Cửa khẩu phụ, lối mở có phải là địa bàn hoạt động hải quan?

Theo baohaiquan.vn

Thời gian qua, khi Luật Thuế XK, thuế NK có hiệu lực, nhiều UBND tỉnh, cơ quan Hải quan các tỉnh biên giới có cửa khẩu phụ, lối mở phản ánh tình trạng nhiều DN thực hiện hoạt động XK, NK qua cửa khẩu phụ, lối mở nhưng không được hoàn thuế GTGT. Vấn đề này càng “nóng” khi Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 01/2015/NĐ-CP quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Hoạt động XNK tại lối mở Co Sâu, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Nguồn: PV.
Hoạt động XNK tại lối mở Co Sâu, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Nguồn: PV.

Không được hoàn thuế GTGT

Hiện nay, việc thực hiện hoạt động XK, NK qua cửa khẩu phụ, lối mở được thực hiện theo Nghị định 187/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài; Quyết định 52/2015/QĐ-TTg về quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước chung biên giới; Thông tư 05/2014/TT-BCT ngày 27/1/2014 của Bộ Công Thương quy định về hoạt động tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập và chuyển khẩu hàng hóa…

Như vậy, các quy định pháp luật hiện hành cho phép thực hiện hoạt động XK, NK hàng hóa qua khu vực cửa khẩu phụ, lối mở được UBND tỉnh công bố, quyết định mở; cho phép thương nhân thực hiện hoạt động XK, NK và có cơ sở hạ tầng đảm bảo, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, Luật Quản lý thuế thì “Cơ sở kinh doanh trong tháng, quý có hàng hóa dịch vụ XK nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT theo tháng, quý đó trừ trường hợp hàng hóa NK để XK, hàng hóa XK không thực hiện việc XK tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của Luật Hải quan” .

Theo quy định tại Khoản 6 Điều 1 Nghị định 100/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế thì: “Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế đối với trường hợp hàng hóa NK sau đó XK, hàng hóa XK không thực hiện việc XK tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn”. Còn theo quy định tại điểm b, khoản 4 Điều 1 Thông tư 130/2016/TT-BTC  ngày 12/8/2016 hướng dẫn Nghị định 100/2016/NĐ-CP thì: “Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế đối với trường hợp hàng hóa NK sau đó XK, hàng hóa XK không thực hiện việc XK tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của Luật Hải quan, Nghị định 01/2015/NĐ-CP ngày 2/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các văn bản hướng dẫn”.

Điều này dẫn đến khi DN thực hiện hoạt động XNK qua các cửa khẩu phụ, lối mở, điểm thông quan nhưng các điểm này lại không nằm trong phạm vi các cửa khẩu được liệt kê tại phụ lục quy đinh về phạm vi địa bàn hoạt động hải quan tại khu vực cửa khẩu đường bộ, đường thủy nội địa trong khu vực biên giới ban hành kèm theo Nghị định số 01/2015/NĐ-CP. Do đó, khi DN XK qua các địa điểm này sẽ không được hoàn thuế GTGT.

Có 3 luồng quan điểm

Trong quá trình sửa đổi, sổ sung Nghị định 01/2015/NĐ-CP liên quan đến cửa khẩu phụ, lối mở hiện nay có 3 luồng quan điểm khác nhau.

Thứ nhất, cần giữ nguyên như Nghị định 01/2015/NĐ-CP (không bổ sung cửa khẩu phụ, lối mở, điểm thông quan là địa bàn hoạt động hải quan). Quan điểm này cho rằng việc giữ nguyên các quy định như vậy là phù hợp với Điều 7 Luật Hải quan năm 2014, đảm bảo tính ổn định của các địa bàn hiện nay không phụ thuộc vào sự biến động của UBND các tỉnh; hạn chế được các gian lận trong việc hoàn thuế GTGT, không ảnh hưởng đến NSNN và đạt được mục tiêu của chính sách thuế ban hành trong thời gian qua; Không phát sinh chi phí: Ngân sách nhà nước không phải chi trả cho việc trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của thông quan tự động và kết nối Cơ chế một cửa quốc gia.

Thứ hai, việc giữ nguyên (như quan điểm thứ nhất) là không tạo ra sự bình đẳng cho các DN, do đó cần có quy định mang tính nguyên tắc, quy định tại Điều 9 Nghị định  01/2015/NĐ-CP  theo hướng “Cửa khẩu phụ, lối mở biên giới được thành lập theo quyết định của UBND tỉnh biên giới và có trụ sở cơ quan Hải quan, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật làm thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan” thì được xác định là địa bàn hoạt động hải quan. Theo phản ánh của một số địa phương thì việc không cho phép các DN XK qua địa bàn này là không tạo sự bình đẳng giữa các DN, ảnh hưởng đến quyền lợi của DN.

Hiện nay, thủ tục hải quan đối với hàng hóa đi qua các cửa khẩu phụ, biên giới được thực hiện tại địa bàn hoạt động hải quan (cửa khẩu chính) trong phạm vi địa bàn theo Nghị định 01/2015/NĐ-CP. Hoạt động XNK tại các cửa khẩu phụ, lối mở hiện nay chủ yếu giữ vai trò là điểm xuất nông sản (gạo, sắn lát, tinh bột sắn...), thủy sản, lợn và một số loại hình XK, tạm nhập tái xuất. Việc NK vào Việt Nam thông qua cửa khẩu phụ, lối mở rất hạn chế.

Đối với một số cửa khẩu phụ, lối mở biên giới ở các tỉnh biên giới Lào, Campuchia mặt hàng chủ yếu là gỗ, thường chỉ thực hiện mùa khô. Trong khi mặt hàng gỗ hiện nay đang tạm dừng khi Chính phủ Lào, Campuchia  ban hành chỉ thị “cấm XK” và kiểm soát chặt chẽ. Đối với thanh toán trong hoạt động mua bán tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới thì chủ yếu được thanh toán qua hình thức thanh toán biên mậu, trả tiền trực tiếp, thanh toán qua tài khoản vãng lai.

Liên quan đến việc hoàn thuế GTGT của một số DN, một số địa phương phản ánh, đối với các DN thực hiện hoạt động XNK qua địa bàn đã được UBND tỉnh công bố, cho phép, thực hiện thủ tục hải quan đầy đủ nhưng không được xem xét hoàn thuế GTGT.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 1 Luật Thuế XK, thuế NK 2016 thì DN vẫn được khấu trừ thuế theo quy định. Tuy nhiên, đối với việc hoàn thuế thì không được phép.

Căn cứ khoản 5, Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT: “DN, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho DN, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Trên hóa đơn GTGT, ghi dòng giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ.

Trường hợp DN, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho các đối tượng khác như hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5% hướng dẫn tại khoản 5 Điều 10 Thông tư này.”

Căn cứ khoản 11, Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC “Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho các hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ không kê khai, tính nộp thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư này (trừ khoản 2, khoản 3 Điều 5) được khấu trừ toàn bộ”. Căn cứ khoản 1, Điều 1 Luật Thuế XK, Thuế NK 2016 thì DN vẫn được khấu trừ thuế theo quy định trong trường hợp không thực hiện XK tại địa bàn hoạt động hải quan.

Từ thực tiễn mặt hàng XK qua khu vực này chủ yếu là mặt hàng nông sản, thủy sản, lợn...  có thuế GTGT đầu vào là 0% (mua của người nông dân) số thuế GTGT chỉ phát sinh khi các DN mua bán lại cho nhau. Do đó, khi hoàn thuế GTGT thì người được hưởng lợi là một số DN.

Theo Quyết định 52/2015/QĐ-TTg về quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước chung biên giới; Thông tư 05/2014/TT-BCT ngày 27/1/2014 của Bộ Công thương quy định về hoạt động tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập và chuyển khẩu hàng hóa; Thông tư 52/2016/TT-BCT hướng dẫn thi hành Quyết định 52/2015/QĐ-TTg... thì chỉ những DN “xin được” trong danh sách của UBND tỉnh công bố mới được phép đi qua khu vực cửa khẩu này. Do đó, để đảm bảo tính công bằng đối với các DN khác thì Luật Thuế XK, thuế NK mới đưa ra biện pháp “tính theo địa bàn” để xem xét hoàn thuế GTGT.

Thực tiễn đấu tranh phòng, chống buôn lậu gian lận thương mại trong thời gian qua cho thấy, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới diễn biến phức tạp, các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng địa điểm này (nơi bố trí các lực lượng mỏng, cơ sở hạ tầng, phương tiện kỹ thuật chưa được lắp đặt đầy đủ, đường sá khó khăn) để thực hiện quay vòng hàng hóa, xuất khống. Trong đó, một số DN lợi dụng việc ưu đãi của nhà nước về hoàn thuế GTGT đã làm giả hồ sơ hải quan, mua bán hóa đơn, xuất khống hàng hóa để được hoàn thuế GTGT với số lượng lớn, gây thất thu cho ngân sách nhà nước như các vụ việc vi phạm xảy ra tại tỉnh An Giang.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 7 Luật Hải quan năm 2014 “Trong địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan Hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa, phương tiện vận tải và xử lý vi phạm pháp luật về hải quan phù hợp với pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”.

Như vậy, trường hợp xác định các cửa khẩu phụ, lối mở đưa vào Nghị định thì cơ quan Hải quan phải bố trí lực lượng, cơ sở vật chất, kỹ thuật tại khu vực này (24/24). Tuy nhiên, theo tinh thần Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 19/4/2015 về tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thì ngành Hải quan từ nay đến năm 2020 sẽ tiến hành giảm 10%/tổng số biên chế hiện có.

Thứ ba, cần nghiên cứu bổ sung một số cửa khẩu phụ, lối mở đáp ứng một số điều kiện về cơ sở hạ tầng, con người... vào phụ lục phạm vi địa bàn hoạt động hải quan tại khu vực cửa khẩu đường bộ, đường thủy nội địa trong khu vực biên giới ban hành kèm theo Nghị định 01/2015/NĐ-CP.

Quan điểm này cho rằng, một số cửa khẩu phụ, lối mở nếu đáp ứng các điều kiện như cơ sở hạ tầng đầy đủ, có đầy đủ các lực lượng Hải quan, Kiểm dịch, Biên phòng, lưu lượng XNK lớn, được thành lập theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định, điều ước quốc tế về cửa khẩu, có thỏa thuận với nước láng giềng, có xin ý kiến các bộ, ngành khi thành lập, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ... thì phải được công nhận là địa bàn hoạt động hải quan.

Cửa khẩu phụ, lối mở nếu không được thành lập hợp pháp khi chúng ta công nhận trên văn bản mang tính chất Nghị định sẽ dẫn đến phản ứng của nước láng giềng. Đồng thời khi quy định mang tính phổ quát, nguyên tắc theo quan điểm thứ hai sẽ dẫn đến trường hợp đó là tất cả các cửa khẩu phụ, lối mở “lực lượng Hải quan” phải có mặt thường trực 24/24. Điều này sẽ gây ra lãng phí rất lớn về biên chế và tài chính. Nhưng không chốt giữ khi xảy ra vấn đề thì lực lượng Hải quan quản lý khu vực đó sẽ phải chịu trách nhiệm. Đối với quan điểm thứ nhất sẽ không phù hợp với thực tế cũng như đảm bảo cho lực lượng Hải quan thực hiện nhiệm vụ tại đó.