Nghị định số 08/2023/NĐ-CP có nhiều tác động tích cực trong bối cảnh khó khăn kinh tế chung

Thanh Sơn - Lý Tuấn (Thực hiện)

Chia sẻ với Tạp chí Tài chính, PGS. TS. Nguyễn Anh Phong - Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho biết, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sẽ tạo ra một số điểm tác động tích cực trong bối cảnh khó khăn kinh tế chung, đặc biệt đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản (BĐS).

Nghị định số 08/2023/NĐ-CP có nhiều tác động tích cực trong bối cảnh khó khăn kinh tế chung - Ảnh 1

Phóng viên: Xin ông cho biết những tác động tích cực mà Nghị định 08/2023/NĐ-CP mang lại cho tổ chức, và cá nhân đang nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN)?

PGS. TS. Nguyễn Anh Phong: Nghị định số 08/2023/NĐ-CP có một số điểm điều chỉnh quan trọng, cụ thể:

Một là, cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong trường hợp không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư thì có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác.

Hai là, cho phép kéo dài kỳ hạn của trái phiếu tối đa không quá 02 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.

Ba là, cho phép cơ chế đàm phán giữa doanh nghiệp phát hành trái phiếu và nhà đầu tư. Đối với người sở hữu trái phiếu không chấp thuận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu thì doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Trường hợp có người sở hữu trái phiếu không chấp thuận phương án đàm phán thì doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người sở hữu trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư (kể cả trường hợp việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu đã được người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận).

Với ba “cánh cửa” mở ra như trên thì Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sẽ tạo ra một số điểm tác động tích cực trong bối cảnh khó khăn kinh tế chung, đặc biệt đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS nói riêng. 

Trong đó, điểm tác động tích cực mang tính vĩ mô là làm giãn nợ, giảm áp lực căng thẳng về thanh khoản và giảm nợ xấu cho doanh nghiệp, lẫn các tổ chức tín dụng. 

Về phía các doanh nghiệp, quy định này sẽ tạo được khoảng thời gian đủ để các doanh nghiệp thay đổi cấu trúc tài chính, tài sản, chiến lược kinh doanh để tạo lại luồng tài chính, đáp ứng thanh khoản tránh nguy cơ vở nợ và phá sản. 

Đối với cá nhân hay nhà đầu tư đang nắm giữ trái phiếu thì tránh được phương án có khả năng mất trắng tiền đầu tư nếu doanh nghiệp rơi vào tình trạng vỡ nợ, phá sản. Ngoài ra, nếu đàm phán tốt, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp tốt lên thì nhà đầu tư có thể có được khoản sinh lợi tốt hơn. 

Phóng viên: Sản phẩm của các doanh nghiệp BĐS còn lại đa phần là xây dựng dở dang, vậy với việc hoán đổi trái phiếu lấy sản phẩm này thì nhà đầu tư có cần chú ý điều gì để đảm bảo quyền lợi của mình không? 

PGS. TS. Nguyễn Anh Phong: Việc “hoán đổi trái phiếu” là việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu để hoán đổi cho trái phiếu đang lưu hành của chính doanh nghiệp đó tại cùng một thời điểm để cơ cấu lại danh mục nợ. Còn việc công ty BĐS dùng sản phẩm dở dang của mình để trả thay vì trả nợ, điều này có nghĩa là rơi vào trường hợp trả nợ bằng tài sản khác như trong Điều 1, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP. 

Việc được trả nợ bằng tài sản thì các vấn đề hết sức quan tâm của nhà đầu tư chính là pháp lý, quyền sở hữu hợp pháp của tài sản và định giá tài sản. Đối với các nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ, không chuyên nghiệp thì việc xem xét tính pháp lý, hay định giá trị tài sản là câu chuyện cực kỳ khó khăn và tốn kém. 

Phóng viên: Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngưng hiệu lực thi hành một số quy định đến hết ngày 31/12/2023. Các phương án đề xuất này có đảm bảo về mặt quyền lợi cho trái chủ và phù hợp với định hướng xử lý các vấn đề liên quan đến thị trường TPDN của Chính phủ hiện nay không, thưa ông?

PGS. TS. Nguyễn Anh Phong: Quy định này, theo tôi mục đích là tăng cầu về nhà đầu tư cá nhân, tăng cung hay tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành các lô trái phiếu mới để đảo nợ cũ. Tất nhiên, quy định này khó có thể tháo gỡ được căn nguyên và bản chất của thị trường TPDN hiện nay. Bởi lẽ các nhà đầu tư, nhất là đầu tư cá nhân sau nhiều vụ TPDN bị ảnh hưởng, họ không còn niềm tin để đầu tư vì rủi ro quá cao. Ngoài ra, bản chất đầu tư trái phiếu là dạng đầu tư tài chính, chỉ những người am hiểu chuyên môn nhất định mới có khả năng tham gia. 

Cần nhận thức được rằng, trái phiếu là một dạng nợ, để biết “giá” của nợ bao nhiêu, tức là rủi ro bao nhiêu thì cần có xếp hạng, dựa vào xếp hạng mới biết công ty có rủi ro cao hay thấp mà định ra khoản lãi suất tương ứng. Do vậy, việc yêu cầu xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu là rất cần thiết.

Phóng viên: Ông có ý kiến đề xuất gì để làm sao thị trường TPDN thực sự trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp mà Chính phủ, Bộ Tài chính đang nỗ lực hướng đến?

PGS. TS. Nguyễn Anh Phong: Thiết nghĩ để đạt mục đích và chiến lược phát triển thị trường TPDN, tạo kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp, Chính phủ và các cơ quan liên quan cần sớm ban hành quy định mang tính khuôn khổ và tuân thủ một cách đầy đủ và trọn vẹn theo nguyên tắc hoạt động của thị trường tài chính. Trong đó, các điểm nổi bật cần chú ý gồm:

Thứ nhất, minh bạch thông tin và sức khỏe của doanh nghiệp phát hành. Để đạt được yếu tố này, cần các bên giám sát rất chặt chẽ như: đơn vị kiểm toán, đơn vị xếp hạng tín nhiệm, đơn vị bảo lãnh, đơn vị giám sát...

Thứ hai, nhà đầu tư tham gia vào sân chơi mang tính chuyên nghiệp này cũng phải là các nhà đầu tư chuyên nghiệp, còn các nhà đầu tư cá nhân khác chỉ có thể tham gia dưới hình thức các quỹ đầu tư tín thác. Bởi họ không thể đầu tư mà không biết rõ về sản phẩm, rủi ro và giá trị của nó. 

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!