại dịch COVID-19, nên rất cần có các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc để tiếp cận được nguồn vốn, tiếp tục phục hồi và phát triển.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, cần kịp thời triển khai các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và các thủ tục hành chính, điều chỉnh các tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường… để xử lý đúng sai phạm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đủ điều kiện được duy trì sản xuất, kinh doanh, mở rộng phát triển.
Giải quyết các vấn đề “sát sườn” cử tri và Nhân dân quan tâm, lo lắng
Báo cáo kết quả giám sát giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 2.593 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đến nay, 2.588 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,8 %.
Cụ thể, Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã trả lời 91/91 kiến nghị. Cử tri hoan nghênh và rất đồng tình với sự đổi mới mạnh mẽ đem lại hiệu quả toàn diện trong hoạt động của Quốc hội thời gian qua, tiếp tục khẳng định hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với Nhân dân.
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Quốc hội đã không ngừng thay đổi phương thức hoạt động, đưa hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của Đất nước ngày càng kịp thời với mục tiêu đặt lợi ích của cử tri và Nhân dân lên hàng đầu.
Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã giải quyết và trả lời 2.466/2.469 kiến nghị. Nhìn chung, Chính phủ, các Bộ, ngành đã chú trọng nghiên cứu, giải quyết kiến nghị của cử tri, thể hiện tính cầu thị, tiếp thu khi thực hiện công tác quản lý, điều hành. Nội dung giải quyết, trả lời rõ ràng.
Tại Phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, báo cáo của Ban Dân nguyện cho thấy sự chuẩn bị công phu, đã tổng hợp tư liệu, số liệu, xâu chuỗi nhiều kết quả, sự kiện và vấn đề được cử tri và Nhân dân quan tâm.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị phải rà soát, cân nhắc để thể hiện rõ được đây thực sự là tiếng nói của cử tri và Nhân dân, mọi sự kiện, số liệu đưa ra đều phải mang tính điển hình, tránh đưa vào những nội dung đã cũ; rà soát, sắp xếp bố cục sao cho mạch lạc và lô-gíc về nội dung. Khi đề cập đến các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước trong báo cáo, chỉ cần nêu nội dung vấn đề để cử tri và Nhân dân dễ hiểu, dễ tiếp cận.
Đối với các kiến nghị, Phó Chủ tịch Thường trực đề nghị nên bổ sung về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác có thể xảy ra trong thời gian tới để các ngành, các cấp và địa phương, Nhân dân có sự chuẩn bị phòng, chống dịch bệnh.
“Các báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Dân nguyện phải thật sự khách quan, có trọng tâm, góp phần giải quyết những vấn đề “sát sườn” mà cử tri và Nhân dân quan tâm, lo lắng”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành nội dung dự thảo báo cáo, đánh giá cao sự chuẩn bị của các cơ quan. Việc tổng hợp thành các nhóm ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân là hợp lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao với các kiến nghị đã nêu rất sát với ý kiến của cử tri và nhân dân, đảm bảo xác đáng, thiết thực.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đánh giá các nội dung trong dự thảo báo cáo, tiếp thu các ý kiến đã phát biểu, phối hợp cùng các cơ quan hữu quan tổng hợp đầy đủ ý kiến của cử tri và nhân dân, đối chiếu rà soát số liệu đảm bảo chính xác và thống nhất, bổ sung các nội dung về các vấn đề giảm tốc tăng trưởng, chậm phê duyệt quy hoạch, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… để hoàn thiện báo cáo đạt chất lượng cao.