Cục Thuế Vĩnh Phúc: Giữ vững vị trí top 10 thu ngân sách nội địa cao nhất cả nước
Dù đối mặt với nhiều thách thức từ tình hình kinh tế toàn cầu và trong nước, Cục Thuế Vĩnh Phúc tiếp tục duy trì thành tích xuất sắc khi giữ vững vị trí trong top 10 đơn vị có số thu ngân sách nội địa cao nhất cả nước. Thành quả này không chỉ khẳng định năng lực quản lý mà còn là minh chứng cho sự đồng hành hiệu quả của cơ quan thuế với người nộp thuế.
Chính sách đồng hành, hỗ trợ người nộp thuế hiệu quả
Năm 2024, kinh tế - chính trị toàn cầu diễn biến phức tạp, tạo áp lực lớn lên nền kinh tế Việt Nam. Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do đơn hàng sụt giảm, thị trường bất động sản trầm lắng, cùng với thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Những yếu tố này đã tác động mạnh mẽ đến kết quả thu ngân sách nhà nước tại địa phương.
Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm, Cục Thuế Vĩnh Phúc đã bám sát các nghị quyết của Chính phủ, Quốc hội và chỉ đạo từ Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cũng như sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND Tỉnh. Đồng thời, Cục Thuế phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành để triển khai đồng bộ giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân và doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và các biện pháp đồng bộ, kết quả thu ngân sách nội địa năm 2024 của tỉnh Vĩnh Phúc vẫn duy trì ổn định. Tổng số thu ngân sách nội địa đạt hơn 26.000 tỷ đồng, bằng 103,9% dự toán pháp lệnh và tăng 1,5% so với năm 2023. Có 14/15 chỉ tiêu thu hoàn thành vượt mức dự toán, trong đó 8/10 đơn vị nhận dự toán có mức tăng trưởng trên 20%.
Nhằm giảm thiểu khó khăn cho người nộp thuế, Cục Thuế Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh triển khai các chính sách miễn, giảm và gia hạn thuế. Trong năm 2024, tổng số tiền miễn, giảm thuế và tiền thuê đất đạt 520 tỷ đồng; tổng số tiền gia hạn lên tới 4.960 tỷ đồng. Những chính sách này giúp doanh nghiệp và người dân có thêm nguồn lực để duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế được triển khai mạnh mẽ với nhiều hình thức đa dạng và hiệu quả. Cục Thuế đã thực hiện gần 15.000 lượt tuyên truyền qua các bài viết, phóng sự, email và mạng xã hội như Zalo, Facebook, YouTube, đồng thời tổ chức 13 hội nghị tập huấn, đối thoại với hơn 2.200 lượt người tham gia. Bộ phận một cửa cũng hỗ trợ trực tiếp hơn 34.000 lượt người nộp thuế.
Công tác quản lý thuế tiếp tục đạt những kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ khai thuế điện tử đạt gần 100%, đảm bảo sự minh bạch, chính xác và tiện lợi cho người nộp thuế. Trong năm, Cục Thuế đã giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng với 2.264 hồ sơ, tổng số tiền hoàn thuế đạt hơn 4.570 tỷ đồng.
Công tác thanh tra, kiểm tra thuế được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, giao dịch liên kết và thương mại điện tử. Trong năm, Cục Thuế đã hoàn thành 612/650 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 94% kế hoạch, kiến nghị xử lý vi phạm trên 212 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế thu qua thanh tra kiểm tra đạt hơn 87,3 tỷ đồng.
Về quản lý nợ thuế, Cục Thuế đã ban hành hơn 15.500 quyết định cưỡng chế nợ với tổng số tiền trên 14.500 tỷ đồng, đồng thời khoanh nợ cho 349 trường hợp với tổng số tiền 38,2 tỷ đồng. Việc tạm hoãn xuất cảnh đối với 325 cá nhân nợ thuế với tổng số tiền 487 tỷ đồng cũng được triển khai nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Tập trung chuyển đổi số
Năm 2024, Cục Thuế Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế. Theo đó, Cục Thuế tiếp tục triển khai đến các đơn vị trực thuộc và toàn thể cán bộ công chức trong thực hiện nghiêm túc Quy trình tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính thuế theo cơ chế một cửa nộp trực tiếp tại cơ quan thuế, Quy trình Kiểm soát thủ tục hành chính thuế, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính. Trong công tác chuyển đổi số, Cục Thuế đã hoàn thành 10/10 chỉ tiêu nhiệm vụ UBND tỉnh giao về chuyển đổi số năm 2024.
Trong năm 2024, Cục Thuế tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ tại Đề án 06 của UBND tỉnh, Tổng cục Thuế giao; đồng thời đẩy mạnh việc mở rộng ứng dụng thuế điện tử trên thiết bị di dộng (eTaxmobile). Trên địa bàn tỉnh đã có 32.626 tài khoản cá nhân kích hoạt giao dịch điện tử, tăng 17.925 tài khoản so với cuối năm 2023; Trong đó có trên 12.742 lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng eTaxmobile, với tổng số tiền đã giao dịch điện tử của cá nhân qua ứng dụng eTaxmobile là trên 133,6 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng so với cuối năm 2023.
Cùng với đó, Cục Thuế tiếp tục triển khai tốt chức năng Bản đồ số hộ kinh doanh trên địa bàn, đẩy mạnh công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền và rà soát, chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân giai đoạn 2 để đảm bảo dữ liệu đúng, đủ, sạch và góp phần vào kết quả của công tác chuyển đổi số.
Những kết quả đạt được của ngành Thuế Vĩnh Phúc trong năm 2024 là thành quả của sự nỗ lực không ngừng từ đội ngũ cán bộ, công chức và sự hợp tác chặt chẽ từ người nộp thuế. Ngay từ đầu năm, Cục Thuế đã ký giao ước thi đua với UBND Tỉnh và Tổng cục Thuế, phát động nhiều phong trào thi đua lớn như "Phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác thuế năm 2024" và "Đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả".
Cục Thuế Vĩnh Phúc đã khẳng định vai trò tiên phong trong công tác thu ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của Tỉnh. Những nỗ lực này không chỉ giúp ngành Thuế giữ vững thành tích xuất sắc mà còn đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước.