Nghị định số 08/2023/NĐ-CP:

Củng cố niềm tin, kiểm soát hạn mức phát hành

Công Danh (Thực hiện)

Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ vừa được ban hành nhằm phù hợp hơn với bối cảnh thị trường hiện tại. Liên quan đến vấn đề này, Tạp chí Tài chính đã có cuộc phỏng vấn với TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính - ngân hàng về những sửa đổi, bổ sung liên quan đến Nghị định này. Trong đó, chuyên gia này khẳng định cần củng cố niềm tin, kiểm soát hạn mức phát hành.

Nhà đầu tư được hoán đổi trái phiếu lấy sản phẩm của doanh nghệp phát hành. Ảnh minh họa
Nhà đầu tư được hoán đổi trái phiếu lấy sản phẩm của doanh nghệp phát hành. Ảnh minh họa

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về những thay đổi lớn của Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 05/3/2023 vừa được ban hành? Liệu nhà đầu tư có hào hứng với những sửa đổi này không, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Như chúng ta đã biết, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ mới ban hành có những sửa đổi nhằm phù hợp hơn với bối cảnh thị trường hiện tại. Tại Nghị định này, có một số điểm quan trọng cần chú ý đó là:

Chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu. Ảnh: NVCC
Chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu. Ảnh: NVCC

Các tiêu chí áp dụng cho nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp được dời lùi sang đầu năm 2024; Cho phép cơ chế đàm phán giữa doanh nghiệp phát hành trái phiếu và nhà đầu tư để nhà phát hành có thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác; Được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư, nếu có sự đồng ý của trái chủ; Tạm hoãn quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; Thời gian phân phối trái phiếu của cùng một lô phát hành có thể quá 6 tháng và qui định về xếp hạng tin nhiệm dời sang năm 2024… Những quy định này giúp cho doanh nghiệp có nhiều thời gian và cách thức để cơ cấu lại nguồn vốn và tháo gỡ khó khăn trong ngắn hạn cho các nhà phát hành.

Có thể thấy, các quy định này chủ yếu hướng tới doanh nghiệp, nhà phát hành, tạo thuận lợi cho nhà phát hành trong việc phát hành và bán trái phiếu. Tuy nhiên, với nhà đầu tư, tâm lý của họ sẽ càng dè dặt hơn bởi giờ đây về cơ bản họ chỉ còn cách là đồng thuận và mong nhà phát hành sẽ có những cách thức và định hướng mới tốt hơn cho hoạt động của doanh nghiệp để cuối cùng trả nợ cho nhà đầu tư.

Cụ thể, nhà phát hành có thể tái cơ cấu khoản nợ hay tìm cách thanh lý hàng hóa để có tiền thanh toán trái phiếu mà các trái chủ đang nắm giữ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất ở đây là tâm lý nhà đầu tư đang dao động vì những vụ điều tra đã buộc các nhà phát hành không được phép chi trả cho nhà đầu tư trước khi các vụ điều tra kết thúc. Do vậy, có thể nhà đầu tư sẽ chưa hào hứng với những thay đổi này.

Phóng viên: Hiện nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi những tác động nào, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Theo đánh giá của tôi, hiện thị trường Việt Nam đang chịu những tác tác động tiêu cực của cả trong và ngoài nước. Tiêu biểu tác động bên ngoài có thể thấy đó là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chưa có dấu hiệu giảm lãi suất, mặc dù chúng ta luôn kỳ vọng là trong quý II và quý II năm nay Fed sẽ dừng việc tăng lãi suất, nhưng cho đến nay chúng ta chưa thấy có tín hiệu nào cho điều ấy.

Bên cạnh đó, chúng ta đều thấy thực tế trong thời gian vừa qua, việc kiểm soát chặt chẽ của chính sách tiền tệ trong nước làm thị trường nội địa trầm lắng, ảm đạm, cùng với đó là nhà đầu tư đang dè dặt hơn trong việc đưa ra quyết định.

Phóng viên: Chuyên gia có đề xuất gì để làm sao thị trường TPDN thực sự trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp mà Chính phủ, Bộ Tài chính đang nỗ lực hướng đến?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Để TPDN thực sự trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp, Chính phủ và các cơ quan quản lý cần phải chuyển mục tiêu của các qui định và chính sách: quan tâm đến việc củng cố niềm tin của thị trường chứ không phải tạo thuân lợi cho nhà phát hành.

Đối với doanh nghiệp, nhà phát hành cần có những quy định minh bạch trong việc công bố thông tin về tình hình sức khỏe tài chính doanh nghiệp. Đồng thời, kiểm soát hạn mức phát hành, tránh hiện tượng “một đồng vốn phải gánh quá nhiều đồng nợ”, hay “dùng tiền mới để cứu tiền cũ” và rốt cục cả tiền mới lẫn tiền cũ kéo nhau xuống vực thẳm.

Đối với nhà đầu tư, cần có quy định chặt chẽ về tư cách và khả năng tham gia thị trường của nhà đầu tư cá nhân, tránh tình trạng thị trường bị thổi phồng bằng sự tham gia ồ ạt của những nhà dầu tư nhỏ lẻ, gây mất an toàn tài chính, và gây thiệt hại cho chính các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!