Cục thuế Thừa Thiên - Huế: Tạo dựng niềm tin để doanh nghiệp tự giác tuân thủ nghĩa vụ
Để doanh nghiệp (DN) yên tâm sản xuất, kinh doanh, Cục Thuế Thừa Thiên - Huế đang xây dựng “Dịch vụ hỗ trợ thuế chủ động”. Đây là chương trình hỗ trợ chuyên sâu, nhằm tạo cho người nộp thuế tự nguyện tuân thủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.
Chủ động hỗ trợ và trang bị kiến thức thuế cho DN
Bà Âu Thị Nguyệt Liên - Trưởng phòng Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế - Cục Thuế Thừa Thiên - Huế cho biết, để các DN nói chung và DN nhỏ và vừa (DNNVV) nói riêng yên tâm tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, Cục Thuế Thừa Thiên - Huế đang hướng đến “Dịch vụ hỗ trợ thuế chủ động”. Theo bà Liên, “Dịch vụ hỗ trợ thuế chủ động” nghĩa là cơ quan thuế sẽ chủ động cung cấp kiến thức về chính sách thuế, chia sẻ những sai sót mà các DN hay gặp phải để phòng ngừa sai phạm, thực hiện nhắc nhở để DN thực hiện đúng chính sách, tránh bị sai dẫn đến bị phạt.
“Dịch vụ hỗ trợ thuế chủ động khi đi vào hoạt động, sẽ cung cấp dịch vụ theo phân đoạn người nộp thuế, với từng loại DN khác nhau, nhằm hỗ trợ và tương tác với người nộp thuế theo nhu cầu. Sở dĩ chúng tôi triển khai dịch vụ này vì khi khảo sát nhu cầu của DN, hầu hết họ đều mong muốn làm sao để có thể thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, tuy nhiên, họ không biết phải thực hiện như thế nào” - bà Liên nói.
Thực hiện mô hình này, cơ quan thuế sẽ cung cấp cho DNNVV kiến thức về thuế, những vấn đề liên quan đến việc khai thuế, tính thuế và nộp thuế, tập huấn chính sách thuế. Việc nâng cao kiến thức cho người nộp thuế có thể thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, như như tin nhắn nhắc nhở (SMS), hội thảo, liên lạc công cộng và đối thoại với các hiệp hội thương mại.
“Để triển khai chương trình này, cơ quan thuế sẽ chủ động hỗ trợ DN thông qua các hình thức như: gửi email, điện thoại, hỗ trợ trực tiếp tại cơ quan thuế, qua trang thông tin điện tử… Trên cơ sở xây dựng niềm tin giữa cơ quan thuế và DN, sẽ nâng cao sự tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế” - bà Liên chia sẻ.
Xây dựng niềm tin của DN với cơ quan thuế
Bà Âu Thị Nguyệt Liên cho biết, để xây dựng niềm tin của DN với cơ quan thuế, hiện nay cục thuế đang xây dựng hệ thống bảng hỏi, sau đó sẽ tiến hành khảo sát để đánh giá đúng thực trạng về việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ thuế hiện nay của cơ quan thuế.
“Khi hoàn thành bảng hỏi, chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát khoảng 400 DN. Sau khi khảo sát, sẽ chia làm 2 nhóm. Nhóm 1 sẽ được cơ quan thuế cung cấp dịch vụ hỗ trợ thuế chủ động theo nhu cầu. Còn nhóm 2 sẽ cung cấp dịch vụ hỗ trợ thuế như hiện nay. Sau 1 năm từ khi khảo sát lần 1, chúng tôi sẽ thực hiện khảo sát lần 2 để đánh giá lại mức độ cung cấp dịch vụ của mình có đáp ứng yêu cầu nâng cao ý thức tuân thủ thuế của DN hay không; dịch vụ nào hiệu quả cần bổ sung, dịch vụ nào giảm tần suất thực hiện” - bà Liên nói.
Theo đánh giá của Cục Thuế Thừa Thiên - Huế, với cách làm này, cho phép cơ quan thuế đánh giá được mức độ ảnh hưởng của dịch vụ hỗ trợ thuế, cũng như sự tuân thủ thuế của DN, từ đó xây dựng chiến lược tuân thủ thuế hiệu quả, hướng đến tuân thủ thuế tự nguyện.
Với việc đánh giá mức độ tuân thủ của DN, khi xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế sẽ hướng đến số DN không tuân thủ tốt về chính sách thuế (khoảng 20% DN). Số còn lại sẽ tiếp tục đẩy mạnh các dịch vụ hỗ trợ thuế, nhằm giảm chi phí quản lý cho cơ quan thuế và giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế.
Thực tế quản lý thuế ở một số nước cho thấy, quản lý thuế bằng quyền lực và niềm tin là hai hướng khác nhau mà nhiều nước đang áp dụng. Quản lý thuế bằng quyền lực là để điều chỉnh hành vi của người nộp thuế. Sự tuân thủ thuế của người nộp thuế được tăng cường chủ yếu là do sự kiểm tra và xử phạt, mệnh lệnh và kiểm soát để tạo động lực. Còn quản lý thuế theo hướng để DN tự nguyện tuân thủ, thì mối quan hệ tương tác giữa người nộp thuế và cơ quan thuế phải rất thường xuyên, liên tục. “Đây là sự tin tưởng lẫn nhau và cam kết với xã hội. Đó là môi trường dịch vụ, sự hợp tác với thái độ và đạo đức thuế, các quy phạm cá nhân, xã hội và sự công bằng“ - bà Liên chia sẻ.
Rõ ràng, với trường hợp áp dụng quyền lực của cơ quan thuế, thì việc tuân thủ nghĩa vụ thuế của người nộp thuế là tuân thủ thực thi. Nhưng trong trường hợp gắn kết niềm tin của người nộp thuế với cơ quan thuế, thì sự tuân thủ nghĩa vụ thuế là tuân thủ thuế tự nguyện.
“Tuân thủ thuế tự nguyện là điều mong muốn của cả cơ quan thuế và người nộp thuế. Vì nếu người nộp thuế đã tuân thủ tự nguyện, sẽ không đẩy người nộp thuế vào vị trí đối kháng với cơ quan thuế và cũng không đòi hỏi cơ quan thuế phải ban hành các biện pháp kiểm soát tốn kém” - bà Liên nói.