Cục Thuế Quảng Nam: Đồng bộ nhiều giải pháp chống thất thu thuế thương mại điện tử
Năm 2024, Cục Thuế Quảng Nam thường xuyên, tích cực phối hợp với các cơ quan trên địa bàn Tỉnh thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc thu những khoản thu tiềm năng trước đây chưa thu được như thu thuế từ sàn thương mại điện tử xuyên biên giới và trong nước.
Thuận lợi và thách thức
Hiện nay, thị trường thương mại điện tử tại tỉnh Quảng Nam ngày càng được mở rộng với đa dạng các mô hình hoạt động với nhiều chủ thể tham gia.
Ông Nguyễn Xuân Hải - Trưởng phòng Thanh tra, kiểm tra thuế số 2 (Cục Thuế tỉnh Quảng Nam) cho biết, thời gian qua, đơn vị đã thu được nhiều kết quả trong chống thất thu thuế thương mại điện tử. Đơn cử, trong năm 2023, ngành Thuế Quảng Nam thu khoảng 13,25 tỷ đồng từ hoạt động thương mại điện tử.
Ngoài ra, qua tổng hợp từ báo cáo của các chi cục thuế huyện, thị xã, thành phố, số thuế thu thêm từ thương mại điện tử trong năm sẽ là 11,3 tỷ đồng (10 tỷ đồng từ hoạt động thương mại điện tử của doanh nghiệp, 1,3 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh của các cá nhân).
Năm 2024, số thu thuế từ thương mại điện tử tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023 sau khi cơ quan thuế ứng dụng công nghệ thông tin rà soát thông tin hoạt động thương mại điện tử.
Theo ông Nguyễn Văn Tiếp - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, đến nay ngành Thuế Quảng Nam đã cơ bản xác định được các hình thức kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn Tỉnh để có các biện pháp quản lý thuế phù hợp. Nhờ đó, Cục Thuế Tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, sở, ban, ngành ở địa phương xây dựng các giải pháp để quản lý, chống thất thu thuế thương mại điện tử.
Đến nay, Cục Thuế Tỉnh đã bước đầu khai thác dữ liệu về thuế thương mại điện tử thông qua kho cơ sở dữ liệu tập trung ngành Thuế (ứng dụng DW) và tổng hợp số liệu từ các ngân hàng thương mại cung cấp cho Cục Thuế (chủ yếu là các cá nhân có thu nhập từ quảng cáo cho Google).
Theo Cục Thuế Tỉnh, hiện có nhiều khó khăn trong quản lý thuế thương mại điện tử. Dữ liệu do các sàn thương mại điện tử cung cấp chỉ là số tổng hợp về tổng doanh thu, tổng số giao dịch mà không xác định cụ thể mỗi loại hàng hóa/dịch vụ có giá bao nhiêu, doanh thu như thế nào. Vì vậy, dữ liệu này hiện chỉ mang tính chất khai báo, chưa thể sử dụng để đối chiếu với tờ khai thuế của từng người nộp thuế.
Ngoài ra, dữ liệu thông tin cung cấp từ các bên thứ ba (ngân hàng, trung gian vận chuyển) chưa đầy đủ, kịp thời. Cơ quan thuế gặp khó khăn trong xác minh thông tin của cá nhân do thông tin giao dịch từ các bên thứ ba cung cấp không được cập nhật thường xuyên, thiếu hoặc sai thông tin định danh.
Nhiều ngân hàng thương mại thiếu hợp tác với Cục Thuế để chống thất thu thuế thương mại điện tử. Đa số các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng thu tiền hộ (hình thức COD) không thực hiện cung cấp thông tin.
Cần giải pháp đồng bộ
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Nam Hưng cho rằng, nâng cao chất lượng quản lý, chống thất thu thuế thương mại điện tử là hết sức cấp thiết, điều này giúp tăng khả năng huy động nguồn lực cho ngân sách và tạo cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo công bằng cho người nộp thuế. Các cơ quan chức năng cần kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử.
Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Trần Nam Hưng giao nhiệm vụ cho Sở Công Thương Tỉnh phải cung cấp thông tin các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đến cơ quan thuế; phối hợp với Cục Thuế Tỉnh, các cơ quan, đơn vị có liên quan thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn Tỉnh.
Công an Tỉnh cung cấp thông tin đấu tranh phòng, chống tội phạm về thuế thương mại điện tử; tiếp nhận, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế thương mại điện tử.
Các ngân hàng thương mại cần khẩn trương cung cấp cho ngành Thuế thông tin giao dịch nhận tiền từ các nhà cung cấp nước ngoài như Apple store, Google, Facebook, Youtube, Microsoft, Netflix, iQIYI, Instagram, TikTok, Agoda, Booking… đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Tỉnh. Cơ quan thuế có nhiệm vụ bảo mật thông tin và chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin theo quy định.
Ông Lương Viết Tịnh - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết, cùng với quản lý, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực thương mại điện tử, Cục Quản lý thị trường Tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế và các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra tại các kho, bãi, địa điểm livestream bán hàng nhằm xác định khối lượng hàng hóa, mặt hàng kinh doanh, số thuế phải kê khai, nộp ngân sách nhà nước.
Ông Nguyễn Xuân Hải - Trưởng phòng Thanh tra, kiểm tra thuế số 2 cho biết, đơn vị đang đẩy nhanh tuyên truyền chính sách thuế thương mại điện tử, các hồ sơ, thủ tục đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế thương mại điện tử; Phối hợp với các cơ quan để khai thác dữ liệu tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử.
“Chúng tôi chú trọng rà soát các cá nhân bán hàng livestream trên nền tảng mạng xã hội, yêu cầu đăng ký kê khai nộp thuế theo quy định. Ngành thuế định kỳ hằng tháng đánh giá công tác chống thất thu thuế thương mại điện tử để nâng cao hoạt động”, ông Hải chia sẻ.
Cục Thuế Quảng Nam chống thất thu thuế thương mại điện tử qua các lĩnh vực gồm quản lý tổ chức, cá nhân bán hàng online; Tổ chức, cá nhân nước ngoài bán hàng trên các sàn thương mại điện tử; Tổ chức, cá nhân có thu nhập từ quảng cáo trực tuyến do đăng tải sản phẩm, nội dung trên các nền tảng thương mại điện tử; Tổ chức, cá nhân chi trả tiền cho quảng cáo trực tuyến…